26/11/2024

Học trước, sai nhiều

Các giáo viên khẳng định trẻ chỉ học qua chương trình mầm non 5 tuổi và hoàn toàn không cần học chữ trước khi chuẩn bị vào lớp 1.

 

Học trước, sai nhiều

Các giáo viên khẳng định trẻ chỉ học qua chương trình mầm non 5 tuổi và hoàn toàn không cần học chữ trước khi chuẩn bị vào lớp 1.

Học trước, sai nhiều 
Trẻ học lớp lá ở các trường mầm non đã làm quen với chữ cái, con số, các nét chữ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Viết sai, đánh vần ngược

Phóng viên Thanh Niên đã tham khảo ý kiến của nhiều giáo viên lớp 1 các trường tiểu học tại TP.HCM về việc có nên cho trẻ học trước. Các giáo viên đều khẳng định học trước mà không đúng phương pháp thì càng sai nhiều, rất khó sửa.

Bà Trần Trọng Phương Thảo, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), chỉ ra thực trạng: “Hằng năm, khi nhận lớp, tôi thống kê có khoảng 30/50 học sinh đã học trước nhưng mức độ hài lòng chỉ được khoảng 6 trẻ, còn lại là sai hết. Khi tập viết trẻ thường sai về độ cao và đánh vần ngược. Chẳng hạn, nét khuyết có độ cao là 5 ô li thì trẻ viết 4 ô li hoặc ráp vần đúng là mờ e me nặng mẹ (âm nào trước đọc trước và ngược lại) thì một số bé lại đọc ngược là e mờ e me nặng mẹ”.

Một giáo viên khác cho hay các thao tác viết trẻ cũng thực hiện không đúng. Đa số học sinh cầm bút đều sai do mầm non sử dụng bút chì sáp tô màu một cách tự nhiên bằng cách chụm các đầu ngón tay vào đầu viết mà chưa được hướng dẫn cách cầm đúng.

Tương tự, giáo viên Trần Yến Linh, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), chỉ ra khoảng 1/3 số học sinh vào lớp 1 đã biết đọc biết viết nhưng một nửa số này viết chưa đúng, đọc được nhưng đánh vần sai. Ngoài ra, có bé biết rồi nên vào giờ học không tập trung, không nghe nên viết còn sai sót, làm bài ẩu trong khi đó những trẻ chưa biết lại chú ý nghe cô hướng dẫn.

Nên chuẩn bị tâm lý, kỹ năng hơn là đọc – viết

Trước tình trạng này, các giáo viên lớp 1 nhấn mạnh đã hết tuổi học mầm non trẻ nhận biết tốt chữ cái, số thì không sợ thua kém bạn bè. Chỉ cho bé viết được các nét cơ bản như nét thẳng, nét xiên, nét cong, nét khuyết, nét thắt là có bước đầu tốt.

Sự khẳng định của giáo viên lớp 1 là hoàn toàn có cơ sở bởi trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành, ở nội dung giáo dục phát triển nhận thức trẻ từ 5 – 6 tuổi đã cho trẻ làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán như đếm trong phạm vi 10 hoặc theo khả năng, nhận biết các chữ số, số lượng và số thứ tự trong phạm vi 10… Ở nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ thì trẻ được hướng dẫn nhận dạng các chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt, tô, đồ các nét chữ, sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình…

Với những trẻ chưa “ổn” về các nét, các giáo viên cho rằng lúc đầu có thể hơi vất vả vì 4 tiết đầu của lớp 1 dành cho việc học các nét cơ bản thì gần 2 tiết đầu dành cho việc ổn định nền nếp lớp còn lại 2 tiết để ôn lại sau đó là vào học chữ luôn. Tuy nhiên, theo cô Phương Thảo, chỉ cần có sự phối hợp giữa cha mẹ với cô giáo thì qua tháng đầu tiên các trẻ sẽ không có sự khác biệt. Chẳng hạn, buổi tối về mở sách ra cho con ôn lại kiến thức trên lớp, không cần nhiều, chỉ cần tập viết 3 hàng mà đúng độ cao, độ rộng. Thực sự việc tập viết không cực do đó nên làm cho bé cảm thấy nhẹ nhàng. Có khi cho trẻ viết 2 đến 3 trang giấy vừa không hiệu quả mà làm cho trẻ không thoải mái dẫn đến có thể trẻ sẽ viết ẩu cho xong”.

Cô Yến Linh lưu ý cách cầm bút đúng. Đó là ngón cái và ngón trỏ dùng để cầm, ngón giữa dùng để đỡ bút. Không được đưa đuôi bút về phía trước hoặc cầm bút quá thẳng. Tư thế đúng là bút úp xuống để kê đuôi bút vào giữa ngón cái và ngón trỏ. Vở để nghiêng 15 độ, ít nhất là 2/3 cánh tay để trên mặt bàn, không nhấc khuỷu tay lên trong khi viết. Nếu gia đình muốn cho con học trước thì cần tìm người có nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn đúng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học của Q.5 tư vấn phụ huynh đừng quá quan tâm đến việc học chữ mà quên chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho con trước khi bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới. Điều cần thiết là gia đình nên dẫn trẻ đến làm quen với trường, lớp sau đó chuẩn bị cho trẻ tính tự lập như dậy đúng giờ, tự thay đồ, tự soạn sách vở theo thời khóa biểu, tự học trong một khoảng thời gian nhất định để quen dần với học theo tiết ở bậc học này. 

Bích Thanh