27/11/2024

Nghèo đói vẫn ám ảnh châu Á

Để đối phó với nghèo đói, cần tập trung giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và quản lý mức độ dễ bị tác động về kinh tế. Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 20/8

 

Nghèo đói vẫn ám ảnh châu Á

Để đối phó với nghèo đói, cần tập trung giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và quản lý mức độ dễ bị tác động về kinh tế.

Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 20/8 trong báo cáo “Những chỉ số chủ yếu của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương năm 2014”.                       

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực đã đem lại sự cải thiện ngoạn mục về mức sống. Nếu như xu hướng này tiếp tục diễn ra, tỷ lệ người nghèo có thể giảm từ 20,7% năm 2010 xuống còn 1,4% vào năm 2030; tỷ lệ nghèo dưới mức 3% được xem như đã hoàn tất công tác xóa nghèo.

Tuy nhiên, theo báo cáo trên thì tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng đói nghèo hiện tại chưa phản ánh đầy đủ bức tranh của tình trạng nghèo đói cùng cực. Ông Shang-Jin Wei, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, cho rằng chuẩn nghèo hiện tại không đủ để duy trì những phúc lợi tối thiểu ở nhiều vùng trong khu vực. Cần phải có những hiểu biết đầy đủ hơn về nghèo đói để giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những cách tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết thách thức nghiêm trọng này.

Theo ADB, có ba yếu tổ bổ sung cần được tính đến để “vẽ” nên bức tranh nghèo đói một cách đầy đủ. Đó là chi phí tiêu dùng cụ thể của những người nghèo ở châu Á, chi phí lương thực tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá, khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế cũng như những cú sốc khác. Nếu những yếu tố này được nhìn nhận đầy đủ, bức tranh về nghèo đói trong khu vực sẽ thay đổi theo chiều hướng u ám hơn. Khi đó, tỷ lệ nghèo tổng thể được tính toán sẽ ở mức 17,1% vào năm 2030 với hầu hết người nghèo sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình, tức là giảm không đáng kể so với mức 20,7% vào năm 2010.

Ông Wei cho rằng bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng, cần tập trung vào những nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và giảm mức độ dễ bị ảnh hưởng. An ninh lương thực có thể được cải thiện bằng việc tăng cường nguồn cung lương thực thông qua các biện pháp như phát triển công nghệ và tăng năng suất nhanh hơn. Thông qua các chương trình viện trợ có mục tiêu cho người nghèo để mở rộng khả năng tiếp cận và hợp lý hóa giả cả. Bên cạnh đó, cần ổn định nguồn cung lương thực thông qua việc xây dựng các kho dự trữ cấp quốc gia hoặc khu vực.

Để quản lý mức độ dễ bị ảnh hưởng đang gia tăng, các chính phủ có thể đầu tư vào công tác lập bản đồ các vùng dễ gặp rủi ro, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Cần khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho người nghèo, củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ