Người học gánh hậu quả
Quá nhiều trường ĐH mở ra mà chất lượng đào tạo không đảm bảo, tuyển sinh đầu vào dễ dàng khiến sinh viên ra trường không đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong khi đó các bậc học thấp hơn lại khó tuyển sinh dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia ngày càng mất cân đối.
Đại học… học đại: Người học gánh hậu quả
Quá nhiều trường ĐH mở ra mà chất lượng đào tạo không đảm bảo, tuyển sinh đầu vào dễ dàng khiến sinh viên ra trường không đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong khi đó các bậc học thấp hơn lại khó tuyển sinh dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia ngày càng mất cân đối.
|
Cách nào cũng vào đại học
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc nhiều trường ĐH ra đời nhưng không đảm bảo chất lượng, điều kiện tuyển sinh dễ dãi khiến học sinh tốt nghiệp THPT chỉ chọn thi vào ĐH dẫn đến tình trạng các bậc học thấp hơn ngày càng khó tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2013 các trường CĐ chỉ tuyển được 65% chỉ tiêu, giảm hơn 33.000 sinh viên so với năm 2012. Có tới 73 trường CĐ chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu. Quy mô bậc TCCN cũng giảm đi nhanh chóng. Năm học 2010 – 2011, tổng số học viên các trường TCCN trên 670.000 thì nay giảm xuống còn khoảng 360.000 học viên.
Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia giáo dục phân tích: Hằng năm có trên dưới 800.000 học sinh tốt nghiệp, trong khi đó đã có khoảng 600.000 chỉ tiêu vào ĐH, CĐ, chưa kể các hệ đào tạo không chính quy. Số còn lại vẫn không muốn vào học trung cấp (TC) mà ở lại nhà chờ năm sau đi thi lại CĐ, ĐH hoặc tham gia vào thị trường lao động… Do vậy, số học sinh để tuyển vào học TCCN và học nghề sẽ còn lại rất ít.
Do có quá nhiều trường, để có được người học, không ít trường ĐH tìm mọi cách để lôi kéo sinh viên. Chẳng hạn hạ thấp chất lượng đầu vào bằng cách tuyển sinh ở mức điểm sàn tối thiểu, thậm chí còn xin vận dụng những quy định ưu tiên để tuyển sinh dưới điểm sàn… Trong khi đó, tâm lý chuộng bằng cấp thì vẫn chiếm đa số nên học sinh vẫn muốn vào ĐH, CĐ thay vì đi học các bậc học thấp hơn.
Mất cân đối nguồn nhân lực
Theo báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, đến quý 3/2013 trong gần 54 triệu lao động thì chỉ có 18% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong đó thể hiện rõ sự bất hợp lý về trình độ đào tạo: ĐH chiếm 7,1%, CĐ và TC chiếm 5,7%, dạy nghề 5,2%. Cũng do việc đào tạo không theo nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia nên tình trạng mất cân đối ngày càng trầm trọng. Giáo sư Hoàng Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho biết theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì năm 2006 tỷ lệ cơ cấu trình độ đào tạo lao động kỹ thuật ĐH/TC/công nhân kỹ thuật của nước ta là 1/1,17/0,9 nhưng đến năm 2012 thì cơ cấu này là 1/0,43/0,56. Như vậy chỉ trong 6 năm, cơ cấu nguồn nhân lực đã mất cân đối gần gấp 2 lần.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Thời gian qua, chủ trương nâng cấp các trường TC lên CĐ, trường CĐ lên ĐH là một sai lầm lớn. Theo tôi, mỗi trường có một nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo khác nhau. Nếu cứ nâng cấp lên như vậy là đã làm mất đi các trường TC, CĐ tốt và sinh ra các trường ĐH, CĐ yếu kém. Đó là nguyên nhân làm mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực quốc gia”.
Tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm trình độ cao
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê công bố, trong quý 4/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao ngày càng tăng. Ở nhóm lao động có trình độ CĐ nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với 4/2012 (tương đương 8.300 người); nhóm lao động có trình độ CĐ là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 – 24 tuổi tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.
Có nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng này. Như đã phân tích ở các bài báo trước, đó là do nâng cấp, thành lập trường ĐH ồ ạt mà không chú ý đến điều kiện đảm bảo chất lượng; đầu vào và điều kiện giảng dạy ở mức thấp; đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội; người học bằng mọi giá phải vào ĐH dù ra trường thiếu kiến thức cần thiết để làm việc; chọn ngành học, bậc học không phù hợp… Hậu quả cuối cùng là người học sẽ chịu thiệt: Không đi đến cùng con đường học tập hoặc cầm bằng cấp trên tay nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị lao động dẫn đến thất nghiệp.
Vũ Thơ