Di tích khảo cổ cấp quốc gia bị xâm hại
Giồng Cá Vồ (H.Cần Giờ, TP.HCM) được công nhận là Di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 2000 nhưng hiện đang bị bỏ hoang phế.
Di tích khảo cổ cấp quốc gia bị xâm hại
Giồng Cá Vồ (H.Cần Giờ, TP.HCM) được công nhận là Di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 2000 nhưng hiện đang bị bỏ hoang phế.
Một di tích quý, hiếm
|
Kết quả khai quật cho thấy trong số 25 địa điểm khảo cổ được ghi nhận trong hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ, di tích Giồng Cá Vồ có quy mô lớn nhất với diện tích khoảng 30.000 m2. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng trăm mộ chum với nhiều loại hình khác nhau, một khối lượng di vật lớn gồm các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, đồ tùy táng trong các ngôi mộ… Quan trọng hơn là trong những ngôi mộ chum này tồn tại nhiều di cốt người cổ, trong đó hàng chục bộ di cốt còn khá nguyên vẹn. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý báu, cho đến nay gần như là duy nhất để nghiên cứu và xác định chủ nhân sớm nhất của vùng đất này nói riêng và Nam bộ thời tiền sử nói chung. Những nguồn tài liệu đem lại nhận thức mới về lịch sử Sài Gòn – Gia Định không dừng lại ở mốc 300 năm mà đã được đẩy vào quá khứ lên đến 3.000 năm.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, nêu ý kiến: “Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ cùng với hệ thống di chỉ ở Cần Giờ là một hệ thống di tích đóng vai trò rất quan trọng đối với việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ, VN, Đông Nam Á nói chung. Di tích đóng vai trò như một trung tâm cửa ngõ để phát tán yếu tố văn hóa bản địa Đông Nam bộ ra thế giới bên ngoài và ngược lại, cũng là cửa ngõ để tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại cho khu vực”.
TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cho biết: “Trước khối tư liệu đồ sộ và độc đáo đem lại từ cuộc khai quật khảo cổ học di tích Giồng Cá Vồ, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong nước và quốc tế như GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Peter Bellwood (Đại học Quốc gia Úc), PGS-TS Mariko, PGS-TS Nishimura (Nhật Bản)… dù phương tiện dịch chuyển và đường vào di tích gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cố gắng bằng mọi cách để đến tham quan di tích Giồng Cá Vồ”.
Dần chìm vào quên lãng sau 14 năm xếp hạng
Khi trở thành Di tích khảo cổ học cấp quốc gia, Giồng Cá Vồ đã có biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, do chưa thực hiện việc đền bù giải tỏa nên toàn bộ di tích Giồng Cá Vồ đến nay vẫn là diện tích đất canh tác của một số hộ gia đình ở ấp Hiệp Hòa, xã Long Hòa, H.Cần Giờ. Ngày qua ngày, vì miếng cơm manh áo, cuộc sống giữa vùng rừng ngập mặn chỉ trông chờ vào mảnh đất canh tác, nên cư dân đã có nhiều hoạt động xâm hại đến di tích. Hiện trạng di tích Giồng Cá Vồ cho thấy các hộ dân tự do đào đắp bờ, đào ao, xẻ luống trồng cây, chăn nuôi gia cầm ở nhiều thời điểm, với quy mô lớn mà không được ngăn chặn.
|
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM, nhận định: “Đã có nhiều cuộc họp, nhiều đợt khảo sát khác nhau của không ít ban ngành, đoàn thể, chính quyền. Tuy nhiên, mọi thứ dường như vẫn chỉ nằm ở chủ trương, kế hoạch và dự án trên giấy, chưa có một động thái nào cho thấy di tích Giồng Cá Vồ được bảo tồn và phát huy giá trị theo đúng tinh thần của luật Di sản, cũng như những quan điểm, chủ trương chính sách về di sản văn hóa”.
Toàn bộ khu di tích Giồng Cá Vồ hiện vẫn không có hàng rào bảo vệ, chưa có con đường hay bến thuyền để dẫn vào di tích. Từ năm 2007 đến nay, UBND H.Cần Giờ đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục lên kế hoạch vốn đầu tư cho dự án này, nhưng chưa được bố trí, nên chủ đầu tư không thể hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở dự án để trình duyệt theo quy định hiện hành. Ngày 4.11.2010, đại diện Sở KH-ĐT và chủ đầu tư có biên bản làm việc về dự án trùng tu tôn tạo khu di tích Giồng Cá Vồ, tổng kinh phí giai đoạn này dự kiến là 20 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn và di tích Giồng Cá Vồ vẫn là một địa điểm xa lạ, hoang sơ, trống trải, dần chìm vào quên lãng.
Hàng trăm di vật được chọn lựa từ cuộc khai quật khảo cổ di tích Giồng Cá Vồ đang được lưu giữ và trưng bày tại một số bảo tàng lớn là Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử VN (TP.HCM); Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Nam bộ (Đại học KHXH-NV – Đại học Quốc gia TP.HCM) nhằm giới thiệu về lịch sử VN giai đoạn tiền sơ sử trong những thế kỷ cuối trước Công nguyên.
|
Bảo Ngọc – Đỗ Tuấn