12/01/2025

Có một cách giáo dục giản đơn, hiệu quả

Nhìn từ các nước trong khu vực, có thể thấy nhiều bài học, cách giáo dục hiệu quả xuất phát từ những điều thật đơn giản.

 

Có một cách giáo dục giản đơn, hiệu quả

Nhìn từ các nước trong khu vực, có thể thấy nhiều bài học, cách giáo dục hiệu quả xuất phát từ những điều thật đơn giản.  

 

Có một cách giáo dục giản đơn, hiệu quả
Học sinh Hàn Quốc tham quan Bảo tàng Quỹ lịch sử Đông Bắc Á (Seoul) – Ảnh: N.K.H

 

Chuyện từ cái tăm đến ý thức tiết kiệm

Tôi có người bạn thường xuyên dùng tăm ở nhà cũng như quán ăn. Có bữa vừa đến quán, không thấy tăm anh liền kêu chủ quán “cho một đĩa tăm”. Đến quán ăn tôi cũng thường thấy mọi người xỉa răng. Ăn xong một bữa trong các quán ăn, có ông xỉa tới cả chục cái tăm tre.

Hôm rồi qua Hàn Quốc, ăn sáng, thấy không có tăm anh bạn nói người phiên dịch xin cái tăm. Cô phiên dịch bảo ở đây không dùng tăm trong lúc ăn, hết bữa bác ra ngoài quầy lấy, tăm để ngay trước cửa ra vào, trên bàn cô nhân viên trực soát người dùng bữa. Tôi hỏi tại sao họ không để tăm trên bàn, cô phiên dịch bảo ở Hàn Quốc, người ta thường dùng thức ăn thừa để nuôi súc vật, người ta không dùng tăm trong bữa ăn sợ thực khách bỏ tăm dùng rồi vào thức ăn có thể làm thủng ruột súc vật nuôi.

Chúng tôi ăn trưa tại một trường trung học. Ở đây không có người phục vụ học sinh. Thức ăn được đưa đến, học sinh trực lớp đứng ở gần các khay, nồi đựng thức ăn, các học sinh còn lại xếp thành hàng, mỗi người cầm một cái khay đựng thức ăn, đến lượt ai người ấy tự lấy cơm và thức ăn rồi vào chỗ ngồi của mình. Ăn xong học sinh tự dọn dẹp, thức ăn thừa để riêng, khay giấy để riêng, đũa muỗng cho vào chậu nhưng khay thì phải tự rửa. Học sinh trực lớp xem chừng các bạn có rửa sạch không.

Chúng tôi vào nhà ăn giáo viên. Mọi người đều xếp hàng, kể cả hiệu trưởng. Mọi người lấy thức ăn cho vào khay, mỗi khay có một bát canh. Ăn xong, giáo viên tự mang khay đến chỗ đổ thức ăn thừa và đưa các vật dụng dùng rồi vào đúng vị trí: khay, tô nhỏ đựng canh, muỗng và đũa – mỗi thứ đều đặt ở một thùng riêng. 

Tính hiệu quả trong công việc đến cách dạy môn sử

Hằng ngày, chúng tôi phải di chuyển có khi đến gần trăm ki lô mét để đến các nơi làm việc. Sáng 8 giờ 30 lên xe, đến nơi làm việc, di chuyển khoảng trên một giờ đồng hồ, họp mặt khoảng hơn 1 tiếng, bàn những vấn đề cụ thể để có thể ký kết được. Bao giờ bạn cũng hỏi dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc công việc nếu được ký kết và hiệu quả mà nó mang lại.

Đến thăm một địa điểm trưng bày lịch sử đảo thuộc Quỹ lịch sử Đông Bắc Á (Northeast Asia History Found), ông chủ tịch quỹ là một giảng viên đại học ngành lịch sử, ông có một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi tọa đàm, có một câu hỏi của các bạn là: “Nghe nói ở VN học sinh không thích học sử phải không?”. Sau khi gặp mặt, chúng tôi sang nhà trưng bày đảo Dokdo và thấy những học sinh tiểu học đang tham quan khu vực này. Các bạn nói rằng học sinh đến đây để trải nghiệm. Học sinh vây quanh cô giáo, cô giới thiệu và đặt câu hỏi.

Sáng 9.10, chúng tôi đến dự lễ kỷ niệm 568 năm ngày đất nước Hàn Quốc có chữ riêng của mình – tiếng Hàn – quốc ngữ Hangeun. Trái với không khí lễ hội bên ngoài, trong Bảo tàng Hangeun là một không khí trang nghiêm. Ở bảo tàng này, tôi cũng lại thấy rất nhiều trẻ em Hàn Quốc đến tham quan. Các em đứng trước một khu vực có chụp ảnh và gửi thư cho nhà vua Sejong. Các em chăm chú viết thư (bằng máy tính), nhiều thư cảm ơn nhà vua đã ban hành chữ quốc ngữ Hangeun để có đất nước thịnh vượng như hôm nay.

Nếu chúng ta cũng dạy học môn sử như thế này chắc tình trạng học sinh chán sử không nhiều như hiện nay.

 

Nguyễn Kim Hồng  
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) (Từ Hàn Quốc)