Giáo dục dưới mắt mọi người: Khoản đóng góp lạ đầu năm
Sáng nay tôi đến trường, không phải với tư cách một cô giáo mà là một bà mẹ, tôi đi họp phụ huynh cho con.
Giáo dục dưới mắt mọi người: Khoản đóng góp lạ đầu năm
Sáng nay tôi đến trường, không phải với tư cách một cô giáo mà là một bà mẹ, tôi đi họp phụ huynh cho con.
Làm nghề giáo hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên tôi đến trường ngồi hàng ghế dành cho các bậc cha mẹ.
Những ông bố bà mẹ tới đông đủ, xem ra ngày nay quý phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến việc học của con em. Bởi những năm trước, khi trường tôi tổ chức họp phụ huynh học sinh thường thưa thớt vài ông bố bà mẹ.
Vùng này nghèo, người làm cha mẹ nghĩ nhiều đến miếng ăn hơn là nghĩ đến việc học của con. Cuộc sống bây giờ khấm khá hơn, sung túc hơn, các bậc làm cha mẹ đã ý thức hơn trách nhiệm đối với việc học của con em. Tôi nghĩ thầm như vậy và bụng thấy vui vui…
Cuộc họp bắt đầu. Sân trường im lặng, ai cũng chăm chú nghe thầy hiệu trưởng báo cáo những kết quả dạy và học của năm trước, những định hướng, kế hoạch của năm học mới. Không có một ý kiến nào.
Chương trình tiếp theo của buổi họp là phần việc ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Chị trưởng ban đại diện thông qua kế hoạch trong năm học này.
Nói kế hoạch chứ thật ra chị thông qua những khoản mà cha mẹ học sinh phải đóng góp trong năm học mới.
Chị vừa thông qua kế hoạch thì long trọng hỏi anh chị phụ huynh nào có ý kiến không, chúng tôi sẽ giải trình. Thế là hàng loạt cánh tay giơ lên, mic được chuyển liên tục. Nào là tại sao lại nộp quỹ hội nhiều đến vậy, nên giảm một nửa là vừa.
Tại sao chúng tôi lại phải đóng tiền xã hội hóa giáo dục, đó là tiền gì, chúng tôi không hiểu. Rồi tại sao lại phải nộp tiền may rèm cửa chống nắng, chuyện đó nhà trường lo chứ sao lại phụ huynh lo.
Đồng phục áo khoác làm gì mà bắt đóng tiền, con nít lớp 1 lớp 2 mấy đứa chịu mặc áo khoác, vào lớp là cởi ra chớ có mặc chi cho nóng mà bắt may, đề nghị giảm tiền vệ sinh lại, có phải ngày nào đi học cũng đi vệ sinh đâu mà em nào cũng nộp tiền hằng tuần, hằng tháng…
Ôi thôi, bao nhiêu ý kiến cũng là để giảm bớt những khoản tiền phải đóng. Có quá nhiều ý kiến về chuyện tiền nong, bụng nghĩ hóa ra cha mẹ đi họp nhiều, thể hiện quan tâm việc học của con em là một phần, việc chính là đến nói những bức xúc vì có quá nhiều khoản đóng góp đầu năm.
Cuộc họp căng thẳng với những ý kiến, tranh luận về tiền bạc. Là một nhà giáo tôi thấy thất vọng vì không có ý kiến nào về việc ủng hộ, tạo điều kiện cho con em được học tập, vui chơi…
Chị làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh của trường ghi nhận những ý kiến rồi từ từ giải đáp từng thắc mắc. Xong đâu đó, chị mỉm cười hỏi:
– Có quý bậc phụ huynh nào ý kiến nữa không ạ?
Một cánh tay giơ lên. Đó là chị Hồng ở thôn Hà Giang. Nhà chị nghèo, chồng mất sớm, một nách hai con, làm thuê cuốc mướn… Chị ngồi lọt thỏm trong nhóm phụ huynh của lớp 5A.
Thấy chị Hồng giơ tay, mọi con mắt đổ dồn về phía chị. Chị đứng dậy, bộ đồ cũ luộm thuộm. Ai cũng nghĩ chắc lại ý kiến đòi bỏ bớt hoặc giảm một khoản đóng góp nào đó. Tay cầm mic, chị nhìn về phía ban giám hiệu nói:
“Tôi có ý kiến là thấy sân trường nắng quá. Ngôi trường trẻ con học mà sân không có một cây xanh nào. Mỗi ngày đi làm về, tôi thấy nắng lè họng mà tụi nhỏ vẫn đùa giỡn, nhảy nhót ngoài nắng, mồ hôi mồ kê như tắm thấy thương quá”.
“Tôi có ý kiến thế này, nhà tôi có cây xanh cao, cành xum xuê, bóng rất rộng. Tôi xin được đóng góp cây xanh này cho trường, nhà trường hãy bứng cây này về trồng để các em có chỗ vui chơi…” – chị Hồng nói tiếp.
Tôi ngồi nhìn chị chăm chú, ban đầu là ánh mắt tò mò rồi sau đó là ngấm ngầm ngưỡng mộ. Phụ huynh nào cũng muốn con mình có nơi để học, để chơi an toàn và sạch sẽ. Muốn là vậy nhưng họ đã làm gì, một vài phụ huynh khá giả thì “õng ẹo” kỳ kèo các khoản đóng góp…
Còn chị, là một bà mẹ nghèo, đóng góp của chị cho trường là bóng mát của cây xanh. Thiết nghĩ việc làm của chị, đó chẳng phải là một bài học về trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người hay sao?