Hai năm lớp 1 của con tôi
Học gần hết năm lớp 1, con trai tôi chưa biết đọc. Cả gia đình nhà chồng bắt đầu lời ra tiếng vào có ý trách tôi không chịu cho con đi học chữ trước. Bước vào năm học, thằng bé không đua nổi khi giáo án yêu cầu cô giáo dạy nhanh, nếu bé nào chưa biết chữ trước thì không thể học nổi. Chính giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi bảo thế!
Hai năm lớp 1 của con tôi
Các em lớp 1/3 Trường tiểu học Thân Nhân Trung trong giờ tập hát – Ảnh: Mỹ Duyên
Bước vào năm học, thằng bé không đua nổi khi giáo án yêu cầu cô giáo dạy nhanh, nếu bé nào chưa biết chữ trước thì không thể học nổi. Chính giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi bảo thế!
Không theo nổi các bạn, thằng bé tự ti rồi chán nản, ham chơi hơn học. Đứa trẻ nào cũng ham chơi, nhưng với đứa trẻ chán học, chơi và quậy phá mới là nhiệm vụ trẻ thích nhất lúc ở trường.
Nó nghịch ngợm không ngừng tới mức mọi người đều kết luận thằng nhỏ bị tăng động giảm chú ý, một dạng tự kỷ thể động. Không còn cách nào khác, tôi phải đưa con đi khám tâm lý.
Sau một vài bài trắc nghiệm, bác sĩ kết luận thằng bé bị tự kỷ nhẹ thể Asperger. Vậy là đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Mọi người trong gia đình thở phào như tìm được lý do thỏa đáng để trút bỏ thói bất trị vô lối của nó.
Tôi quyết định xin cho con nghỉ học dù chỉ còn gần hai tháng nữa là xong chương trình lớp 1.
Thoạt đầu ban giám hiệu không cho. Họ nói dù thế nào cũng phải để cháu lên lớp, nếu không sẽ ảnh hưởng tới thành tích chung của trường. Sau đó, vì tôi kiên quyết và cũng trình cả giấy khám bệnh của con, họ bày tôi cách xin giấy đồng ý tiếp nhận của một trường khác để hợp lý hóa thủ tục.
Khoảng bốn tháng sau, tôi rời Hà Nội vào công tác biệt phái tại TP.HCM và đưa con theo. Lại một lần nữa xin cho con vào lớp 1, lòng tôi vô cùng hồi hộp.
Liệu con có phải tiếp tục học lại lớp 1 lần nữa không? Con tôi đã mắc chứng tự kỷ ở mức nào rồi?
Cũng như lần trước, khi gửi gắm con cho các thầy cô, tôi chủ động trao đổi thật kỹ tình trạng của con để nhờ cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ. Cô đã hỏi tôi nhiều về hoàn cảnh gia đình, thói quen và sở thích của cháu.
Và những tháng ngày sau đó, con tôi dần trở nên khác hẳn. Cháu vui vẻ, hoạt bát hơn và bắt đầu biết từng mặt chữ. Lần đầu tiên nghe con đọc được những câu ngắn vô cùng đơn giản, tôi đã rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Có lần, vì công việc, từ chỗ làm về tôi qua trường đón con hơi muộn. Thằng bé thấy lâu, tự về nhà từ lúc nào tôi không biết. Tôi hoảng hồn đứng ngơ ngác giữa sân trường. Chợt cô hiệu trưởng lúc đó vẫn đang giải quyết công việc trong phòng bước ra. Sau khi biết chuyện, cô lấy điện thoại, bảo tôi ghi lại số của hai người bảo vệ để phòng trường hợp không về kịp có thể nhắn họ giữ con giúp. Vẻ lo lắng trong nỗi sẻ chia của cô là điều tôi không bao giờ quên.
Biết gia cảnh một mình nuôi con của tôi, lại với đặc thù công việc thường phải đi công tác, chính cô giáo chủ nhiệm của con đã chủ động nói với tôi khi cần có thể mang con sang cô trông giúp. Những ngày cuối năm ngoái, khi ra Hà Nội họp tổng kết cơ quan tôi đã rất yên tâm, bởi con trai tôi lúc ấy đang được cô giáo chăm lo miếng ăn và giấc ngủ.
Gần một năm ở Sài Gòn, gần một năm học tại ngôi trường rất mới là Trường tiểu học Thân Nhân Trung, con trai tôi đã biết đọc, biết viết, biết làm toán và còn biết cả vẽ tranh nữa. Vừa rồi, cháu là một trong hai học sinh của trường được chọn vào vòng chung kết cuộc thi Nét vẽ xanh của thành phố.
Sự thay đổi quá đỗi tuyệt vời của con là điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ. Có được điều ấy, ngoài nỗ lực của bản thân, tôi hiểu có một phần công lao hết sức to lớn của cô chủ nhiệm và thầy cô giáo trong trường.
Tôi vẫn chưa cho cháu đi kiểm tra lại chứng bệnh tự kỷ tăng động mà một năm trước bác sĩ đã chẩn đoán. Nhưng nhìn vào tiến bộ mỗi ngày của con, tôi tin giờ đây điều đó không còn cần thiết.
Nếu thoạt đầu cháu đã may mắn khi không bị ép phải “ngồi lớp 2” chỉ nhằm thỏa mãn tính ích kỷ của người lớn, thì cháu lại may mắn hơn khi được chuyển tới một ngôi trường không bị rối ren bởi căn bệnh thành tích. Và ở đó, càng may mắn hơn nữa khi cháu được học với những thầy cô giáo thật sự coi trọng việc dạy làm người bên cạnh việc dạy kiến thức.
Viết tới những dòng này, nhìn sang đứa con trai 8 tuổi đang say sưa lật giở những trang báo Nhi Đồng, lòng tôi bình yên và tràn ngập nỗi biết ơn với những người thầy đầu đời của con mình.
LÂM PHONG
Nhiệt huyết ở một ngôi trường mới Từ câu chuyện của tác giả Lâm Phong, chúng tôi đã tìm về ngôi trường mà con tác giả đang theo học… – Dạ, con chào cô ạ! – Cô chào các con. Hôm qua cả lớp 1/3 vừa được giải đặc biệt cuộc thi hát chào mừng ngày 30-4 phải không? Tụi con hát hay lắm! Hôm nay, tụi con hát bài gì cho cô nghe nữa nha. – Dạ. Thế là hai, ba bài hát thiếu nhi được các học sinh biểu diễn một cách ngẫu hứng tại chỗ ngồi. Ai cũng hát, ai cũng vỗ tay với khuôn mặt hồ hởi hòa cùng tiếng đệm đàn của thầy giáo dạy nhạc. Đáp lại đó là lời cảm ơn từ cô hiệu trưởng, lời chúc các em học tốt. Các em cũng cảm ơn cô rồi ùn ùn xuống sân vì trống trường vừa điểm giờ ra chơi. Tuy mới khánh thành vào năm học này nhưng không khí học tập tại Trường tiểu học Thân Nhân Trung (Q.Tân Bình, TP.HCM) thân thiện và sớm vào nề nếp. Phần lớn giáo viên đều trẻ, đoàn kết và chia sẻ với ban giám hiệu về những khó khăn trong thời gian ban đầu. Cô Đặng Thị Sính, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ thêm về đồng nghiệp: “Cô Bính (cô giáo mà tác giả Lâm Phong nhắc đến trong bài viết – PV) là giáo viên trẻ, là người về trường thứ hai khi trường mới thành lập. Qua gần một năm làm việc với cô, tôi thấy đây là người có nghị lực, chịu khó học hỏi trong công tác chuyên môn. Đồng thời cô khá nhanh nhạy, tự tin trong giảng dạy bằng giáo án điện tử và hòa đồng, phối hợp cùng các giáo viên khác trong những công việc chung. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, điểm đặc biệt trong cách dạy của cô là phát hiện và phát huy khả năng đặc biệt của học sinh, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp. Phụ huynh cũng phấn khởi chia sẻ với nhà trường về tiến bộ này. Đó là một trong những niềm vui của tập thể, động lực để thầy cô không ngừng cố gắng”. MỸ DUYÊN |