Chiếc nhẫn bảo mật
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm (30 tuổi), hiện đang làm việc tại ĐH Colorado (Mỹ), vừa giành được giải thưởng danh giá của Google và được hãng công nghệ này tài trợ 55.000 USD cho công trình nghiên cứu về chiếc nhẫn bảo mật, một dự án đầy tiềm năng có thể giúp hàng triệu người bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng.
Rạng danh đất Việt: Chiếc nhẫn bảo mật
Nhiều du học sinh Việt Nam đang thực hiện giấc mơ của mình bằng sự sáng tạo và đã chinh phục được những nhà khoa học ở Mỹ.
Vũ Ngọc Tâm và chiếc kính công nghệ cao với một màn hình nhỏ ở góc phải, có thể cung cấp thông tin về vật thể trước mắt người sử dụng – Ảnh: NV |
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm (30 tuổi), hiện đang làm việc tại ĐH Colorado (Mỹ), vừa giành được giải thưởng danh giá của Google và được hãng công nghệ này tài trợ 55.000 USD cho công trình nghiên cứu về chiếc nhẫn bảo mật, một dự án đầy tiềm năng có thể giúp hàng triệu người bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng.
Cách đây 2 năm, Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Tâm cùng với GS Marco Gruteser đã sáng chế ra chiếc nhẫn bảo mật có thể lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu (password); khi chạm chiếc nhẫn đó vào màn hình cảm ứng (touch screen), nó có thể trao đổi dữ liệu, xác nhận người dùng.
“Sáng chế này khác gì công nghệ vân tay hoặc những thiết bị lưu trữ vốn đang phổ biến trên thị trường?”, tôi hỏi. GS Vũ Ngọc Tâm giải thích: “Tính bảo mật của nó cao hơn hẳn, điểm nổi bật của chiếc nhẫn là nó không dùng tín hiệu không dây như wifi, bluetooth hay NFC để giao tiếp với thiết bị chủ (điện thoại, máy ATM, máy tính bảng…). Nếu dùng sóng không dây sẽ rất dễ bị ăn cắp dữ liệu còn nếu dùng vân tay tính bảo mật cũng không cao, ví dụ bạn bám vào cửa, chạm lên mặt kính là người ta có thể dễ dàng lấy mẫu vân tay của bạn. Để tăng tính bảo mật của chiếc nhẫn, tôi sẽ tích hợp công nghệ nhận dạng chủ nhân thông qua tín hiệu nhịp tim, một thông số duy nhất cho mỗi người, vì vậy dù có mất chiếc nhẫn, chủ của nó cũng không bị mất thông tin quan trọng”.
|
GS Tâm cho biết thêm, chiếc nhẫn kỳ diệu này có hình dáng như một đồ trang sức nhưng nó có thể ứng dụng trong việc lưu trữ và sử dụng cho mật mã tài khoản ngân hàng, bảo mật các thông tin quan trọng. Ngoài ra, nó có thể ứng dụng trong việc ngăn ngừa tình trạng người không có thẩm quyền sử dụng vũ khí bằng cách khóa vũ khí bằng mật khẩu, chỉ khi chủ nhân của chiếc nhẫn chạm vào thiết bị thì thiết bị đó mới có thể sử dụng được.
|
Chiếc nhẫn chỉ là một trong những thành quả nghiên cứu được đánh giá cao của GS Vũ Ngọc Tâm. Bởi GS Tâm còn được biết đến với việc tham gia những nghiên cứu đáng chú ý trong giới khoa học ở Mỹ như: Thiết kế mạng internet tương lai cho thiết bị di động, một trong 4 dự án trọng điểm của chính phủ Mỹ mà Quỹ phát triển khoa học NSF đầu tư tổng cộng hơn 12 triệu USD; dự án Phát hiện việc tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe để ngăn ngừa tai nạn giao thông vì lơ đễnh (kết quả này được giới thiệu trên kênh thông tin đại chúng của Mỹ như CNN, The New York Times, The Wall Street Journal, National Public Radio, MIT Tech review)…
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, GS Ngọc Tâm đang hợp tác với ĐH Colorado để thiết kế một chương trình máy tính nhằm dự đoán tiến trình hồi phục của bệnh nhận. Nếu có dữ liệu đầu vào như: nhịp tim, huyết áp, sự thay đổi thể tích lồng ngực…, phần mềm đó có thể đưa ra dự báo bệnh nhân sẽ nặng hơn hoặc bình phục trong bao lâu. Điều này giúp người nhà bệnh nhân đưa ra quyết định hợp lý như đưa đến viện ngay lập tức hoặc có thể đợi bác sĩ gia đình tới; họ cũng có thể biết được khi nào có thể đưa bệnh nhân ra viện để tiết kiệm chi phí …
Một thành tích xuất sắc mà GS Vũ Ngọc Tâm đạt được trong thời gian ở Mỹ, đó là số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Chỉ trong 4 năm rưỡi, anh đã có hơn 10 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu trong ngành công nghệ di động như:American Computing Machine (ACM), Mobile Computing Conference (MobiCom), ACM Mobile Systems (MobiSys), IEEE InfoCom, IEEE Transaction on Mobile Coputing (TMC).
Để hoàn thành những bài báo có tầm ảnh hưởng cả trong giới khoa học cũng như trong xã hội, GS Tâm luôn lựa chọn rất kỹ đề tài nghiên cứu. “Tất cả các nghiên cứu của tôi đều hướng tới 4 tiêu chí: có tác động đến xã hội, có giá trị kinh tế, có tác động đến các ngành khoa học công nghệ khác và nằm trong khả năng chuyên môn”, GS Tâm phân tích.
Hiện nay, mỗi tuần GS Tâm giảng dạy khoảng 3 giờ, còn lại thời gian chủ yếu là nghiên cứu. Ngay khi được mời về làm việc, vị GS trẻ này đã được ĐH Colorado cấp 150.000 USD để anh tự chọn mua thiết bị cho phòng thí nghiệm của mình, trả lương cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ.
“Kế hoạch tương lai của GS là gì?”, tôi hỏi. GS Tâm cho biết: “Từ các kết quả nghiên cứu thành công ban đầu, tôi sẽ phát triển các sản phẩm thực tế để được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, tôi cũng mong có thể giúp đỡ nhiều sinh viên VN sang Mỹ học tập cùng với việc mỗi năm thực hiện 1-2 lần Dự án Teaching tour, để cùng bạn bè về VN trao đổi kiến thức mới nhất với sinh viên trong nước”.
“Vũ Ngọc Tâm là một GS trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Với uy tín, vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình, GS đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng trong dự án gần đây, đó là kết nối các thiết bị y tế trên cơ thể con người, sử dụng chính cơ thể con người làm phương tiện truyền dẫn. Đây là một dự án quan trọng trong lĩnh vực truyền dẫn thông tin với mục tiêu cung cấp một kênh kết nối thông suốt, an toàn giữa các thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể (implantable devices) và các thiết bị đeo được trên người bệnh (wearable devices). GS Tâm đã chứng minh năng lực qua nhiều dự án thành công. Những nghiên cứu của GS Tâm được xây dựng trên nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học máy tính cả ở lĩnh vực lý thuyết và thực hành”. Giáo sư Gita Alaghband
|
Káp Thành Long