26/11/2024

Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao: Cả đời nghiện… rối

Sau thành công của chuyến đi Pháp từ những ngày cuối năm 2013, vào tháng 7 và tháng 12 năm nay, vở rối nước Truyện cổ Andersen tiếp tục được Nhà hát múa rối VN và Tổ chức Interarts Riviera SA (Pháp) lên kế hoạch lưu diễn châu Âu.

 

Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao: Cả đời nghiện… rối

Sau thành công của chuyến đi Pháp từ những ngày cuối năm 2013, vào tháng 7 và tháng 12 năm nay, vở rối nước Truyện cổ Andersen tiếp tục được Nhà hát múa rối VN và Tổ chức Interarts Riviera SA (Pháp) lên kế hoạch lưu diễn châu Âu.

Hay tin, hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao – “cha đẻ” của tác phẩm này – đã rất đỗi vui mừng. Ông bảo: sự “sinh ư… rối” và niềm “vinh ư… rối” của ông là ở đây!

 

Rối đã rút… sức già của họa sĩ Ngô Quỳnh Giao – Ảnh: Đức Triết

 

Ông hoạ sĩ già đón tôi ngay bên cửa với nụ cười mủm mỉm. Rồi ông rủ rỉ nói về những con rối đặt dọc theo lối lên cầu thang, có khi do ông tạo hình, cũng có khi ông sưu tầm ở nước bạn trong mỗi chuyến công tác. Tách trà thơm mời khách đã đặt sẵn trên bàn, ông hướng ánh nhìn ra khung cửa sổ từ căn phòng nhỏ trên tầng 3 và bắt đầu câu chuyện…

Niềm vui “sống lại”

Bắt đầu từ ký ức, hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao kể về ý tưởng trùng phùng muốn làm mới trò rối cổ của mình và NSƯT Vương Duy Biên (khi đó đang là giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam) đã gặp ông Jean-Luc Larguier sang Việt Nam và đặt vấn đề: “Các ông có thể dùng rối nước để kể các câu chuyện khác được không?”.

Ông kể về những đêm mất ngủ vì trăn trở làm thế nào đan cài được nhiều trò diễn của Việt Nam vào những truyện cổ nổi tiếng của Andersen như Chim hoạ mi, Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá… Rồi ông ngậm ngùi nhắc lại một sự thật: Truyện cổ Andersen chỉ được “sống” trong vài suất diễn giới thiệu ban đầu, sau đó “nằm kho” đến gần 10 năm! Và đôi mắt của người hoạ sĩ già lấp lánh niềm vui khi nói về năm 2010, nhà hát chỉnh trang lại bộ rối, đưa Truyện cổ Andersen tham dự Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội lần II.

Vở rối đã thật sự nổi bật với sự giao thoa khéo léo, duyên dáng giữa những câu chuyện nổi tiếng của phương Tây với nghệ thuật rối nước cổ truyền Việt Nam. Khi đó, không gian sân khấu thủy đình bỗng đâu xuất hiện những lâu đài tráng lệ, cung điện nguy nga… Các nhân vật diễn trò trên nước là vua, công chúa, chú lính chì, con quỷ, nàng vũ nữ, bầy thiên nga, nàng tiên cá thay cho chú Tễu hay rồng, lân, phượng, nông dân… Đặc biệt, các con rối trở thành nhân vật kịch, qua đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ chúng biết biểu lộ, giao lưu về tình cảm…

Vở đã giành huy chương vàng không chỉ cho vở diễn mà cho cả đạo diễn lẫn diễn viên, dẫu thế hoạ sĩ vẫn bảo: “Niềm vui chỉ thật sự “tròn trịa” khi nhà hát mời tôi cộng tác tham gia dự án phục hồi Truyện cổ Andersen để vở rối đi Pháp trong năm 2013. Vì với tôi dù tác phẩm có được gắn bao nhiêu huy chương đi chăng nữa, mà không đến được với khán giả thì vẫn xem như nó đã… chết”.

Rối rút… sức già

Say trong niềm vui ấy nên giữa những ngày hè tháng 6-2013, ông hoạ sĩ ở tuổi 72 này đã tích cực làm việc từ 8-19g. Ông thường xuyên xoay trần giữa những chú lính chì, vịt con xấu xí, cô vũ nữ, nàng tiên cá, hoàng tử… Mỗi con rối đối với ông không phải là những khúc gỗ vô hồn mà là những nhân vật có đời sống, có tâm trạng được ông tỉ mỉ trau chuốt từng chi tiết điêu khắc, từng nét vẽ… Hơn thế, ông còn nhúng những con rối làm bằng gỗ sung vào thùng sơn ta (sơn làm từ mủ cây sơn ở Phú Thọ) để kéo dài tuổi thọ cho chúng. Có người ngăn vì ai cũng biết người có da nhạy cảm tiếp xúc với sơn hay chỉ ngửi qua nhựa sơn cũng cảm thấy nặng nề và bị dị ứng, gây lở loét trên mặt. Nhưng ông vẫn làm, vẫn gieo niềm tin cho bạn nghề khi kể câu chuyện tuổi lên 5, cha ông (hoạ sĩ Ngô Mạnh Quỳnh) đã lấy sơn ta to chừng hạt ngô nhét vào quả chuối chín và cho ông ăn. Vì thế ông là một trong số “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” suốt hơn 50 năm qua làm công việc tạo hình con rối của một hoạ sĩ. Nhưng, lần này ông đã sai. Sau một ngày nhúng xong bộ rối Andersen vào thùng chứa 15 lít sơn ta, người ông bị ngứa, lở suốt 10 ngày.

Giờ đây gặp lại ông, vẫn thấy “dấu tích” trên gương mặt xanh xao và dáng người khòng xuống của hoạ sĩ khi đi qua một trận ốm sinh tử (nhồi máu cơ tim). Ai cũng bảo ông đã để rối rút nốt sức già! Còn ông, lúc nằm viện vẫn chờ những cuộc điện thoại từ Paris.

 

“Những ngày đoàn đi Pháp, tôi nhập viện. Tôi như chóng khỏi bệnh hơn khi nghe anh Dũng (trưởng đoàn) nói Truyện cổ Andersen đã có những suất diễn tưng bừng tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss. Mới đây, gặp anh em hay tin Truyện cổ Andersen tiếp tục được lên kế hoạch cho những đợt lưu diễn vào tháng 7 và tháng 12 năm nay thì bệnh tôi… khỏi hẳn” – hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao mủm mỉm cười và nói.

 

Ảnh: Đại Nghĩa

 

Người tự “phủ nhận” mình

Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao đã không hề khoe gì về việc ông sẽ tham gia làm vở rối nước về cậu bé người gỗ Pinocchio với Tổ chức Interarts Riviera SA (Pháp). Tính ông là như thế. Cứ lặng lẽ làm việc với độ say của nghệ sĩ và sự bền bỉ, cần mẫn của một người thợ lành nghề!

Hỏi đến, ông nói qua qua: “Có đấy, ông Jean-Luc Larguier – giám đốc Tổ chức Interarts Riviera SA – đã nhắc tôi giữ sức khỏe để còn làm tiếp về Pinocchio. Vậy nên ở viện vừa cập nhật tin vở Truyện cổ Andersen đi lưu diễn bên Pháp, tôi vừa phác thảo xem mình sẽ tạo hình Pinocchio như thế nào”. Thế rồi ông quay sang nói về kịch bản rối nước mà ông đã gửi Nhà hát múa rối Việt Nam là Sơn Tinh – Thủy Tinh nhưng vẫn chưa được dựng và mở ngoặc: “Nhớ là tôi chỉ bắt tay viết kịch bản và dàn dựng khi đã nghỉ hưu nhé (ông làm giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam từ năm 1991-2002). Lúc làm giám đốc nếu mình cũng dàn dựng vở thì còn ai dám xen vào? Bây giờ tôi “mình trần” lên “võ đài” thi đấu. Công bằng chưa?”.

Ngồi thung dung trong chiếc ghế bành mây, ông tiếp tục bình phẩm về nghề: “Các cụ xưa có nói “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Không sai. Nhưng, tôi vẫn muốn đổi lại là “sinh ư nghệ, vinh ư nghệ”. Cái “sinh ư… nghệ” đối với hoạ sĩ là câu chuyện ông làm nghề từ khi mới lên 7 lên 8 đến giờ và đã có những giải thưởng lớn như giải đặc biệt quốc gia về tạo hình mang tên Skupa của Tiệp Khắc (1973), giải thưởng danh dự Mông Cổ (1983), giải đạo diễn xuất sắc, giải hoạ sĩ tạo hình con rối xuất sắc (2010)… nhưng khi nghỉ hưu ông không mang một danh hiệu nào. Dẫu vậy, ông vẫn “vinh ư… nghệ” khi là người đầu tiên sưu tầm, nâng cao những trò rối cổ Việt Nam để Nhà hát múa rối Việt Nam cũng như các đoàn múa rối trong cả nước đưa đi chu du thiên hạ suốt 30 năm qua.

Năm 1984, ông đã lặn lội tìm về phường rối Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) và phường rối Nam Chấn (Nam Trực, Nam Định) để ghép các trò rối cổ đặc sắc của hai phường trong một chương trình rối nước ngắn gọn mà độc đáo. Ông đã hì hụi nghiên cứu và ghép hai trò Song tiên lớn và Bát tiên nhỏ của phường Nguyên Xá trở thành trò Bát tiên hôm nay. Không những thế, ông còn mượn lại bộ rối của các phường đem về Hà Nội dựa theo đó để tạo hình theo kỹ thuật điêu khắc đình chùa.

“Nhưng, đã đến lúc phải thay đổi”, ông hoạ sĩ – người luôn được bạn bè, đồng nghiệp kính trọng vì sự tận tâm với nghề – đã tự “phủ nhận” mình như thế. Điều tâm huyết này ông còn đem đến nhiều kỳ hội thảo hay trao đổi, gặp gỡ đồng nghiệp… Trong cuộc hội thảo vừa được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức cuối tháng 3, ông đã làm “nóng” diễn đàn khi cảnh báo: “Chúng ta có đến 30 năm gặp may trong thời kinh tế thị trường. Nhưng, có ai gặp may suốt đời đâu? Trong khi bây giờ người xem thông minh hơn và xã hội có nhiều bước tiến về khoa học kỹ thuật. Vậy mà sao chúng ta gần như giậm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi khi chỉ chăm chắm vào lợi nhuận từ khách du lịch mà không nhìn thấy những “thảm hoạ” về chất lượng nghệ thuật?”.

Đã ngoài 70 nhưng hoạ sĩ nói chuyện và cười vẫn còn duyên lắm. Ngày trước ông được mệnh danh là đào hoa vì đẹp trai và tài hoa trong từng nét vẽ. Thế mà, thật kỳ lạ khi ông đã đi trọn cuộc đời với người vợ hiền thục. Dụi tắt điếu thuốc mới đốt được một nửa, ông bảo: “Đàn ông kiểu gì cũng nghiền một thứ. Cả đời tôi nghiền thuốc lá, nghiền những con rối là quá… hiền lành rồi!” – phô hàm răng bắt đầu thưa thớt, ông hoạ sĩ cười rất hiền.

ĐỨC TRIẾT

Rối cổ Việt Nam kể chuyện cậu bé Pinocchio

“Chúng tôi khâm phục tình yêu của ông Giao với nghệ thuật múa rối. Khi đã bắt tay vào việc, ông ấy không màng gì đến vật chất và quên cả sức khỏe của mình. Một điểm nữa khiến chúng tôi cũng phải ngạc nhiên trước ông ấy là dù đã ngoài 70, nhưng ông không bảo thủ hay ôm khư khư những thành tựu cũ mà lại sốt sắng thay đổi. Vì thế, nếu như 30 năm trước ông ấy là người đầu tiên phục hồi các trò cổ để rối nước Việt Nam đi quốc tế, thì bây giờ ông ấy lại là một trong những người tiên phong tìm cách dựng các vở rối kể các câu chuyện mới. Chúng tôi đang muốn hợp tác với ông ấy để dựng vở rối nước về cậu bé người gỗ Pinocchio” – ông Jean-Luc Larguier, giám đốc Tổ chức Interarts Riviera SA – chia sẻ những suy nghĩ của mình về hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao như thế.