27/11/2024

Những bệnh gây tổn thương não

Một số tác nhân như vi trùng, siêu vi, nấm, ký sinh trùng… có thể gây tổn thương não – màng não ở trẻ em, nhưng thường gặp nhất là vi trùng và siêu vi.

 

Những bệnh gây tổn thương não

Một số tác nhân như vi trùng, siêu vi, nấm, ký sinh trùng… có thể gây tổn thương não – màng não ở trẻ em, nhưng thường gặp nhất là vi trùng và siêu vi.
Một bệnh nhi (23 tháng tuổi, tỉnh Tiền Giang) bị viêm não Nhật Bản điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Một bệnh nhi (23 tháng tuổi, tỉnh Tiền Giang) bị viêm não Nhật Bản điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều trẻ khởi phát từ những bệnh không nguy hiểm, song sau đó có biến chứng gây viêm não, dẫn đến hậu quả khó lường. Đặc điểm của một số bệnh gây viêm não – màng não thường gặp ở trẻ em như sau:

1.Sởi

Việc ủ bệnh thường kéo dài 10 -12 ngày từ khi trẻ bị nhiễm virút gây bệnh đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng của bệnh. Giai đoạn tiền triệu thường kéo dài 5-15 ngày, đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ – vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt.

Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban (còn gọi là hạt Koplik) xuất hiện, thường ở vòm họng. Giai đoạn phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với dấu hiệu phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó là ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong 24-48 giờ, dạng sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, ít ngứa, không sinh mủ.

Nếu bệnh nặng, ban có xu hướng hợp thành những ban lớn hơn, tạo thành mảng xuất huyết và có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa và viêm não. Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng.

2. Bệnh tay chân miệng

Đây là hội chứng ở người do virút đường ruột họ Picornaviridae gây ra, phổ biến nhất là Coxsackie A 16 và virút enterovirus 71 (EV-71), thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Vài ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển thành loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.

Những xét nghiệm giúp chẩn đoán gồm: cấy máu, cấy phân, nước tiểu, dịch khớp, mủ, dịch tai giữa; xét nghiệm phân tích nước tiểu, điện giải đồ, điện não đồ, chụp cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm huyết thanh học…

Ban đỏ da xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương phẳng hoặc gồ, một số trở thành bọng nước. Bệnh thường nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cần phải nhập viện khi có dấu hiệu sốt cao, giật mình, co giật nhiều, khó thở, nôn ói (do biến chứng thần kinh: viêm não – màng não, liệt cấp tính hoặc phù phổi, xuất huyết phổi…).

3. Bệnh thuỷ đậu (còn gọi là bệnh trái rạ)

Bệnh do virút Varicella zoster gây ra. Triệu chứng xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát thường đột ngột với mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chân tay và thân, xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân, có kích thước 1-3 mm đường kính, chứa dịch trong.

Bệnh kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy. Dù là lành tính, tuy nhiên bệnh có thể gây biến chứng: nhẹ là nhiễm trùng da, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… Đặc biệt, sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt.

4. Viêm não Nhật Bản B

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Biểu hiện của thể bệnh như sau: thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo ba giai đoạn: giai đoạn khởi phát: từ 1-6 ngày, sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Giai đoạn toàn phát: tiếp tục sốt cao 38-40 độ C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể hôn mê); biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng); kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Tỉ lệ tử vong trong số các bé viêm não rất cao, dao động 1-30%.

Giai đoạn hồi phục: nếu khỏi bệnh, có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng để lại di chứng.

5. Nhiễm phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)

S. pneumoniae là nguyên nhân chính của viêm phổi lây nhiễm cộng đồng và viêm màng não ở trẻ em. Mặc dù tên gọi là phế cầu khuẩn, nhưng vi trùng này lại gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng ngoài viêm phổi bao gồm viêm xoang cấp tính, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm màng ngoài tim, viêm mô tế bào và ápxe não. S. pneumoniae là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm màng não ở thanh thiếu niên, cùng với Neisseria meningitidis.

6. Nhiễm Haemophilus influenzae nhóm b (Hib)

Gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhũ nhi, trẻ trên 3 tháng tuổi đến 2 tuổi, sau 2 tuổi tỉ lệ mắc bệnh giảm. Ở các nước đang phát triển thường gây viêm phổi và viêm màng não, tỉ lệ tử vong trên 40%.

7. Nhiễm não mô cầu (Neisseria meningitidis)

Bệnh lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên. Thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh).

Ths.BS MAI VĂN BÔN