Năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%
Ngày 27 và 28-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014.
Năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%
Ngày 27 và 28-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng khẳng định: “Nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính.
“Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước” – Thủ tướng nói.
Quá nhiều quy hoạch không phù hợp
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch – đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển.
“Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường” – Thủ tướng phát biểu.
Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015, Thủ tướng định hướng mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô, tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế…
Theo đó, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%, lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%), tăng thu ngân sách khoảng 11%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%…
Thí điểm tự chủ đối với 4 trường đại học
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số đề án, báo cáo quan trọng. Về dự thảo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với bốn trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục – đào tạo (Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội), Chính phủ nhất trí ban hành nghị quyết về đề án này.
Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ba lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy – nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ Giáo dục – đào tạo phê duyệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật giáo dục đại học.
Việc thực hiện thí điểm tự chủ với bốn trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục – đào tạo thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.
Hai phương án xây dựng sách giáo khoa
Thảo luận về dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục – đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục – đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện đề án, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.
Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm. Dự thảo đưa ra hai phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó phương án 1 là Bộ Giáo dục – đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục – đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.