Chúa nhật XXVIII TN A: Xứng đáng dự tiệc Nước Trời
Chúng ta hãy nhìn lại y phục thiêng liêng khi tham dự bữa tiệc Nước Trời để mang lấy những tâm tình của Đức Giêsu Kitô, nhất là khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể.
Chúa nhật XXVIII TN A
Xứng đáng dự tiệc Nước Trời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về bữa tiệc Nước Trời mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho người Do Thái, qua bài đọc I (x. Is 25,6-10); cũng như cho tất cả chúng ta qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng (x. Mt 22,1-14).
Chúng ta sẽ tìm hiểu xem bữa tiệc Nước Trời là gì? Để xứng đáng tham dự bữa tiệc ấy, chúng ta cần có điều kiện nào?
1. Những bữa tiệc đời
1.1. Bữa tiệc của người đời
Trong cuộc đời, chúng ta đã dự nhiều bữa tiệc. Có những bữa tiệc chúng ta cảm thấy hãnh diện, thích thú và nhớ mãi. Nhưng có những bữa tiệc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản và nhiều khi còn sợ được mời. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng mục đích cơ bản của bữa tiệc không phải là chú ý đến đồ ăn, thức uống nhưng là sự thông hiệp, chia sẻ cho nhau. Nhân dịp một lễ cưới, người ta chia sẻ niềm vui; nhân dịp sinh nhật, người ta chia sẻ kỷ niệm trong cuộc đời mình; hoặc sau một tang lễ, người ta tổ chức bữa tiệc cám ơn vì đã chia sẻ nỗi buồn với nhau.
Chúng ta chỉ ngại ngùng bởi vì khi được mời tham dự, chúng ta không biết mình sẽ chia sẻ cái gì, thông hiệp cái gì. Nếu là người thân của người tổ chức bữa tiệc thì chúng ta còn có lý do, nhưng nhiều khi chúng ta chỉ là bạn của người bạn được mời, nếu ta ngại ngùng không biết có nên đi không, không đi thì dường như coi thường người khác; còn đi thì phải đóng góp cái gì, bao nhiêu, chọn món quà nào cho xứng đáng… Có người còn nghĩ là người tổ chức bữa tiệc muốn làm tiền vì chỉ quen sơ sơ thôi mà cũng gửi thiệp! Đó là bữa tiệc của người đời.
1.2. Bữa tiệc của Thiên Chúa
Trong bữa tiệc của Thiên Chúa, Chúa giàu sang vô cùng, quyền phép vô biên nên Ngài không đòi chúng ta đóng góp gì cả, vì thế chúng ta đừng ngại ngùng để tham dự bữa tiệc của Chúa. Tiên tri Isaia dạy cho dân Do Thái rằng: “Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc trên núi Sion: không phải chỉ có rượu ngon, thịt béo mà Chúa sẽ cất tấm khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên họ nữa. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần và lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, cho họ cảm nghiệm được ơn cứu độ của Người để họ được vui mừng và tràn đầy hy vọng” (x. Is 25, 6-10). Ai trong chúng ta cũng lo sợ cái chết, cũng cảm thấy mình yếu đuối, bất hạnh nên Chúa mời chúng ta tham dự vào bữa tiệc của Ngài để chia sẻ những ân phúc lớn lao ấy. Chúng ta có đến không?
Trong thực tế, không phải người nào cũng muốn tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, trong dụ ngôn Tin Mừng, đã cho chúng ta thấy những thái độ của khách được mời, đặc biệt là những thượng tế và kỳ mục Do Thái là những người có địa vị và giàu có. Chúa mời gọi họ, nhưng họ không đáp lại lời mời, họ bận buôn bán, thăm nông trại, đi làm việc riêng của mình… Họ nghĩ rằng tiền bạc, tài sản, nông trại kia quý giá hơn sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc kỳ diệu Chúa ban. Họ không đếm xỉa gì đến lời mời của Thiên Chúa, dù đó là lời mời hết sức cao cả và vinh dự lớn lao vì Chúa dọn tiệc cho người Con của Ngài – tiệc cưới cho hoàng tử. Hơn nữa, chính các người được mời còn xúc phạm đến đầy tớ của Thiên Chúa là những vị tiên tri Chúa gửi đến kêu mời họ: người thì họ nhục mạ, người thì họ giết chết; thậm chí họ giết chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa như ta tìm hiểu trong Chủ Nhật tuần trước về dụ ngôn Vườn nho. Chúng ta không lạ lùng gì khi nghe Đức Giêsu nói vị vua đã nổi giận sai quân đi tru diệt bọn sát nhân đó.
1.3. Bữa tiệc Nước Trời
Câu chuyện dụ ngôn này có thể áp dụng vào chúng ta không? Khi chúng ta lo việc riêng tư của mình mà quên mất lời mời của Thiên Chúa trong bữa tiệc Nước Trời. Đó là bữa tiệc mà Thiên Chúa kêu mời chúng ta tham dự vì Ngài đã sai Con của Ngài xuống mời gọi chúng ta. Con của Ngài đã hy sinh để lập nên bàn tiệc để qua đó Ngài chia sẻ chính Mình và Máu Thánh của Người, Ngài chia sẻ Lời Chúa với quyền năng để giúp chúng ta có sức mạnh để chiến đấu; giúp chúng ta sống cách tốt đẹp, thánh thiện, hào hùng, xứng đáng là con cáicủa Thiên Chúa. Từ đó chúng ta hình thành một nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình cho mọi người, mọi vật quanh ta. Nhưng, hình như chúng ta ít quan tâm đến bữa tiệc đó.
Chúng ta hãy nhìn vào bữa tiệc là thánh lễ cụ thể mà chúng ta dâng tại đây: nhiều khi chúng ta đến vì thói quen chứ không có tâm tình thiết tha, hãnh diện, vui mừng. Chúng ta chỉ đến dự mà chưa mang tâm tình hiệp thông, chia sẻ. Nếu có thì chúng ta cũng chưa biết chia sẻ gì và hiệp thông như thế nào. Nếu nghĩ đến những anh chị em ở vùng cao nguyên không có thánh lễ, họ phải đi mấy chục cây số, băng qua rừng, qua núi để đến dự lễ – một năm chỉ có vài ba thánh lễ mà thôi – chúng ta mới thấy họ ao ước như thế nào. Chúng ta chưa hiểu rằng Chúa đang hiện diện ở đây và chia sẻ cho chúng ta những ân phúc hết sức lớn lao qua bữa tiệc này!
2. Làm sao để xứng đáng dự tiệc Nước Trời?
2.1. Tại sao không phát huy được hiệu quả của bàn tiệc Nước Trời?
Hằng năm, vào tháng Bảy, nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của Hoa Kỳ, tổng thống Hoa Kỳ thường mời một số người đến dự tiệc. Khách mời được chọn rất kỹ lưỡng: toàn là những người danh giá, ưu tú, đại biểu của những tầng lớp tri thức, thượng lưu. Ai mà được mời thì hãnh diện lắm và mặc những bộ quần áo sang trọng, đẹp nhất của mình. Khi đến dự tiệc, bộ phận an ninh kiểm soát kỹ lưỡng, khách mời được gắn những huy hiệu và nhận quà lưu niệm của tổng thống. Nhiều người sẵn sàng đóng góp hàng trăm ngàn đô la để được tham dự bữa tiệc đó. Bữa tiệc của Thiên Chúa không đòi chúng ta gì hết mà còn cho chúng ta được chia sẻ những ân phúc lớn lao và được nâng lên địa vị hết sức cao cả là con cái của Ngài. Nhưng nhiều người chưa cảm thấy hãnh diện để tham dự và có nhiều người chúng ta dù đến tham dự bữa tiệc đó nhưng lại không phát huy được sức mạnh kỳ diệu qua bữa tiệc của Người. Tại sao?
Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu kể lại một anh chàng không mặc y phục lễ cưới. Quả thực, sau khi người Do Thái từ chối bữa tiệc của Thiên Chúa, bữa tiệc cứu độ hay Nước Trời đó được mở rộng cho tất cả mọi dân tộc, giống như Nhà vua trong dụ ngôn ra lệnh cho các đầy tớ kêu gọi tất cả mọi người, bất luận tốt xấu, vào tham dự. Vậy chắc chắn khi ra ngã đường gọi người ta vào một cách đột xuất như thế thì người ta ăn mặc lộn xộn, có khi rách rưới, bẩn thỉu. Tuy nhiên, tất cả được mời gọi và được phát y phục lễ cưới là dấu hiệu để mình xứng đáng tham dự bữa tiệc Thiên Chúa. Chúa muốn che tất cả sự tối tăm, tội lỗi, ân đức của ta bằng tấm y phục ân sủng Ngài ban cho ta vì Người Con của Ngài.
2.2. Mặc lấy Đức Kitô
Vậy muốn tham dự bữa tiệc Nước Trời và phát huy năng lực bữa tiệc, chúng ta phải mang y phục nào? Thánh Phaolô đã nói nhiều lần: “Chúng ta hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27; Rm 13,14; Ep 6,11; 1Ts 5,8). Đức Kitô trở thành tấm áo mà chúng ta khoác vào thân thể tầm thường, yếu đuối, tội lỗi của mình để chúng ta xứng đáng ngồi cùng với Thiên Chúa và các thần thánh, chia sẻ bữa tiệc và phát huy những thức ăn kỳ diệu của Thiên Chúa dọn sẵn cho ta. Nhưng làm sao để có y phục xứng đáng? Thánh Phaolô lại diễn tả thêm: “Anh chị em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Phl 2,5). Mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu là có tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, nhẫn nại, tha thứ, hy vọng, yêu thương của Người thì chúng ta mới xứng đáng và phát huy được món ăn kỳ diệu trong bữa tiệc.
Nhiều lúc đến dự tiệc Thánh Thể, chúng ta không mang theo tâm tình đó, có khi chúng ta vẫn giữ hận thù, ghen ghét, giận hờn người này người kia. Chúa nói: “Khi đến dâng của lễ mà nhớ mình còn bực bội với người anh em thì hãy để của lễ lại, trở về làm hoà với người anh em trước” (Mt 5,24). Nhiều khi chúng ta không mang một tâm tình yêu thương nào trong trái tim ta nên không phát huy hiệu quả của thánh lễ. Nếu tôi nhớ đến người bạn bị ung thư và dùng thánh lễ này để chuyển ơn cứu độ, chuyển sức mạnh kỳ diệu của Chúa đến cho người bạn đó, bạn sẽ được nâng đỡ và có khi được chữa lành vì ơn Chúa. Nhưng trong thánh lễ tôi có nhớ đến họ đâu! Trong thánh lễ còn bao nhiêu người nghèo khổ, tật bệnh, yếu đuối cần tôi cứu giúp nhưng tôi lại không nhớ đến họ, tôi chỉ nhớ đến công việc của tôi, nhớ đến cái nhà, cái xe tôi đi… Cuối cùng, thánh lễ không tác động được gì cả. Có lẽ chúng ta phải đổi thái độ dự tiệc như các thánh nhân đã minh chứng, ta mới thấy mỗi thánh lễ là một dịp kỳ diệu, một biến cố phi thường như thế nào trong đời ta.
Kết luận
Hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại y phục thiêng liêng khi tham dự bữa tiệc Nước Trời để mang lấy những tâm tình của Đức Giêsu Kitô, nhất là khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta hy vọng sẽ đón nhận được những ân phúc kỳ diệu của Thiên Chúa để chia sẻ cho nhau và làm cho mọi người được bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ.