Cần cái tâm và sự hỗ trợ
Vì mức độ khiếm khuyết của từng trẻ tự kỷ khác nhau, rối loạn về các giác quan, tâm lý vận động, nhận thức, hành vi… cũng khác nhau nên các phương pháp giáo dục phải phù hợp với từng trẻ và nhóm trẻ cùng trí não phát triển
Cần cái tâm và sự hỗ trợ
Trẻ tự kỷ khác với những trẻ khuyết tật khác về tai, mắt, vận động… vì trẻ tự kỷ bị rối loạn từ cơ quan trung ương là não nên khuyết tật kéo dài suốt đời và rất khó can thiệp. Như một người từ hành tinh khác đến, trẻ tự kỷ không tự biết mình và cũng không biết đến người khác.
Làm thế nào để trẻ hướng nhập vào thế giới hiện tại với mọi người là tuỳ thuộc rất lớn vào cách chăm sóc và điều trị của chúng ta nhằm giúp trẻ tự kỷ giao tiếp được với những người chung quanh.
Vì mức độ khiếm khuyết của từng trẻ tự kỷ khác nhau, rối loạn về các giác quan, tâm lý vận động, nhận thức, hành vi… cũng khác nhau nên các phương pháp giáo dục phải phù hợp với từng trẻ và nhóm trẻ cùng trí não phát triển bằng kế hoạch cá nhân, biện pháp tổng hợp và phương pháp y sinh. Đó là lý do vì sao thầy cô dạy chuyên biệt phải tốt nghiệp từ trường đại học hay cao đẳng mầm non khoa đặc biệt.
Không những thế, để trở thành giáo viên dạy chuyên biệt, thầy cô còn phải được huấn luyện nhiều lần, thực tập ở các trường chuyên biệt mới có thể bước vào các trung tâm hay trường chuyên biệt dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ.
Hơn thế nữa, nếu thiếu cái “tâm” chăm lo trẻ tự kỷ thì thầy cô chuyên biệt dễ rơi vào stress, biểu hiện trầm cảm hay có những hành động đánh đập trẻ, quát mắng, đe doạ làm cho trẻ bức xúc. Không bày tỏ được do thiếu nhận thức hoặc thiếu ngôn ngữ diễn đạt, trẻ bùng nổ, tăng động mạnh hơn không theo mong muốn của chúng ta, làm chúng ta bực tức, căng thẳng hơn với trẻ như trong trường hợp các thầy cô dạy trẻ của trường Anh Vương.
Tại sao tình trạng này vẫn xảy ra khá phổ biến làm cho xã hội bức xúc, không đồng tình? Đó là vì nền giáo dục chuyên biệt chúng ta thiếu sự quan tâm chăm sóc trẻ tự kỷ, mà trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng nhanh chóng trong gần mười năm trở lại đây. Các bệnh viện nhi, trung tâm thần kinh nhi ở TP.HCM cũng đã quá tải, phải hẹn phụ huynh mang trẻ đến khám ở nhiều tháng sau.
Nhiều phụ huynh có con tự kỷ chạy đôn đáo tìm trường cho con, tìm không được thì thuê thầy cô giáo mầm non về nhà dạy, hoặc lập nhóm dạy. Mà nếu dạy không đúng phương pháp sẽ dẫn đến phí phạm thời gian can thiệp hiệu quả của trẻ. Nhiều phụ huynh ở các tỉnh lên thành phố tìm trường cho con, thuê nhà gần trường cho con học, sinh hoạt phí tính cả học phí hơn 15 triệu đồng/tháng. Người nghèo thì phải đành chịu cho con khuyết tật suốt đời.
Không có con đường nào khác để giải quyết tình trạng này là nhà nước cần quan tâm hơn nữa trước một thực tế số trẻ tự kỷ ngày càng tăng đến mức báo động hiện nay. Cần tăng cường giáo viên chuyên biệt tại các trường đại học và cao đẳng sư phạm mầm non khoa đặc biệt, thống nhất chương trình giảng dạy, mở các trường chuyên biệt công dạy trẻ tự kỷ, lập các trung tâm tư vấn, lập quỹ hỗ trợ gia đình nghèo có con mắc chứng tự kỷ. Nhà nước cũng cần giải quyết một số chế độ chính sách cho phụ huynh nghèo có con bị tự kỷ, hỗ trợ các trường dân lập tư thục về cơ sở vật chất mở trường… Trong luật chăm sóc trẻ em, hay luật khuyết tật cần bổ sung chế độ chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ.
Có như vậy tình hình khó khăn nêu trên mới được cải thiện, không để mỗi người tự lo, mỗi người làm một cách khác nhau, thiếu phương pháp dẫn đến giáo dục trẻ không hiệu quả, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, khó khăn cho cuộc sống gia đình và an ninh trật tự của xã hội.
Minh Anh