28/11/2024

‘Nếu không có sách dịch thì lấy đâu sách mà đọc!’

“Dịch là một sự nản chí vì tuy là công việc sáng tạo mà được trả thù lao không nhiều. Đã thế lại còn dễ trở thành đề tài mạt sát cho người khác” – GS Lê Huy Bắc

 

‘Nếu không có sách dịch thì lấy đâu sách mà đọc!’

“Dịch giả Lê Huy Bắc nói dịch như là sự nản chí, nhưng tôi thấy anh Bắc cũng còn nhiệt huyết lắm khi nói đến việc dịch”, GS-TS Trần Đình Sử nói. Theo các nhà nghiên cứu, nản chí đấy mà không thể bỏ dịch, rất cần hỗ trợ chính sách là hiện trạng chung của văn học dịch nước ta.

'Nếu không có sách dịch thì lấy đâu sách mà đọc!' 1 

Tránh cả mông lẫn ngực để đỡ phiền toái

Ngay cả dịch giả từng đoạt giải thưởng dịch văn học ở Pháp – GS Noel Dutrait – cũng bị “có tí ý kiến” tại hội thảo quốc tế về dịch thuật diễn ra trong hai ngày 27-28.10 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Ý kiến lại rơi đúng vào tác phẩm ông tâm đắc - Phong nhũ phì đồn của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. “Tôi nghĩ nếu dịch như GS Dutrait là Mông đẹp ngực đẹp thì chưa hẳn là đúng tinh thần. Vì “phong nhũ phì đồn” nghĩa là vú to mông nảy, ý là vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Nó không chắc là đã đẹp”, một dịch giả Việt lên tiếng. Ở VN, tác phẩm này có tên dịch là Báu vật của đời, tránh cả mông lẫn ngực để đỡ phiền toái.

Vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á của Pháp này sau đó cũng thừa nhận, có những tinh thần của bản gốc thật khó chuyển tải qua ngôn ngữ khác do có những độ chênh giữa các môi trường văn hóa. Một bản dịch tốt, theo ông Dutrait, cần rất nhiều yếu tố. Song yếu tố tiên quyết là phải làm chủ được cả ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ đích (gốc). Một yếu tố khác là hiểu rõ môi trường văn hóa trong tác phẩm của mình. Với ông, khi dịch 2 tác giả đoạt Nobel văn học Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, việc tìm hiểu thông tin văn hóa này còn khả thi. Đặc biệt, việc Cao Hành Kiện lại có vốn tiếng Pháp rất giỏi cũng giúp công việc của ông trôi chảy hơn.

Tuy nhiên, tại VN, các dịch giả không có nhiều may mắn như ông. Thậm chí dịch giả Phạm Xuân Nguyên còn cho biết: “Tôi dịch tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh đều do tự học. Các thứ tiếng này tôi dịch được nhưng không nói được. Tôi cũng dịch khi còn chưa đặt chân sang các nước đó. Phải rất lâu sau khi dịch tiếng Nga, xuất bản sách, tôi mới được đến nước Nga. Tôi sang Pháp dự hội thảo, viết báo cáo xong mà đọc thì ai cũng nghi liệu tôi có biết tiếng Pháp không”.

Không chỉ mình ông Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Đặng Anh Đào cũng tự nhận mình học tiếng Pháp qua các bài hát của chị, qua những cuốn sách của cha. Dịch với họ là sự vượt khó vì yêu thích. Họ không từng được tiếp xúc với một lý thuyết dịch nào trước khi dịch cả. Chưa kể, có những thời gian dài, việc dịch văn học còn phải thực hiện thông qua một ngôn ngữ trung gian.

Thực trạng dễ thấy ở ta là tính không chuyên nghiệp trong đội ngũ dịch thuật rất lớn. “Dường như khái niệm dịch cho vui là khẩu hiệu của rất nhiều người làm công tác biên dịch hiện nay, và sẽ chẳng có gì bảo đảm họ sẽ theo đuổi nó suốt đời”, GS Lê Huy Bắc nói.

 

'Nếu không có sách dịch thì lấy đâu sách mà đọc!' 2
Sách Giải mã mê cung phát hành tại Mỹ năm 2009, chuyển thể thành phim công chiếu tháng 9 vừa qua, thì ở VN sách dịch đã có từ cuối năm 2013  – Ảnh: T.L

 

Cũng theo ông Bắc, dịch là một sự nản chí vì tuy là công việc sáng tạo mà được trả thù lao không nhiều. Đã thế lại còn dễ trở thành đề tài mạt sát cho người khác. “Người tử tế thì luôn góp ý nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, không lên giọng ta đây. Do vậy, góp ý dịch thì nên dựa trên nguyên tắc chê thiện chí để người sai sửa chữa mới hợp lẽ”, GS Bắc nói. 

Cần một chiến lược dịch thuật

Tuy nhiên, bất chấp nhiều khó khăn, giờ đây theo GS Trần Ngọc Vương chúng ta đã có một thị trường rất nhiều sách dịch. “Nếu chúng ta không có sách dịch thì lấy sách đâu mà đọc! Sách trong nước không đủ đáp ứng”, ông nói.

 

 
 

Dịch là một sự nản chí vì tuy là công việc sáng tạo mà được trả thù lao không nhiều. Đã thế lại còn dễ trở thành đề tài mạt sát cho người khác

 

 GS Lê Huy Bắc

 

 

Trên thực tế, sách dịch của các nhà sách giờ đã thoát khỏi việc dịch chỉ những tác phẩm kinh điển “cao tuổi”. Những tác phẩm dịch giờ đây đa dạng hơn, bắt “thời sự” cũng nhanh hơn. Cùng với sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc trên truyền hình, hàng loạt tác phẩm nước này cũng được dịch và xuất bản. Nhiều phim được chuyển thể thì trước đó sách đã được in tại VN.

Chẳng hạn, sách Giải mã mê cung phát hành tại Mỹ năm 2009, chuyển thể thành phim The Maze Runner công chiếu tháng 9 vừa qua, thì ở VN sách dịch đã có từ cuối năm 2013. Tác phẩm Người truyền ký ức được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên ra rạp vào tháng 10 năm nay, thì bản dịch đã có ở VN năm 2008, lần đầu xuất bản tại Mỹ năm 1993. Khi 50 sắc thái chuẩn bị ra rạp thì trước đó cuốn sách ăn khách này cũng đã xuất hiện trên thị trường sách dịch nước ta.

Mặc dù nhanh, nhạy như vậy, thị trường sách dịch vẫn rất cần các dự án lớn, sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể. Chúng sẽ đưa đến những tác phẩm kinh điển, khó dịch – điều mà giờ đây mới chỉ trông vào xuất bản tư nhân, cá nhân dịch giả. Chúng ta cũng không quên cú hích từ văn học Pháp trên tạp chí Nam Phong xưa. Theo PGS-TS Đào Duy Hiệp, chính những tư tưởng lớn chuyển qua đó đã thúc đẩy cả văn xuôi, thơ và kịch trong nước phát triển. “Cái chúng ta cần nhất bây giờ là một chiến lược dịch thuật”, GS Trần Ngọc Vương nói.

Một dự án dịch văn học thiểu số, theo ThS Lưu Thị Thanh Lê, cũng là cách để giữ gìn đa dạng văn hóa. Hiện chỉ có các tác phẩm văn học cổ được dịch, còn văn học đương đại của người thiểu số gần như không còn. Các nhà văn người dân tộc thiểu số đã tự “dịch” luôn tác phẩm của mình ra tiếng Việt.

Một dự án khác cũng đáng thèm muốn, được PGS-TS Pierr Kaser (Pháp) giới thiệu là Văn học Viễn Đông. Dự án này thu thập, thống kê, sưu tầm toàn bộ các tác phẩm văn học châu Á đã được dịch sang tiếng Pháp để đưa vào số hóa. Điều này sẽ giúp việc nghiên cứu, tra cứu thuận lợi hơn rất nhiều.

Về việc sưu tập tư liệu này, theo ông Phạm Xuân Nguyên, chúng ta phải tự cứu trước khi trời cứu. “Hiện nay có những tổ chức, những bạn yêu thích sách xưa đi sưu tầm sách cổ sách xưa. Giới nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu thời kỳ đầu của văn học VN trong quá trình hiện đại hóa và đi vào phiên dịch học, không thể không nhờ cậy đến những người sưu tập sách cũ”, ông Nguyên nói.

 

Trinh Nguyễn