15/01/2025

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Mới thông xe đã lún nứt

Sau hai ngày thông xe, mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai xuất hiện vết nứt hình vòng cung kéo từ làn dừng xe khẩn cấp sang cả hai làn xe hướng Lào Cai về Hà Nội ở km83.

  

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Mới thông xe đã lún nứt

Sau hai ngày thông xe, mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai xuất hiện vết nứt hình vòng cung kéo từ làn dừng xe khẩn cấp sang cả hai làn xe hướng Lào Cai về Hà Nội ở km83.  

Khu vực xuất hiện vết nứt thuộc đoạn đường theo dõi lún - Ảnh: VEC cung cấp
Khu vực xuất hiện vết nứt thuộc đoạn đường theo dõi lún – Ảnh: VEC cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giải thích sự việc này, ngày 24-9 Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – chủ đầu tư đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) cho biết vị trí xuất hiện vết rạn nứt chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu ​(thuộc địa phận xã Phùng Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

VEC đã tiên lượng trước và cho lắp dựng biển theo dõi đất yếu, lún. VEC khẳng định tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 245km đi qua nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, hiện còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu, lún trong quá trình khai thác.

Đang xác định nguyên nhân

Theo VEC, vị trí xuất hiện vết rạn nứt hình vòng cung thuộc gói thầu A4, do nhà thầu Keangnam trúng thầu, việc thi công được tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ. VEC sơ bộ đánh giá xung quanh hiện trường là ruộng thường xuyên ngập nước và có khả năng do những túi bùn bất thường xen kẹp trong khu vực này.

VEC còn nhận định mưa lớn do bão số 2 và 3 vừa qua làm tốc độ lún nhanh hơn dự kiến, có thể đây cũng là nguyên nhân sinh ra vết nứt. VEC đang tổ chức khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định chính xác nguyên nhân.

Theo ông Ngô Lâm – phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), dù đã đi vào vận hành nhưng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vẫn chưa được Hội đồng nghiệm thu nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nghiệm thu.

“Chúng tôi chỉ mới có văn bản chấp thuận đồng ý cho phép thông xe tuyến đường chứ chưa nghiệm thu công trình này. Tới đây sau khi có những đánh giá đầy đủ mới có thể tiến hành nghiệm thu được” – ông Lâm nói.

Ông Lâm cho biết ngay trong ngày 24-9, khi có thông tin về sự cố nứt trên tuyến đường, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cử ngay một đoàn công tác đến hiện trường để tìm hiểu, đánh giá sự cố.

“Trước mắt đoàn sẽ xem xét mức độ vết nứt để có những đánh giá ban đầu, sau đó sẽ xem xét hồ sơ thi công đoạn đường xảy ra sự cố” – ông Lâm thông tin.

Liên quan tới vụ việc, ngày 24-9, bộ trưởng Bộ GTVT có công điện hỏa tốc gửi VEC yêu cầu khẩn trương xử lý sự cố, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin đoạn đường đang chờ xử lý kỹ thuật để các cơ quan báo chí biết.

Trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai dài 100km hoàn toàn không có dải phân cách cứng -  Ảnh: T.Phùng
Trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai dài 100km hoàn toàn không có dải phân cách cứng – Ảnh: T.Phùng

Có an toàn khi đường không có dải phân cách?

Trước những băn khoăn về việc đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai không có dải phân cách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai thiết kế hai làn xe, hai làn dừng xe khẩn cấp (làn phụ trợ). Mỗi làn xe rộng 3,5m, làn phụ trợ rộng 2,5m. Giữa hai chiều xe chạy được phân chia bằng vạch sơn kẻ liền.

Trên hơn 100km đường hai làn xe thì cứ 2,5km có bố trí các điểm vượt xe bằng sơn nét đứt so le nhau, trung bình 8-10km có bố trí điểm vượt xe có bốn làn xe với chiều dài 1km để các xe vượt nhau.

Ông Đông nói: “Ở Nhật Bản có nhiều tuyến cao tốc hai làn, không có phân cách cứng ở giữa mà dùng vạch sơn để tách chiều xe chạy. Nhưng phải khẳng định là tài xế ở Nhật Bản tuân thủ quy định về tránh vượt và tốc độ hơn tài xế ở Việt Nam nên vẫn an toàn.

Hôm trước đi trên tuyến, tôi có nhắc VEC với những đoạn xung yếu thì cần theo dõi, một số đoạn đường cong khuất tầm nhìn cần cắm các cọc tiêu mềm ở giữa như ở hầm đường bộ Hải Vân. Còn tốc độ tối đa chỉ nên 80km/giờ, giống như tốc độ tối đa trên các quốc lộ thông thường có hai làn xe hiện nay.

Nếu tài xế tuân thủ thì đảm bảo an toàn”.

Xe tải muốn vào đường cao tốc từ cầu vượt quốc lộ 37

Trong tối 22 và sáng sớm 23-9, chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại báo tin có nhiều xe tải không được vào đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại đường công vụ gần vị trí cầu vượt quốc lộ 37 (thuộc km121+433 đường cao tốc) đoạn qua cầu Ngòi Lâu, xã Âu Lâu, TP Yên Bái.

Nếu muốn đi vào đường cao tốc từ vị trí này, tài xế phải chịu 300.000 đồng tiền thu phí, tương đương với mức phí thấp nhất nếu đi toàn tuyến 245km.

Theo giám đốc Sở GTVT Yên Bái Đỗ Văn Dự, do dự án đường tránh ngập TP Yên Bái nối TP Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thi công chưa xong, vì vậy ngày 22-9 chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có công văn đề nghị Bộ GTVT cho phép tạm thời được sử dụng đường công vụ (phục vụ thi công đường cao tốc) làm lối lên xuống đường cao tốc tại vị trí cầu vượt quốc lộ 37 nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Trung tâm quản lý khai thác đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết trong khi chờ cấp thẩm quyền giải quyết kiến nghị của tỉnh Yên Bái, đơn vị này bố trí nhân viên trực ở đường công vụ ngăn không cho các phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn trên đường cao tốc cũng như chống thất thu.

Tuy nhiên do nhu cầu giao thông lớn, các tài xế vẫn cố tình lên đường cao tốc từ điểm này nên nhân viên trực không thể ngăn cản.

Nhân viên của VEC đành phải thông báo cho các phương tiện rõ nếu cố tình đi vào cao tốc từ đường công vụ mà không có thẻ vào đường cao tốc thì khi đi ra tại các trạm thu phí của tuyến đường sẽ bị thu cước phí tương ứng với chặng dài nhất (xe con là 300.000 đồng, tương ứng với toàn tuyến 245km).

T.PHÙNG – MỸ SINH