28/11/2024

Khổ với quy định về giáo viên nước ngoài

Quy định mới về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại VN là một quy định cần thiết và kịp thời để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài tại VN. Tuy nhiên khi áp vào lĩnh vực giáo dục đã khiến rất nhiều đơn vị, trường học gặp rất nhiều khó khăn…

Khổ với quy định về giáo viên nước ngoài

Quy định mới về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại VN là một quy định cần thiết và kịp thời để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài tại VN.

Giảng viên David Scribner III (Mỹ) trong giờ dạy cho sinh viên năm 2 khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH quốc tế Miền Đông – Ảnh: Như Hùng 

Tuy nhiên khi áp vào lĩnh vực giáo dục đã khiến rất nhiều đơn vị, trường học gặp rất nhiều khó khăn…

Theo nghị định 102/2013/NĐ-CP của Chính phủ và thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH).

Theo đó, người nước ngoài muốn được cấp phép lao động để làm việc tại VN thì họ phải thuộc một trong bốn đối tượng: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

Khi nộp hồ sơ xin cấp phép, giáo viên bị buộc phải xếp vào đối tượng chuyên gia mà chuyên gia thì được nghị định 102 định nghĩa là người “có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất năm năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo”!

Từ định nghĩa này, thông tư 03 quy định: đối với hồ sơ xin cấp phép lao động của chuyên gia (trong đó được hiểu là có giáo viên) ngoài một số giấy tờ như quy định trước đây, còn phải có thêm giấy tờ xác nhận có ít nhất năm năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến tại VN.

Biết xác nhận ở đâu?

 

Đang tìm hướng tháo gỡ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết nghị định 102 của Chính phủ hay thông tư 03 của Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành là nhằm mục đích để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài tại VN, trong đó có việc cấp phép. Tuy nhiên khi đưa quy định này vào đã thấy có một số vướng mắc, ý kiến về việc bất hợp lý ở một số lĩnh vực. Do khi ban hành chỉ là chung, không phân biệt riêng một ngành, một lĩnh vực cụ thể nào nên mới có những vướng mắc đó ở các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa và y tế. Chính phủ đã biết những vướng mắc này và giao các cơ quan liên quan nghiên cứu tìm hướng tháo gỡ. “Tinh thần là vướng đâu thì tháo gỡ chỗ đó”, và trong cuộc họp Chính phủ tới đây sẽ có những điều chỉnh để áp dụng linh hoạt hơn thủ tục cấp phép ở một số lĩnh vực đó.

Đ.BÌNH

 

Quy định mới này khiến nhiều đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng người nước ngoài làm việc.

TS Nguyễn Văn Phúc – hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Miền Đông (Bình Dương) – cho biết trường hiện có 190 giảng viên, trong đó có 85 giảng viên nước ngoài.

Trước khi có nghị định 102 của Chính phủ, mọi thứ diễn ra bình thường. Từ khi có nghị định 102 đến nay, trường gặp khó khăn trong việc tuyển giảng viên nước ngoài.

Theo nghị định này, chuyên gia muốn làm việc tại VN phải có bằng ĐH trở lên và có giấy xác nhận năm năm kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, giảng viên ở trường nhiều người giảng dạy đã 20 năm nhưng không có giấy xác nhận này.

“Giảng viên không biết xin ở đâu, lãnh sự quán cũng không cấp. Đây là loại giấy xa lạ với phong cách và học thuật của nước ngoài. Khoa quản trị kinh doanh của trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên không phải giảng viên người Việt nào cũng có thể dạy được nên trường phải mời giảng viên nước ngoài. Như đã nói, quy định này khiến trường rất khó khăn trong việc tuyển giảng viên.

Hơn nữa, trường được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ bồi dưỡng, chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp trên địa bàn tỉnh theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” của Chính phủ. Chúng tôi không muốn dùng người Việt để “chuẩn hóa” người Việt mà muốn mời giáo viên nước ngoài để thực hiện chương trình nhưng cũng không tuyển được do vướng quy định nói trên” – ông Phúc chia sẻ thêm.

Tương tự, TS Hà Thúc Viên – phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức – cho biết trường cũng có một số giảng viên bị vướng quy định này do không có giấy xác nhận thâm niên công tác.

Hiện trường đang liên hệ với Sở LĐ-TB&XH để làm việc tìm giải pháp tháo gỡ bởi trường là đơn vị đặc thù, hợp tác giữa hai chính phủ VN và Đức.

Trường cũng sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này để có giải pháp hỗ trợ. Chia sẻ thêm về vấn đề xác nhận thâm niên, C.O. – giảng viên người Úc đang dạy tại một trường ĐH quốc tế ở TP.HCM – cho rằng ở các nước tiên tiến, chính phủ khuyến khích giáo viên có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực mà họ sẽ giảng dạy để có thể truyền tải các kiến thức và kinh nghiệm thực tế nhất cho học sinh chứ không đòi hỏi như quy định tại VN.

Ở một khía cạnh khác, đại diện một trường ĐH cho biết từ khi có quy định mới, thủ tục hành chính để cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài kéo dài hơn rất nhiều.

“Thông thường người nước ngoài không thể tự xin giấy phép lao động mà đơn vị tuyển dụng phải làm thủ tục này. Trước khi có quy định mới, trường không phải làm công văn giải trình với Sở LĐ-TB&XH nay phải làm công văn giải trình chứng minh khối lượng công việc, vì sao cần phải sử dụng lao động nước ngoài ở vị trí đó…

Sau cả tháng nộp công văn giải trình trường mới nhận được công văn trả lời từ sở. Rồi còn phải chờ sở trình ủy ban. Như vậy từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được giấy phép, thời gian kéo dài đến 2-3 tháng. Trong thời gian đó người lao động làm gì, họ đâu thể chờ trả lời từ đơn vị tuyển dụng lâu như vậy. Do đó, trường gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển giảng viên nước ngoài” – ông này cho biết.

Quy định chưa phù hợp thực tế

Ông Phúc cho rằng quy định này không thực tế, mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ về việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng để người nước ngoài đến làm việc, nhất là những lĩnh vực mình chưa làm được hoặc đang cần chuyên gia lĩnh vực đó. Quy định này thể hiện tư duy cũ kỹ, quy định không thông thoáng, nhất là trong thời buổi hội nhập quốc tế như hiện nay bởi nó không liên thông với quy định của quốc tế và không phù hợp với thực tiễn của VN.

Cùng quan điểm này, ông J.B. – giáo viên người Úc tại TP.HCM – cũng chia sẻ: “Tôi đã dạy ở VN gần năm năm và coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Tôi ủng hộ việc VN đưa ra các luật mới để bảo vệ người lao động trong nước và nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng những quy định thiếu linh hoạt có thể làm thu hẹp cơ hội thu nhận những người giỏi và khiến VN mất nguồn chất xám là những người nước ngoài có năng lực muốn đến làm việc”.

Trong khi đó, M.F. – một giảng viên người Malaysia đang giảng dạy ĐH tại TP.HCM – chia sẻ: “Tôi rất yêu VN nhưng đôi khi cảm thấy bất an vì các luật và quy định liên tục thay đổi, khiến người phải liên tục “chạy” theo các thủ tục và không biết khi nào lại có luật mới được ban hành”.

Ông này cho biết có một giáo viên đến trường vào đầu tháng 6, dự định bắt đầu công việc giảng dạy nhưng đến nay vẫn chưa được làm việc vì vướng phải quy định mới, khiến cho cả tổ dạy phải rất vất vả đế phân chia công việc, còn bản thân người nước ngoài đến nhận việc bắt đầu cảm thấy nản vì cứ phải chờ đợi, trong khi mục đích của họ lúc đến đây là để tìm kiếm một môi trường tốt và được tạo điều kiện để làm việc hiệu quả.

MINH GIẢNG – BÌNH MINH