Đoạn tuyệt ‘chú bảy’, ‘chị ba’… không khó
Chuyện xưng hô nơi công sở, thiên hạ họ thống nhất tự bao giờ. Người Việt nhìn lại, giật mình vì chẳng giống ai. Tiếng Việt vốn phức tạp vì có tới 32 đại từ nhân xưng các loại, tùy theo vùng miền. Người Việt càng làm cho tiếng Việt rối rắm thêm trong cách xưng hô nơi công sở.
Đoạn tuyệt ‘chú bảy’, ‘chị ba’… không khó
Chuyện xưng hô nơi công sở, thiên hạ họ thống nhất tự bao giờ. Người Việt nhìn lại, giật mình vì chẳng giống ai. Tiếng Việt vốn phức tạp vì có tới 32 đại từ nhân xưng các loại, tùy theo vùng miền. Người Việt càng làm cho tiếng Việt rối rắm thêm trong cách xưng hô nơi công sở.
Trước năm 1975, ở miền Nam việc xưng hô nơi công sở đã rất rạch ròi. Trong trường học, thầy cô xưng tôi với học sinh. Học sinh gọi thầy cô và xưng em. Thầy cô xưng hô với nhau thì gọi thầy hoặc cô kèm tên riêng. Trong công sở thì phổ biến là ông, bà hoặc cô (không nghe ai gọi chú) hoặc anh, chị và xưng tôi. Dịp lễ nghi thì kính thưa ông, bà kèm chức vụ cao nhất của họ…
Sau năm 1975, cách xưng hô công sở trở nên rối ren và tùy tiện. Lúc thì gọi đồng chí kèm chức vụ và tên hoặc chỉ gọi là bác, chú, cô, anh, chị trống không. Khi lại xưng đồng chí kèm thứ kiểu Nam bộ như chú bảy bí thư, dì hai chủ tịch; có lúc lại kèm tên hoặc gọi chung là sếp hay thủ trưởng. Dưới xưng hô với trên thì như vậy. Còn trên xưng hô với dưới thì càng tùy tiện. Nào là mày, cậu em, chú mày, em gái… làm cho tao, anh bảy, chị ba, ông anh, bà chị… Hầu như chỉ có cách xưng hô trong quân đội là hợp lý.
|
Nhiều người bảo cách xưng hô công sở hiện nay là gia đình hóa. Tôi không nghĩ vậy. Đó là cách xưng hô chẳng theo quy ước nào và không giống ai. Nó thể hiện nét văn hóa luộm thuộm của cơ quan. Cứ nhìn cách xưng hô có thể đoán kiểu làm việc xuề xòa, không chuyên nghiệp nói chi đến bình đẳng và dân chủ.
Thạc sĩ Vũ Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước thuộc Bộ Nội vụ cho biết bộ đang lập đề án “Chuẩn văn hóa công sở”, có ban chỉ đạo, ban biên tập với đầy đủ các bộ ban ngành liên quan. Phải tổ chức hội thảo, lấy ý kiến và nhanh nhất là cuối năm nay hoặc sang năm sau mới xong dự thảo. Sau đó sẽ trình Chính phủ ra Nghị định về xưng hô trong công sở. Không khéo sau chuẩn xưng hô sẽ là chuẩn trang phục, chuẩn tác phong, chuẩn ăn uống, chuẩn giải lao…
Chẳng nước nào có nghị định kiểu đó. Dưới nghị định là thông tư hướng dẫn giải thích. Đã có nghị định thì phải kèm biện pháp chế tài, xử phạt? Đã rối càng rối trong khi sự việc rất đơn giản. Ai cũng đồng tình việc cần đoạn tuyệt càng sớm càng tốt cách xưng hô công sở tùy tiện hiện nay. Cần thống nhất tương đối cách xưng hô công sở sao cho bình đẳng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, kể cả lãnh đạo và nhân viên.
Tôi cũng không đồng tình việc gọi các lãnh tụ là bác hoặc chú. Thân mật quá hóa xuề xòa, nhất là trong các nghi lễ trang trọng. Chưa kể có trường hợp thì gọi theo kiểu Trung Quốc, có trường hợp thì gọi theo kiểu Việt Nam. Cứ tùy tiện kiểu đó, mai mốt sẽ có người gọi bác Lợi (Lê Lợi), bác Đạo (Trần Hưng Đạo, thật ra phải gọi là Trần Quốc Tuấn hoặc đầy đủ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)… thì loạn.
Theo tôi, thay đổi cách xưng hô công sở không cần lập ban chỉ đạo, ban biên tập. Cũng không cần các hội nghị, hội thảo… Rất tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả). Số tiền đó dành để ủng hộ ngư dân và kiểm ngư bám biển, bảo vệ chủ quyền. Bộ Nội vụ chỉ cần tham khảo cách xưng hô công sở ở miền Nam trước 1975, điều chỉnh lại theo quy mô cả nước. Gửi văn bản nhờ các bộ ngành khác góp ý rồi thống nhất ra thông báo để các công sở thực hiện. Mọi người sẽ ủng hộ và tạo nên một làn gió mới tích cực không chỉ trong công sở mà ở tất cả các tập thể khác.
Người Việt có văn hóa Việt. Không bắt chước Hàn, Nhật, Trung Quốc hay Âu Mỹ. Bắt đầu từ cách xưng hô với nhau và với người dân, thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng, nền tảng của tất cả quan hệ xã hội. Tôi tin chắc hiệu quả công việc sẽ tăng lên và cuộc sống cũng sẽ tốt đẹp hơn.
“Anh là ai mà xưng tôi” TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng xưng hô ở VN chính là văn hóa. Nó phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh và có tính tương đối cao. “Từ tôi vốn là từ khiêm xưng nhưng giờ đây lại trở thành mang cá tính, khẳng định cá tính. Tôi từng chứng kiến khi bảo vệ tốt nghiệp, sinh viên xưng tôi đã bị thầy trong hội đồng mắng ngay, anh là ai mà xưng tôi”, ông Hải nói. Chính vì thế, theo ông Hải, không nên luật hóa việc xưng hô. Một phần vì với văn hóa thì không thể áp đặt bằng ý chí. Phần nữa, một nghị định bao giờ cũng cần gắn với tính khả thi. Nếu thực tế quá sinh động thì việc quy định cứng sẽ khiến luật không được thực hiện. “Chưa kể, không thể lúc nào cũng nhăm nhăm ghi âm lại việc ai đó nói sai để phạt được. Tôi nghĩ nếu không cẩn thận mà cứ cố luật hóa xưng hô, nó có thể sẽ bị biến thành luật treo”, ông Hải nói. Trinh Nguyễn
|
Luật bất thành văn Ông Trương Anh Tuấn, nguyên Trưởng phòng đối ngoại Shell VN (doanh nghiệp FDI) cho biết tại cơ quan cũ của ông chỉ có xưng hô anh – em, hoặc anh/chị – tôi mà thôi. Việc xưng hô chú/bác luôn bị hạn chế. Cách xưng hô này cũng áp dụng ngay cả khi sếp ít tuổi hơn các nhân viên. Khi đó, sếp gọi nhân viên hơn tuổi là anh/chị. Nhân viên hơn tuổi gọi sếp là sếp hoặc anh. “Nhưng cũng không viết ra thành nội quy đâu. Luật bất thành văn như thế chứ không đưa vào nội quy”, ông Tuấn cho biết. Trên mặt bằng chung, việc xưng hô anh/chị – tôi dường như phù hợp với phần lớn hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp khó áp dụng điều này. Chẳng hạn, theo PGS-TS Nguyễn Tường Vy, Đại học Dược Hà Nội, sẽ có những cơ quan có cách xưng hô đặc thù. Chẳng hạn trong trường đại học, các GS luôn muốn được gọi là thầy chứ không muốn gọi là anh, vì cho rằng việc gọi là anh sẽ mất đi sự tôn trọng của học trò. Các GS nhiều tuổi vẫn tiếp tục giảng dạy, còn người đương chức có khi là học trò cũ, khi ấy việc xưng hô theo chức danh có vẻ không ổn. “Một sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi có thể được giữ lại trường. Anh ta sẽ thành đồng nghiệp với một GS cách mình vài thế hệ, có khi còn là thầy của thầy mình. Khi đó mà lại xưng anh và tôi thì cũng không phù hợp”, bà Vy nói. Trinh Nguyễn
|
Nguyễn Văn Mỹ