27/11/2024

Có nên vắt sữa non trước khi sinh?

Gần đây, trên một trang mạng xã hội đã đăng tải những bài viết khuyên các bà mẹ đang mang thai từ tuần thứ 36 nên bắt đầu vắt sữa non trữ cho trẻ uống.

 

Có nên vắt sữa non trước khi sinh?

Gần đây, trên một trang mạng xã hội đã đăng tải những bài viết khuyên các bà mẹ đang mang thai từ tuần thứ 36 nên bắt đầu vắt sữa non trữ cho trẻ uống.

Hình ảnh các xilanh sữa non được các bà mẹ chia sẻ với nhau – Ảnh chụp lại từ Facebook 

Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cho rằng cách làm này có thể gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và trẻ.

Trang mạng xã hội này khuyên các bà mẹ vắt sữa non sớm, dự trữ sữa non trước khi sinh để phòng hờ mẹ sinh mổ phải cách ly với con.

Tập vắt những giọt sữa đầu tiên

 

Lưu trữ sữa

Vấn đề đáng quan tâm khác là phương thức vắt sữa trước sinh. Hiện vẫn chưa có phương thức thống nhất về vấn đề này. Một vài phương thức từ các bệnh viện Úc và New Zealand cho thấy sữa được vắt cho vào ống thu và trữ đông. Sữa non có thể giữ an toàn ở nhiệt độ phòng lên đến 24 giờ hoặc trong tủ lạnh lên đến tám ngày, lý tưởng nhất sữa non sẽ được sử dụng trong vòng 72 giờ. Nếu người mẹ đông lạnh sữa non sẽ cần có tủ lạnh tại địa điểm sinh. Ngoài ra ống tiêm, ly hoặc muỗng nên có sẵn để sử dụng nuôi em bé bằng sữa non vì với số lượng nhỏ và việc bú bình (núm vú giả) sẽ ảnh hưởng đến việc cho bé bú mẹ sau này.

 

Chị L.N., ở TP.HCM, đưa hình ảnh ống tiêm hút được sữa non và chia sẻ trên Facebook là đang mang thai 34 tuần, có dấu hiệu sinh non nên thu sữa non. Tuy nhiên, chị L.N. cũng băn khoăn không biết việc cắt vỏ bao xilanh, rồi tháo đầu kim sử dụng hút sữa có đảm bảo vệ sinh không, ống tiêm có cần tráng qua nước ấm để tiệt trùng không…

Dù đã được bác sĩ cảnh báo có nguy cơ sinh non nhưng một thai phụ khác, chị B.T.H.T., ở TP.HCM, vẫn thử vắt sữa non khi thai được 36 tuần. Khi vắt sữa non, chị T. có những cơn gò nên lên Facebook hỏi các bà mẹ khác xem trường hợp như mình có thể vắt sữa non hay không. Cụ thể chị T. đang mang thai tuần thứ 37 và được chỉ định sinh mổ (hai lần sinh mổ quá gần). Chị T. thử vắt sữa từ đầu tuần 36 nhưng sữa ra quá ít và các cơn gò tăng nên chị sợ. Bác sĩ khám cũng lo chị T. không giữ được thai đến 38 tuần do thai gò nhiều.

Chị T.A. ở Hà Nội cũng bắt đầu vắt sữa non khi thai được 37 tuần tuổi dù “những giọt đầu tiên đau lắm nhưng cũng hạnh phúc lắm…”. Hay như một thai phụ đang mang thai ở tuần 38 là chị C.L., ở TP.HCM, thắc mắc: “Đã bốn ngày rồi mà sữa được rất ít, ba ngày đầu chỉ được 1,5ml. Hôm nay em vắt bốn lần cũng chỉ được 1ml. Các mẹ tư vấn giúp em cách tăng lượng sữa với”! Cứ thế, bà mẹ này học bà mẹ khác hút sữa non trước khi sinh mà không biết rằng cách làm như vậy đang tiềm ẩn một nguy cơ…

Nguy cơ gây sinh non

Bác sĩ Lê Văn Hiền, phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện phụ sản Mêkông TP.HCM, cho biết sau khi sinh con tại Bệnh viện phụ sản Mêkông, nhiều bà mẹ đã lén lấy sữa non được vắt và dự trữ từ trước cho trẻ bú nhưng đã bị bác sĩ phát hiện và khuyên không nên cho trẻ bú. Sữa non chứa nhiều kháng thể, chứa nhiều năng lượng tốt cho trẻ, nhưng vắt sữa non trước khi sinh có khả năng gây nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ. Động tác vắt sữa non trước khi sinh sẽ kích thích cơn co tử cung có thể gây sinh non. Ngoài ra, sữa non được bảo quản lâu trong tủ lạnh sẽ không đảm bảo chất lượng, chưa kể bảo quản không tốt còn bị nhiễm khuẩn, trẻ bú có thể bị tiêu chảy, viêm ruột hoại tử.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, việc vắt sữa non trước sinh để dành cho trẻ bú không cần thiết. Vắt sữa non còn là động tác kích thích đầu vú nên sẽ gây tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây sinh non. Đặc biệt với những trường hợp có nhau tiền đạo, nếu có cơn gò tử cung sẽ dễ gây ra xuất huyết âm đạo ồ ạt. Các bệnh viện có khoa sản hiện nay đều không khuyến khích sản phụ vắt sữa non trước sinh. Ngay cả sau sinh, bác sĩ Thu Hà cũng cho rằng người mẹ nên cho bé bú trực tiếp từ bầu vú. Chỉ những bà mẹ sinh con quá non tháng, bé chưa thể tự bú mẹ được mà phải chăm sóc trong lồng ấp và được bơm sữa nuôi ăn. Những bà mẹ vì nhiều lý do khác nhau không thể cho bé bú mẹ trực tiếp được như bị lao phổi tiến triển, viêm hô hấp trên, bị sang thương vú do herpes, nhiễm cúm A/H1N1… mới nên vắt sữa để dành cho trẻ bú.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết việc vắt sữa non trước khi sinh có thể có lợi cho một số người nhưng không phải cho tất cả. Những năm gần đây, việc vắt sữa non trước khi sinh thường bằng tay, đã được đề xuất cho một số bà mẹ đái tháo đường loại I hoặc đái tháo đường thai kỳ. Bởi lẽ trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường có thể tăng nguy cơ bị hạ đường huyết lúc mới sinh hoặc khi được bổ sung sữa công thức. Tuy nhiên, điều này vẫn còn nhiều tranh cãi về tính an toàn, hiệu quả và liệu có sự khác biệt về dinh dưỡng giữa sữa non trước sinh và sữa non được sản xuất sau sinh.

Ngoài ra, trường hợp người mẹ không có đủ mô vú, bệnh buồng trứng đa nang, bệnh đa xơ cứng bì, hoặc những người đã phẫu thuật vú hoặc những bé không có khả năng bú tốt sau sinh như bị dị tật sứt môi chẻ vòm, dị tật tim mạch hoặc thần kinh được chẩn đoán trước sinh, thì người mẹ có thể vắt sữa non trước sinh cho trẻ bú. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rất nhiều nghiên cứu có liên quan đến việc vắt sữa non trước khi sinh có cỡ mẫu thấp hoặc thiết kế nghiên cứu không đầy đủ nên tính an toàn và hiệu quả của việc vắt sữa non trước khi sinh không được đánh giá kỹ.

Nếu vắt sữa non trước sinh, người mẹ cần nhận thức rõ về nguy cơ sinh non, đặc biệt đối với những người có tiền căn sinh non, những thai phụ đang điều trị dọa sinh non, khâu eo tử cung, nhau tiền đạo, có vết mổ cũ, đa thai.

THÙY DƯƠNG