Để có “trái tim khoẻ”
“Dự báo đến năm 2017 sẽ có 20% dân số nước ta mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hoá” – PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, tổng thư ký Hội Tim mạch học VN, cho biết như vậy.
Để có “trái tim khoẻ”
“Dự báo đến năm 2017 sẽ có 20% dân số nước ta mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hoá” – PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, tổng thư ký Hội Tim mạch học VN, cho biết như vậy.
Tập thể dục đều đặn rất tốt cho sức khỏe tim mạch – Ảnh: T.T.D. |
Lối sống “ăn ngủ” với máy tính và cuộc sống đô thị khiến nhiều người lười vận động hoặc ít có cơ hội làm việc chân tay khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn ngày xưa |
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng |
Ông nói:
– Các bệnh về tim mạch này đang trở thành “kẻ giết người thầm lặng” không thua kém bệnh ung thư. Điều đáng lo là tại VN xu hướng bệnh về tim mạch lại tăng một cách đáng sợ trong khi ở các nước phát triển có xu hướng được kiềm chế và đang đi xuống.
* Có phải vì lo ngại này mà Hội nghị tim mạch học toàn quốc lần thứ 14 (diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 11 đến 14-10) đã phát đi cảnh báo: “Các loại bệnh về tim mạch đang là một gánh nặng lớn cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu”?
– Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm trên thế giới có hơn 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Tại nước ta, hiện nay bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của chúng tôi, năm 1980 tỉ lệ tăng huyết áp là 11% ở độ tuổi từ 50-60 nhưng đến năm 2009 tỉ lệ này lên tới 25,1% và độ tuổi mắc bệnh từ 25 tuổi trở lên.
Dự báo đến năm 2017 sẽ có 20% dân số nước ta mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Trong đó ba bệnh lý gây chết người hàng đầu là nhồi máu cơ tim, động mạch vành và tai biến mạch máu não.
Thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Hội nghị lần này nhằm tuyên truyền để người dân có kiến thức, hiểu biết phòng chống bệnh lý này.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – tổng thư ký Hội Tim mạch học VN – Ảnh: Trường Trung |
* Nguyên nhân nào khiến “kẻ giết người thầm lặng” trở nên đáng sợ và tăng nhanh ở nước ta?
– Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do đời sống vật chất của xã hội ta ngày càng được nâng cao nhưng nhận thức và lối sống không thay đổi kịp. Đây là “bệnh nước giàu” mà rất nhiều nước phát triển gặp phải.
Tuy nhiên hiện nay ở các nước này xu hướng bệnh đang đi xuống thì nước ta lại tăng chóng mặt. Nhiều người không biết cách ăn uống và sống lành mạnh khiến bệnh ngày càng trẻ hóa.
Cách ăn của người Việt hiện đang theo xu hướng ăn nhiều chất béo, đường, ngọt, thức ăn nhanh nên ngày càng có nhiều người bị béo phì và thừa cân. Việc này khiến cơ thể rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là tăng mức cholesterol trong máu) mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành.
Trong nhiều trường hợp, béo phì và thừa cân còn có các bệnh tật liên đới khác, phần lớn là bệnh tim mạch. Ngoài ra, hiện nay chúng ta có quá nhiều người trẻ nghiện thuốc lá và uống nhiều bia rượu. Đó là tác nhân gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…
Việc hút thuốc lá và uống nhiều bia rượu đặc biệt có hại với người tăng huyết áp vì làm tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến.
* Vậy theo ông, nên làm thế nào để có “trái tim khỏe”?
– Bệnh lý về tim mạch được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm trong cơ thể, có tới 90% người đi đo huyết áp mới biết mình bị cao huyết áp. Do vậy, phải luôn chủ động phòng tránh bệnh.
Việc đầu tiên là thay đổi cách ăn uống. Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm nhưng ăn ít hoặc hạn chế các chất béo bão hòa, mỡ và da, nội tạng động vật và lòng đỏ trứng gà (nên chọn thực phẩm như mỡ cá). Ăn nhiều rau quả, hạn chế ăn mặn và ưu tiên dùng các sản phẩm như cá, đậu nành 2 lần/tuần để cung cấp lượng đạm đủ cho cơ thể.
Bên cạnh đó, nên chọn cho mình lối sống lành mạnh như hạn chế uống bia rượu, tăng cường vận động và tuyệt đối không hút thuốc lá. Việc hoạt động và tập luyện thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng mỡ máu và huyết áp. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm các động mạch linh hoạt hơn. Việc tập thể dục với cường độ vừa phải, đều đặn rất hữu ích cho sức khỏe.
Ngoài ra, mỗi người phải chủ động tìm cách giảm stress vì đây không chỉ là yếu tố đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống của mỗi chúng ta. Với những người lớn tuổi nên đi thăm khám theo chỉ định của bác sĩ và thường xuyên đo huyết áp khi có cơ hội.
Với những người trẻ tuổi nên thăm khám tổng quát ở độ tuổi 20, nếu phát hiện rối loạn phải theo dõi thường xuyên, trong trường hợp không phát hiện bất thường nên khám định kỳ về tim mạch 3 năm/lần.