5 phút cùng gìn giữ tiếng Việt
“Tại sao con heo đẻ con lại gọi là heo nái, con gà đẻ trứng là gà mái, còn con bò đẻ bê gọi là bò cái…?”. Câu hỏi ngắc ngứ của cô bé với người chú của mình trong tiểu phẩm chương trình Trong sáng cùng tiếng Việt phát sóng ngày 24-7 có lẽ khiến nhiều khán giả bật cười, nhưng rồi phải ngẫm nghĩ tìm lời giải đáp.
5 phút cùng gìn giữ tiếng Việt
Lên sóng lặng lẽ, thời lượng phát sóng ngắn (năm phút) trong khung giờ ai cũng muốn “chợp mắt một cái” (12g55 từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần trên HTV7), ấy vậy mà Trong sáng cùng tiếng Việt đã tồn tại gần hai năm nay. Đến ngày 17-9 này là chương trình tròn hai tuổi.
“Tại sao con heo đẻ con lại gọi là heo nái, con gà đẻ trứng là gà mái, còn con bò đẻ bê gọi là bò cái…?”. Câu hỏi ngắc ngứ của cô bé với người chú của mình trong tiểu phẩm chương trình Trong sáng cùng tiếng Việt vừa phát sóng ngày 24-7 có lẽ khiến nhiều khán giả bật cười, nhưng rồi phải ngẫm nghĩ tìm lời giải đáp. Và ngay sau đó, tiến sĩ Hồng Hạnh – phó trưởng khoa văn học và ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) – giải thích ngắn gọn về cách sử dụng ba từ này.
“Ngôn ngữ tự thân nó vận động. Hiện nay có rất nhiều từ mới phát sinh trong tiếng Việt, đặc biệt là từ các bạn trẻ. Chúng ta đối diện với sự phát triển ấy như thế nào? Tiêu chí của chương trình là không bài xích các từ mới này cũng không khuyến khích nó. Sự trong sáng không có nghĩa là giữ khư khư tiếng Việt mà cứ để nó vận động theo quy luật thời gian” QUANG HẢI (biên tập chương trình Trong sáng cùng tiếng Việt) |
Trong một tiểu phẩm khác phát sóng ngày 29-7 lại là câu chuyện hai tín đồ bóng đá tranh luận từ “tiếm ngôi” sử dụng trong thể thao đúng hay sai… Và tiến sĩ Hoa Tranh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) đưa ra sự khác biệt giữa các từ tiếm ngôi, soán ngôi, tranh ngôi, đoạt ngôi…Các số tiếp theo chương trình sẽ đề cập sự khác biệt giữa sản lượng và lưu lượng (phát sóng ngày 4-8), bất tử và bất hủ(5-8) hay bàn về các chỉ định từ ấy, này, nọ, kia (6-8), phân biệt giữa tìm ra, tìm được, tìm thấy (7-8)….
Một loạt đề tài hứa hẹn hấp dẫn phần lớn được viết nhờ vào… thư và điện thoại của bạn xem đài gửi về. “Đó là nguồn thông tin vô cùng quan trọng để nuôi sống chương trình” – ông Quang Hải, biên tập chương trình, cho biết. Quả thật, khi bắt tay xây dựng Trong sáng cùng tiếng Việt, không ít người lo lắng bởi một năm chương trình sản xuất 260 số. Làm thế nào để đi một chặng đường dài như vậy? Tuy nhiên, thực tế diễn ra thuận lợi hơn mong đợi. Mỗi chương trình phát sóng đều nhận được sự phản hồi của khán giả qua điện thoại, email và nhiều nhất là thư tay. Điều này cho thấy khán giả rất quan tâm đến tiếng Việt và còn nhiều thắc mắc với “tiếng nước tôi”.
Như khán giả Nguyễn Thanh Tâm (Bình Dương) hỏi: “Tại sao người ta lại dùng câu “kẻ tám lạng người nửa cân” để so sánh hai người giống nhau trong khi tám lạng và nửa cân không bằng nhau?”. Câu hỏi này được giải thích trong chương trình phát sóng ngày 20-3-2014. Ông Đặng Minh Cảnh (76 tuổi, cũng cư ngụ tại Bình Dương) thắc mắc: “Mỗi khi trộm viếng, bị mất cắp tài sản thì người khác thường hỏi: Đã đi thưa công an chưa? Công an là lực lượng để bảo vệ trật tự, trị an cho nhân dân, thế tại sao lại đi thưa?”.
Trong sáng cùng tiếng Việt với chủ đề Cái, nái, mái - Ảnh cắt từ clip |
Một khán giả trung thành với chương trình từ khi còn là sinh viên năm 3 khoa văn Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang đến khi trở thành thầy giáo dạy văn cấp II Trường THCS Bùi Thị Xuân, TP Nha Trang là Lê Đức Bảo cho biết: “Tôi thấy chương trình rất hữu ích vì bổ sung kiến thức cho khán giả cách sử dụng tiếng Việt như thế nào cho đúng và hiểu thêm sự phong phú của tiếng Việt. Là giáo viên dạy văn mới vào nghề, chương trình đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc truyền dạy kiến thức cho học sinh của mình, nhất là phần giải thích các thành ngữ…”.
Từ khán giả, Lê Đức Bảo cũng trở thành cộng tác viên đắc lực khi anh gửi ý tưởng và kịch bản do mình viết đến chương trình. Bảo tâm sự: “Điều tôi quan tâm hiện nay là cách sử dụng từ của các bạn trẻ trên Facebook. Những từ như “chém gió”, “có một nỗi buồn hơi bị nhẹ”… được sử dụng nhiều, nhưng tôi không hiểu lắm và không biết các bạn trẻ có hiểu thật sự những từ ngữ này không? Vì vậy tôi viết kịch bản, nhờ chương trình mời các chuyên gia giải thích cho mọi người cùng hiểu”.
Bảo cũng góp ý cho chương trình: “Tôi nghĩ Trong sáng cùng tiếng Việt phát sóng ở khung giờ đẹp hơn sẽ có nhiều người xem. Thời lượng chương trình hơi ngắn, nếu dài khoảng 7-10 phút thì phần ý kiến của chuyên gia sẽ được cặn kẽ và sâu hơn”. Trao đổi với ông Quang Hải về vấn đề này, ông nói: “Theo riêng tôi, năm phút là đủ. Quan trọng là chương trình ngắn ngọn dễ xem và dễ đi đường dài. Trong sáng cùng tiếng Việt thiên nhiều về tính ứng dụng, đề cập đến ngôn ngữ hơn ngữ pháp. Đây là chương trình khoa giáo, có vẻ hơi khô khan. Vì thế chúng tôi quyết định dựng tiểu phẩm ngắn để chương trình mang tính giải trí, song song với phần tọa đàm của các chuyên gia ngôn ngữ. Chúng tôi không tham vọng làm điều gì lớn lao mà chỉ cần mỗi ngày cung cấp một ít kiến thức cho khán giả”.
HOÀNG LÊ