Lo nhiễm độc thần kinh, rối loạn chuyển hóa
Thông tin trái lê Trung Quốc để năm tháng không hư gây sốc cho nhiều bạn đọc. Nhiều người lo ngại ăn trái cây Trung Quốc có chất bảo quản không rõ nguồn gốc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Lo nhiễm độc thần kinh, rối loạn chuyển hoá
Thông tin trái lê Trung Quốc để năm tháng không hư gây sốc cho nhiều bạn đọc. Nhiều người lo ngại ăn trái cây Trung Quốc có chất bảo quản không rõ nguồn gốc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Lê, táo Trung Quốc bày bán tại chợ Long Biên (Hà Nội) – Ảnh: Đàm Duy |
Chất bảo quản phải ngấm sâu trong quả mới bảo quản lâu như trường hợp trái lê tôi mua năm tháng mà bên ngoài vẫn không hư.Theo tôi, khi mua rau củ nên chọn loại vỏ dày, khi sử dụng có thể rửa dưới vòi nước và gọt bỏ vỏ sẽ an toàn hơn loại củ, quả vỏ mỏng có thể ăn ngay |
Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
* PGS-TS PHẠM XUÂN ĐÀ (viện trưởng Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm):
Có thể gây độc thần kinh, rối loạn chuyển hóa…
Hiện nay đã có 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng labo trong nước mới có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại.
Chất bảo quản cũng vậy, nếu không thống nhất về chất thử và phương pháp thử kết quả sẽ không chính xác, mà khi không định danh được đó là chất gì thì làm sao biết được nguy cơ.
Vì vậy lần này ngoài 15 mẫu dưa hấu, táo, lê đã lấy ở Lạng Sơn, tôi được biết cơ quan chức năng sẽ lấy thêm mẫu ở Lào Cai, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác để có đánh giá toàn diện.
Labo của Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn và vệ sinh thực phẩm đang dùng máy sắc ký lỏng khối phổ hiện đại, mỗi lần quét có thể được 300-400 chất.
Nhưng đó là các chất có trong danh mục cần kiểm soát, còn nếu họ sử dụng các chất mới, chất lạ để bảo quản trái cây thì rất khó phát hiện.
Về nguyên tắc, các chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khỏe con người phụ thuộc hàm lượng tồn dư trên rau quả là bao nhiêu, dùng rau quả còn tồn dư chất đó trong bao lâu và còn tùy cơ địa từng người.
Thuốc bảo vệ thực vật nếu dùng hàm lượng quá mức cho phép hoặc dùng chất cấm là gây độc cấp tính hoặc tích lũy trong cơ thể người dùng và gây độc mãn tính.
Các biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe có thể là gây độc về thần kinh, làm rối loạn chuyển hóa, làm tăng gốc oxy hóa khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn hoặc gây độc cho tế bào.
* Ông LÂM QUỐC HÙNG (Cục An toàn thực phẩm):
Phải có chất chuẩn mới định danh được chất bảo quản
Chúng tôi đang ở Lào Cai để lấy mẫu rau quả, khảo sát quy trình nhập khẩu và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo quyết định của Bộ Y tế. Cái khó là trong hàng vạn chất bảo quản đã có, chất nào được dùng để bảo quản những trái cây này? Phải có chất chuẩn mới có thể định danh được.
Các chất bảo quản rau củ có thể là chất chống nấm, chống mốc, chống vi sinh vật, hoặc bịt “lỗ thở” trên vỏ củ, quả cũng là chất bảo quản.
Thực tế thế giới đã có loại màng sinh học có thể bảo quản táo nhiều tháng, vẫn sử dụng được một cách an toàn. Tất nhiên giá thành loại màng đó sẽ cao, táo, lê giá rẻ khó có thể áp dụng công nghệ bảo quản ấy.
Tùy từng loại chất bảo quản, bảo vệ rau củ và thời gian phơi nhiễm với chất đó, khi có tác động đến sức khỏe con người thì đầu tiên là tác động tới hệ tiêu hóa, sau đó tới tế bào, thần kinh, ảnh hưởng tới chuyển hóa…
Tuy nhiên phải định danh được chất bảo quản, hàm lượng chất đó và mức độ con người ăn vào hằng ngày mới đánh giá được ảnh hưởng cụ thể.