Đồng dao Bài học từ vựng đầu đời
Đồng dao, theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, là cách để trẻ em học và thực hành từ ngữ, tự sáng tạo ra bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình.
Bản sắc Việt: Đồng dao Bài học từ vựng đầu đời
Đồng dao, theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, là cách để trẻ em học và thực hành từ ngữ, tự sáng tạo ra bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình.
|
Giáo sư Tô Ngọc Thanh bao giờ cũng sôi nổi khi nói về đồng dao. Không chỉ nói về giá trị, ông còn đọc trích dẫn liên tục. Những câu thơ giàu vần điệu, thân thuộc. Ở đồng bằng Bắc bộ, ai mà không từng chơi: Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương…
|
Vùng miền nào trên đất Việt cũng có những bài đồng dao như vậy. Nhưng có lần, Giáo sư Thanh lại kể một câu chuyện khác. “Khi tôi nói chuyện với một cán bộ văn hóa, anh ấy bảo “anh tha lỗi cho chứ, các bài đồng dao nó có logic gì đâu”. Nhiều người vẫn còn muốn quả quyết đi tìm logic trong đồng dao. Tìm để làm gì? Trẻ con tập nói thì nó cần logic để làm gì? Đôi khi, với trẻ, cái không logic thì nó mới quý”, ông nói.
Bài học sơ khai về cuộc sống
Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, đồng dao chính là bài học chập chững sơ khai về cuộc sống. Hát đồng dao cũng có nghĩa là lần đầu tiên trong đời các cháu học và sáng tạo ra các bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình.
Cũng theo Giáo sư Thanh, kiến thức trao truyền qua đồng dao nhiều lắm. Các em có thể học về môi trường, trời đất, bạn bè, tộc họ. Còn gì hay hơn bài học về gia vị: Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi… Cái vòng quan hệ xã hội có thể thấy rõ qua bài: Lúa ngô là cô đậu nành/Đậu nành là anh dưa chuột/Dưa chuột là ruột dưa gang… “Thật là thiệt thòi cho những đứa trẻ sinh ra mà lại không được biết tới những trò đồng dao như xỉa cá mè đè cá chép, trồng nụ trồng hoa, chơi trò con trâu làm bằng cái lá đa buộc chỉ… Những kiến thức, những bài học và một ký ức tuổi thơ như thế, khó có một trường lớp hay nhà văn hóa nào có thể thay thế hết được”, Giáo sư Thanh nói.
Cũng chính vì thế, trong một bài viết của mình, Giáo sư Thanh cho rằng đồng dao là những nét bút văn hóa đầu tiên của truyền thống dân tộc được viết lên tâm hồn trong trắng của các em.
Theo nghiên cứu của ông Thanh, dạy đồng dao cho trẻ em là những người bà, người mẹ và những em lớn tuổi hơn. Chính những em lớn tuổi hơn này – những em “đầu trò” – mới thực sự là nhà tổ chức. Các em bày trò chơi, hát với nhau, thu hút các em nhỏ hơn. Và qua các trò chơi, bài hát, các em còn sáng tạo thêm bớt tình tiết của trò chơi, đặt vần vè mới cho bài hát. Nhiều khi người lớn phải ngạc nhiên vì tài “sắp trò, bẻ vần” của các em. “Nếu nghĩ đồng dao là người lớn dạy trẻ em là sai. Thực ra những điều người lớn truyền dạy cũng chính là những sáng tạo của những thế hệ trước và thế hệ họ khi còn nhỏ, để rồi đến lượt mỗi thế hệ trẻ em sau đó lại tiếp tục bổ sung”, Giáo sư Thanh nói.
Việc giảng dạy đang có vấn đề
Giáo sư Thanh cũng cho biết, khi sưu tập các chuyện kể, các điệu múa và bài hát truyền thống của các nước ASEAN, ông nhận thấy hóa ra đồng dao ở khu vực khá giống nhau. Trò rồng rắn lên mây, chơi ô ăn quan, đánh đáo, đánh khăng nước nào cũng có. Cách chơi có thể khác nhau, lời hát cụ thể có thể khác nhau, nhưng đồng dao đi kèm trò chơi thì ở đâu trong văn hóa ASEAN cũng thống nhất.
|
Tuy nhiên, do dành cho các em ở độ tuổi nhỏ nên nội dung của đồng dao sẽ có nét riêng biệt, đó là cảnh thiên nhiên và cuộc sống xã hội đương thời của dân tộc đó. Chẳng hạn, thiên nhiên trong đồng dao dân tộc Thái Đen, Mường La, Sơn La là thiên nhiên nông nghiệp của nền kinh tế lâu đời tự cấp, tự túc, tự nhiên. Nắng lên, nắng lên đi/Nắng lên đi, hỡi nắng vàng/Nắng cho dân khắp mường được ăn thóc khô/Cho phìa tạo phải ăn gạo đớn, mô tả nếp sống nông nghiệp ở đó. Giáo sư Thanh cho biết, bài này các em hát vào sáng sớm khi ánh nắng mới chiếu chéo vào gần sàn nhà.
Mặc dù vậy, việc giảng dạy đồng dao cho trẻ hiện đang có vấn đề. Một tiểu luận của cô Nguyễn Thị Ngọc (Trường đại học Tây Bắc) về việc áp dụng đồng dao vào dạy từ ngữ cho trẻ, cho thấy hiện nay đồng dao thường được dạy chay. Có nghĩa là giáo viên chỉ dạy đọc chứ không lồng ghép vào các trò chơi và sáng tạo đồng dao mới.
Một vấn đề khác là việc đem diễn xuất kiểu kịch vào đồng dao. Những bài đồng dao qua băng đĩa như Bắc Kim Thang đã bị đối xử như thế. Tại đó, các em phải làm theo ý của đạo diễn, trở thành diễn viên. “Họ đã bắt trẻ em diễn kịch. Đó là điều không thể được, như thế còn gì là khoảng trời sáng tạo tự nhiên của đồng dao nữa?”, Giáo sư Thanh băn khoăn.
Có lẽ, đã đến lúc cả gia đình và nhà trường cần chú trọng hơn đến đồng dao và cả những bài học văn hóa được trao truyền trong đó.
Trinh Nguyễn