26/11/2024

108 trẻ chết do sởi và biến chứng: Bộ Y tế giấu dịch?

Phải qua kiểm tra thực tế của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới có con số thật về trẻ tử vong do sởi và biến chứng sau sởi: chỉ riêng ba bệnh viện lớn ở Hà Nội là 108 trẻ, không phải 25 trẻ như Bộ Y tế báo cáo hôm 10-4.

108 trẻ chết do sởi và biến chứng: Bộ Y tế giấu dịch?

Phải qua kiểm tra thực tế của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới có con số thật về trẻ tử vong do sởi và biến chứng sau sởi: chỉ riêng ba bệnh viện lớn ở Hà Nội là 108 trẻ, không phải 25 trẻ như Bộ Y tế báo cáo hôm 10-4.

 

Tuần trước, trong các thông tin phát đi Bộ Y tế vẫn cho rằng từ đầu năm đến nay đã có 25 trẻ tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi.

Tuy nhiên chiều 15-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp vào Bệnh viện Nhi T.Ư thị sát tình hình, Bộ Y tế cho biết con số trẻ tử vong gấp hơn bốn lần!

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra khi có thông tin có nhiều trẻ chết do sởi và biến chứng sau sởi.

Số công bố khác xa thực tế

 

Nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não

Ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết thời điểm này bệnh viện ông đang điều trị cho 340 bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em, trong số này có trên 50 ca bệnh nặng phải thở máy. Theo ông Kính, bệnh nhân bắt đầu vào viện dồn dập từ tháng 2 đến nay và nhiều trường hợp có biến chứng viêm não, một trong những biến chứng điển hình của bệnh sởi. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mùa dịch năm nay gây hại nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi, là nhóm chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi nhưng năm nay có tỉ lệ mắc bệnh rất cao, hầu hết trẻ tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, hoặc cùng một trẻ nhiễm 2-3 loại vi khuẩn, virút khác nhau do suy giảm miễn dịch sau khi mắc sởi.

* Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, mỗi tuần gần đây có 5-7 trường hợp mắc bệnh sởi đến bệnh viện điều trị, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 72 trường hợp, trong đó 9/10 huyện, thị xã có trường hợp mắc bệnh.b.liêm – đ.anh

 

Anh Trần Quốc Lĩnh, quê ở Lộc Hà, Hà Tĩnh, có con nhỏ vào bệnh viện điều trị sởi và viêm não đã hai tháng nay cho biết: “Mấy hôm nay có nhiều bệnh nhi mắc sởi nhập viện, một số bé được chuyển lên nằm ở khoa chống độc. Còn ở khoa truyền nhiễm này trung bình 3-4 bé nằm chung một giường. May mắn hơn thì hai bé nằm một giường. Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến các em nhỏ được đưa về nhà do tử vong vì bệnh sởi. Khi con tôi còn nằm ở phòng cấp cứu 112 khoa truyền nhiễm, có ngày tôi chứng kiến tới hai bé tử vong”.

Con anh Lĩnh (được 1 tuổi) đã gần khỏi bệnh và các bác sĩ cho biết bé có thể được chuyển lên khoa thần kinh để điều trị bệnh viêm não.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Nhiều phụ huynh ngồi trước hành lang khoa truyền nhiễm đang phải cố chấp nhận sự thật là tình hình bệnh sởi của con mình ngày càng xấu.

Bà Phạm Thị Tải ở Ba Vì, Hà Nội cùng con rể và con gái đưa cháu ngoại 13 tháng tuổi lên đây chữa bệnh đã 12 ngày.

Bà cho biết thấy cháu bị sốt, gia đình đưa lên điều trị tại Bệnh viện Nông nghiệp.

Hai ngày sau bé bắt đầu nổi nhiều mẩn trên người, ngày càng tím tái hơn. Gia đình vội chuyển bé lên Bệnh viện Nhi T.Ư.

“Bệnh cháu tôi ngày càng nặng hơn. Cháu không thở được dù đã dùng bình thở oxy, cứ ho dài thành cơn và tím tái hết người. Cách đây hai ngày, bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tâm lý trước vì bệnh tình của cháu ngày càng xấu đi. Suốt từ hôm đó đến nay, nhà tôi ai cũng thẫn thờ như người mất hồn” – bà Tải cho biết.

Tình hình tại bệnh viện bất thường như vậy nhưng tại cuộc họp trực tuyến vào tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vẫn cho rằng bệnh sởi chưa có gì bất thường, các chủng virút gây sởi vẫn là chủng truyền thống, chưa ghi nhận biến đổi về độc lực cũng như cách lây truyền.

Theo công bố tại cuộc họp này, từ tháng 2 đến ngày 10-4 đã có tổng số 25 ca tử vong do sởi. Tuy nhiên, nhiều người đã không tin con số báo cáo này.

Ngày 15-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo chính thức tình hình dịch. Đến thời điểm này, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đến ngày 15-4 đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng sau sởi, trong đó có 103 trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bốn trẻ tại Bệnh viện Bạch Mai, một trẻ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Số ca tử vong này chưa tính các trẻ bệnh nặng xin về và số tử vong do sởi tại các địa phương, trong đó tại Yên Bái ngay sau khi bệnh sởi xuất hiện (tháng 1-2014) đã có hai ca tử vong.

 

Tử vong cao do chậm phòng chống dịch

Tại buổi kiểm tra tình hình dịch sởi ở Bệnh viện Nhi T.Ư chiều qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới ba khu vực bệnh viện này đang dành để điều trị bệnh nhân sởi.

Điều dễ nhận thấy là dù tăng thêm giường bệnh cho bệnh nhi mắc sởi, nhưng hầu hết giường bệnh đều có tới bốn bệnh nhi.

Tình trạng lây nhiễm chéo, đến Bệnh viện Nhi T.Ư khám và chữa các bệnh khác nhưng bị lây bệnh sởi khá trầm trọng.

Tuy nhiên, điều này không được Bộ Y tế báo cáo lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – là người được Chính phủ phân công phụ trách lĩnh vực y tế.

Tại cuộc thị sát chiều 15-4, Phó thủ tướng Đam nói ông phải cảm ơn một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi T.Ư đã viết về tình trạng quá nhiều trẻ tử vong do sởi và đưa lên Facebook, vì thế Phó thủ tướng mới biết được tình hình và đến kiểm tra trực tiếp.

Bên cạnh đó Phó thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Trong số những trẻ bệnh diễn tiến nặng, có trẻ nặng thêm do bệnh viện quá tải. Theo chị Mùa, cách đây một tháng con chị lên điều trị sởi tại Bệnh viện nhi T.Ư và bệnh đã gần khỏi, các bác sĩ cho chuyển về tuyến dưới là Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc điều trị, gia đình chị phản đối nhưng bác sĩ nói bệnh bé đã giảm nên phải về để nhường chỗ cho bé khác, vì bệnh nhi nhập viện đang quá tải.

Sau 11 ngày nằm điều trị ở Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc, bệnh bé ngày càng nặng hơn, gia đình chị lại đưa bé trở lại bệnh viện nhi. “Sáng nay bác sĩ thông báo bệnh tình bé giờ rất xấu, có thể phải chấp nhận điều xấu nhất” – chị Mùa vừa khóc vừa nói.

Song, những gì mà Bộ Y tế cung cấp về dịch sởi lại là bức tranh màu hồng. Theo thông tin từ báo cáo của Bộ Y tế, các ca mắc sởi đã giảm xuống mức thấp, chỉ còn 25 ca/tuần, trong khi thời gian cao điểm tháng 2-2014 có đến 300 ca mắc/tuần.

Bộ Y tế cũng cho biết đã bắt đầu chống dịch sởi từ cuối năm 2013, tuy nhiên thực tế phải đầu tháng 2-2014 những biện pháp chống dịch đầu tiên mới được triển khai tại tỉnh Yên Bái, một trong bốn tỉnh thành đầu tiên công bố dịch sởi. Điều đó cho thấy các hoạt động chống dịch đã được tiến hành rất chậm.

Ngoài ra,  do bệnh sởi không phải xuất hiện hằng năm, các bác sĩ không kịp cập nhật kiến thức điều trị khiến hiệu quả chẩn đoán, điều trị sởi tại tuyến dưới kém, bệnh nhân phải lên tuyến trên gây quá tải trầm trọng tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh

viện Xanh Pôn. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ, tắc trách này? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước 108 ca tử vong (đó là thống kê chưa đầy đủ) về một căn bệnh vốn được coi là lành tính? Chúng tôi xin gửi câu hỏi này đến Bộ Y tế.

LAN ANH – VŨ VIẾT TUÂN

 

 

Chích ngừa sởi khi trẻ 9 tháng tuổi

Ngày 15-4, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn ở mức hơn 50 trẻ nằm điều trị/ngày. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm bệnh viện, cho biết trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại khoa này dao động 50-60 trẻ nằm ngày.

Các bác sĩ nhấn mạnh cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất vẫn là chích ngừa sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi. Còn với những trẻ dưới 9 tháng tuổi, không cần thiết phải giữ trẻ trong nhà (như nhiều phụ huynh đang lo lắng, không dám cho trẻ ra ngoài), mà virút bệnh sởi thường theo người lớn từ ngoài về nhà, sau đó mới lây bệnh cho trẻ. Do vậy, khi người lớn đi ở ngoài về nhà cần rửa tay, thay quần áo mới bế trẻ.

T.DƯƠNG