23/10/2024

Sức mạnh chữa lành của Tin Mừng

Sau cuộc bách đạo lần đầu tiên thật dữ dội, cộng đoàn Kitô hữu Giêrusalem, ngoại trừ các tông đồ, đều tản mác ra khắp các vùng lân cận, và Philipphê, một trong các phó tế đã đến một thành tại Samaria. Ở đó, ngài rao giảng Đức Kitô Phục Sinh, và lời rao giảng của ngài có kèm theo nhiều phép lạ chữa lành

 Sức mạnh chữa lành của Tin Mừng

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật VI PS, 29/5/2011 

Anh chị em thân mến,

Sách Công vụ Tông đồ tường thuật sau cuộc bách đạo lần đầu tiên thật dữ dội, cộng đoàn Kitô hữu Giêrusalem, ngoại trừ các tông đồ, đều tản mác ra khắp các vùng lân cận, và Philipphê, một trong các phó tế đã đến một thành tại Samaria. Ở đó, ngài rao giảng Đức Kitô Phục Sinh, và lời rao giảng của ngài có kèm theo nhiều phép lạ chữa lành, đến độ phần kết của giai thoại: «và trong thành phố này, mọi người đều hết sức vui mừng» (Cv 8,8) mặc rất nhiều ý nghĩa. Cứ mỗi lần như thế, lòng ta đều được đánh động bởi đặc tính thiết yếu của câu nói này, đều được thông truyền cho một tình cảm hy vọng, như thể người ta nói rằng: có thể được lắm chứ! Nhân loại có thể cảm nghiệm được niềm vui thật sự, bởi vì nơi đâu Tin Mừng được loan báo, thì nơi đó đời sống trở nên tốt đẹp hơn, như thể một mảnh đất khô cằn, được mưa trời tưới gội, lại lập tức trở nên xanh tươi. Được đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Philipphê và các môn đệ khác trong các làng mạc xứ Palestine đã làm được điều Đức Giêsu đã làm: họ rao giảng Tin Mừng và làm những dấu lạ. Chính Đức Giêsu đã hành động qua con người họ. Như Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa đã đến, thì cũng thế, các môn đệ cũng loan báo Đức Giêsu Phục Sinh, khi tuyên xưng Người là Đức Kitô, Con của Thiên Chúa, khi rửa tội nhân danh Người, khi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền về thể xác và tinh thần.

“Và trong thành phố này, mọi người đều hết sức vui mừng”. Khi đọc lại đoạn văn này, bỗng dưng người ta nghĩ đến sức mạnh chữa lành của Tin Mừng, mà qua dòng thời gian, đã «tưới mát» biết bao dân tộc như thể một con sông hiền hoà. Những vị đại thánh nam nữ đã mang lại niềm hy vọng và bình an cho toàn bộ các thành phố - chúng ta chỉ cần nghĩ đến Thánh Charles Bôrômêô thành Milan trong thời thành phố bị bệnh dịch hạch, đến Mẹ Chân phước Têrêxa thành Calcutta, và biết bao vị thừa sai, mà chỉ một mình Thiên Chúa biết, đã hy sinh đời mình để loan báo Đức Kitô, và làm cho niềm vui sâu xa được nở rộ giữa lòng mọi người. Trong khi những người quyền hành của trần gian này tìm cách chinh phục những vùng đất mới cho những lợi lộc chính trị và kinh tế, thì các sứ giả của Đức Kitô lại ra đi khắp nơi mang Đức Kitô đến cho mọi người và mang mọi người về với Đức Kitô, vì biết rằng chỉ mình Người mới có thể mang lại tự do đích thực và sự sống vĩnh cửu. Ngày hôm nay cũng thế, ơn gọi của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, dầu đó là đến với những dân tộc chưa được nước hằng sống của Tin Mừng «tưới mát», dầu đó là đến với những dân tộc đã có những nguồn gốc Kitô giáo lâu đời, nhưng vẫn cần đến nhựa sống mới để sinh hoa kết trái mới và tái khám phá vẻ đẹp của niềm vui đức tin.

Các bạn thân mến, Đức Chân phước Gioan Phaolô II là một vị đại thừa sai, như đã được chứng minh qua cuộc triển lãm tại Rôma hiện nay. Ngài đã lại hô hào việc truyền giáo ad gentes [đến với muôn dân], đồng thời đã cổ vũ việc Tân Phúc Âm hoá. Chúng ta hãy phó dâng cả hai công việc truyền giáo này cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh cầu thay nguyện giúp. Ước gì Mẹ của Đức Kitô luôn đồng hành với công việc loan báo Tin Mừng khắp nơi, để cho con người lại tìm thấy niềm vui sống làm con cái Thiên Chúa trên khắp trần gian này.