27/11/2024

Chuẩn bị gì khi trẻ vào lớp 1?

Như nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, lòng tôi tràn đầy băn khoăn và lo lắng, băn khoăn không biết có nên cho con học trước chương trình không.

Chuẩn bị gì khi trẻ vào lớp 1?

Như nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, lòng tôi tràn đầy băn khoăn và lo lắng, băn khoăn không biết có nên cho con học trước chương trình không.

Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM năm học 2013-2014 – Ảnh: Như Hùng 

Các nhà giáo dục khuyên rằng “không”. Các phụ huynh có con đã qua lớp 1 bảo rằng “nên” nếu muốn con không bị giáo viên phàn nàn và học kịp các bạn. Là người công tác trong ngành giáo dục, với hiểu biết của mình, tôi nhận thấy việc cho trẻ học trước chương trình không cần thiết. Rất mừng là bé của tôi đã trải qua lớp 1 rất ổn, đầy vui tươi và phấn khởi dù đôi chỗ còn vướng mắc nhưng không đáng ngại. Tôi chia sẻ vài kinh nghiệm, mong quý phụ huynh có thêm thông tin để tự tin cùng con bước vào lớp 1.

Cùng con “khám phá” sách giáo khoa

Dĩ nhiên các bé chưa biết đọc, nhưng thông qua hình ảnh bé sẽ nhận biết tên gọi của từng cuốn sách ứng với môn học. Xem các hình ảnh trong sách, trẻ sẽ đặt vài câu hỏi. Phụ huynh có thể trả lời đơn giản như môn tiếng Việt giúp con biết đọc, biết viết, để con có thể tự đọc truyện, viết được điều mình thích. Phụ huynh cùng con chỉ vào hình và gọi tên sự vật.

 

“Hãy cùng bé đi những bước đi đầu tiên trong hành trình khám phá tri thức với sự hồ hởi và đầy vui thích. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được treo ở các trường tiểu học hẳn nhiên luôn có ý nghĩa”

 

Ví dụ 1: sách tiếng Việt: chỉ vào hình quả me, đố con biết “đây là quả gì?”; chỉ vào hình người phụ nữ đang bế em bé và hỏi “đố con biết trong hình là những ai, họ đang làm gì?”… Ví dụ 2: sách toán: trong hình có bao nhiêu quả táo? Đố con tìm được số 2 trong trang sách… Nếu bé không trả lời được, phụ huynh giúp bé giải đáp. Càng về sau bé sẽ có khuynh hướng đặt câu hỏi, nêu thắc mắc với hình ảnh mà bé không hiểu. Ngoài những hình ảnh chỉ sự vật rõ ràng, cụ thể như nải chuối, bé gái, mèo… cần chính xác thì đối với những hình ảnh khác, phụ huynh khuyến khích bé giải thích theo cách hiểu của mình, đừng áp đặt. Vì mục đích của chúng ta chỉ giúp bé biết về sách giáo khoa, phần kiến thức bé sẽ được học chính xác với giáo viên lớp 1.

Tìm hiểu về lớp học, giờ học

Xem và trò chuyện với con về hình ảnh thực tế của lớp học hoặc một giờ dạy ở tiểu học (có thể tìm trên mạng, hình ảnh từ báo chí hoặc thỉnh thoảng có trên truyền hình), phụ huynh có thể giải thích đơn giản về hoạt động của trẻ trong nhà trường.

Ví dụ: cách bố trí lớp học: bàn học sinh, bàn giáo viên, bảng đen, bục giảng… Giờ học con nên tập trung nghe cô giảng, giơ tay nếu con trả lời được câu hỏi hay thắc mắc điều gì. Khi cô yêu cầu làm việc, con nên nhanh chóng thực hiện, lưu ý có khi con phải thực hiện công việc với bạn bè của mình. Trong giờ học muốn ra ngoài, con cần xin phép cô và nói rõ con ra ngoài để làm gì (đi vệ sinh, uống nước, rửa tay…).

Nhận dạng chữ cái, tập viết, làm toán

Giúp con biết và nhận dạng chữ cái thông qua bảng chữ cái và trò chơi đi tìm con chữ. Với bảng chữ cái, phụ huynh dạy con gọi tên và nhận dạng từng con chữ (có thể bé đã học ở lớp mầm non). Sau đó phụ huynh và bé cùng chọn một vài truyện mà bé yêu thích và yêu cầu bé tìm các chữ cái có trong truyện. Ví dụ: truyện Tấm Cám, phụ huynh yêu cầu bé tìm chữ cái “m”, chữ cái “a”… bé chỉ đúng vào chữ cái là đã thành công.

Làm quen với vở viết bằng cách viết lại chữ cái. Dĩ nhiên, trẻ viết bằng sự quan sát của mình với các nét nguệch ngoạc, chưa thể đẹp và thật chính xác về độ cao, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ viết càng nhiều càng tốt. Mẫu chữ viết có sẵn trong sách Tiếng Việt 1.

Với toán học, phụ huynh có thể giúp trẻ làm quen thông qua các hoạt động thường ngày. Ví dụ: 1. Khi dọn cơm phụ huynh có thể nhờ “lấy giúp mẹ bốn cái chén”, “mẹ lấy thiếu một đôi đũa, con lấy giúp mẹ nhé!”. 2. “Ngày mai mẹ đi chợ, con nhớ nhắc mẹ mua một chục trứng nhé”/“Một chục là bao nhiêu hả mẹ?”/“Một chục trứng là 10 quả trứng, con ạ”… Những hoạt động này không những giúp bé có trách nhiệm phụ giúp bố mẹ việc nhà mà còn giúp bé làm quen với toán học.

Những kinh nghiệm tôi chia sẻ ra đây cần thực hiện trong một khoảng thời gian, bắt đầu khi nghỉ hè cũng chưa muộn. Khi thực hiện, phụ huynh nhớ luôn khuyến khích bé đặt câu hỏi và kiên nhẫn trả lời, luôn khen ngợi, động viên và công nhận những thành công bước đầu của bé. Phụ huynh đừng để sự lo lắng của mình “lây” sang con và cũng đừng than van điều gì về trường lớp trước mặt con.

 

 

Đừng đem thầy cô ra doạ nạt bé

Những ngày đầu tiên ở lớp 1, phụ huynh cần giúp bé làm quen với giáo viên bằng cách giới thiệu bé với giáo viên (các giáo viên rất sẵn lòng cho việc này). Có lẽ phụ huynh cũng cần cho thầy/cô của bé biết rõ tính tình, sở thích và học lực của bé. Một điều nữa, phụ huynh đừng đem thầy cô giáo ra doạ nạt khi trẻ không nghe lời hay hù doạ bé về giáo viên. Làm như thế vô tình đứa trẻ luôn ác cảm với giáo viên và ảnh hưởng không tốt đến việc học. Hỏi bé về cách làm quen một bạn mới, nếu bé không biết thì phụ huynh hướng dẫn. Khoan đặt nặng vấn đề tiếp thu kiến thức mà quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, thái độ của bé trong những ngày đầu đến trường tiểu học. Bé có vui khi đến trường thì việc học mới diễn ra tốt đẹp được.

 

 

ThS LÊ NGỌC TƯỜNG KHANH (khoa giáo dục tiểu học, ĐHSP TP.HCM)