15/01/2025

Di tích nào cũng đầy vật lạ

Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết qua thanh tra trong thời gian gần đây, thấy đa số di tích có danh hiệu đều đầy hiện vật lạ.

 

Di tích nào cũng đầy vật lạ

Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết qua thanh tra trong thời gian gần đây, thấy đa số di tích có danh hiệu đều đầy hiện vật lạ.

Đưa Lã Bố vào đền Gióng !


Đèn đá, sư tử đá được đưa vào đền Đức Thánh Nguyễn, Ninh Bình – Ảnh: Trang Nguyễn 

Những đợt thanh tra hiện vật trong các di tích gần đây, Bộ VH-TT-DL chọn điểm đến là các di tích đã có danh hiệu. Danh hiệu có thể không giống nhau nhưng hiện trạng thì có một điểm chung đáng sợ. “Hầu hết di tích chúng tôi đến đều có hiện vật lạ”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói. Những hiện vật này, theo ông Phúc, cũng khá đa dạng. Chúng gồm đèn đá, linh vật đá, các bình lọ cỡ lớn, hoành phi câu đối mới… Có di tích người dân cung tiến thêm tới 16 cái lọ độc bình. Tất nhiên, chúng đều không được xin phép khi đưa vào. Có nghĩa đưa vào là vi phạm luật Di sản.

“Mỗi một di tích khi được xếp hạng đều có hồ sơ xếp hạng di tích. Hồ sơ đó ghi rõ trong di tích thờ ai, đồ thờ tự xếp như thế nào. Nhưng hiện trạng di tích khi thanh tra tôi thấy vô cùng rối rắm vì có thêm hàng trăm thứ vào đấy. Đó là do một thời gian dài chúng ta buông lỏng”, ông Phúc nói.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN, đưa ý kiến: “Đúng là đưa bừa đồ lạ vào di tích thì nhiều lắm. Có cái ảnh hưởng nhè nhẹ như bộ tam sự, đèn nến. Có cái thì nguy hiểm như tượng Quan Âm bạch y, tượng sư tử… Những thứ này đưa vào bừa bãi làm chật chội, sai lạc hết cả phật điện, tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc”.

 

 
 

Đưa bừa đồ lạ vào di tích thì nhiều lắm. Có cái ảnh hưởng nhè nhẹ như bộ tam sự, đèn nến. Có cái thì nguy hiểm như tượng Quan Âm bạch y, tượng sư tử… Những thứ này đưa vào bừa bãi làm chật chội, sai lạc hết cả phật điện, tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc

 

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN

 

 

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng về góc độ mỹ thuật, cả không gian di tích như một văn bản, một câu chuyện. Bị thêm hiện vật bừa bãi giống như đang yên đang lành bị chèn thêm những đoạn văn mới vào và tạo thành một ngữ nghĩa khác.

Ông Thế lấy ví dụ ở hậu cung đền Gióng (Hà Nội) hiện có rất nhiều đồ sứ. Trong đó có chiếc bình mô tả tích truyện thời Tam quốc là “tam anh chiến Lã Bố”, tức là Quan Vân Trường, Lưu Bị, Trương Phi đánh nhau với Lã Bố. Nó chẳng có liên quan gì đến Thánh Gióng cả. Và như thế là nhiễu loạn thông tin. “Chẳng hạn một người nước ngoài không hình dung lắm về lịch sử VN, thì người ta cũng không hình dung rõ lắm đó là tả về một tích truyện của người Việt hay của người khác. Cái đó là nhiễu loạn văn bản. Dạng “nhiễu loạn bình sứ” này khá phổ biến hiện nay. Mọi người thấy đơn giản nhưng có thể gây hiểu lầm văn hóa sau này”, ông Thế nói.

Cần lập “đường dây nóng”

Với tình trạng lộn xộn này, hoàn toàn không thể phó mặc mọi chuyện cho thanh tra văn hóa bởi số lượng di tích quá lớn, nhân lực thanh tra lại có hạn. “Chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra, đứng mũi chịu sào. Nhưng tôi có đi cả 365 ngày cũng không thể kịp tất cả các di tích được”, ông Phúc nói. Những người có liên quan trực tiếp, theo ông Phúc, chính là thủ nhang, thủ đền và cả những người tiến cúng thường là các doanh nghiệp làm ăn lớn, người có chức sắc, quyền lực.

 

 
“Cá lạ” được đưa vào đền Trần – Ảnh: Trang Nguyễn

 

Về giải pháp, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh: “Tiếp nhận công đức cũng phải có đề án. Như đây là nơi công đức các vua Trần thì phải có đề án. Ai công đức cái gì thì dựa vào đề án mà làm”.

Trong thời gian chưa có đề án cụ thể, theo PGS-TS Tín, cần thiết lập “đường dây nóng” để địa phương hỏi được trung ương, phòng văn hóa không biết thì hỏi sở, sở không biết hỏi bộ. Tất nhiên, việc làm đủ thủ tục cũng vẫn cần được bảo đảm. Theo đó, đưa bất cứ hiện vật nào vào di tích đều phải có ý kiến của cấp quản lý liên quan.

Một việc cần làm song song, theo ông Tín: “Người tu hành cần hiểu biết về mỹ thuật cổ và pháp luật nữa. Cái đó cũng nên đặt ra. Ngành văn hóa cũng nên phối hợp với bên Phật giáo để phổ biến kiến thức mỹ thuật, pháp luật. Việc tuyên truyền cũng nên cố gắng dễ hiểu, chứ không cần giáo lý cao siêu làm gì”. 

 

Phạt từ 40 – 50 triệu đồng

 

Theo ông Phạm Xuân Phúc, thời gian tới thanh tra sẽ quyết tâm xử phạt. “Đưa vật lạ vào như thế là vi phạm pháp luật. Xử lý hành vi này phải phạt từ khoảng 40 – 50 triệu, chứ không thể để vậy được. Không thể chỉ là vận động văn hóa thuần túy bình thường được”, ông Phúc nói.

 

 

Trinh Nguyễn