Phát hiện sớm polyp để ngừa ung thư
Polyp (u lành) thường có trong đại tràng, dạ dày… từ vài cái đến hàng nghìn cái. Phát hiện sớm polyp chỉ cần nội soi qua đường tự nhiên để cắt bỏ.
Phát hiện sớm polyp để ngừa ung thư
Polyp (u lành) thường có trong đại tràng, dạ dày… từ vài cái đến hàng nghìn cái. Phát hiện sớm polyp chỉ cần nội soi qua đường tự nhiên để cắt bỏ.
Nhưng nếu không điều trị polyp có thể chuyển sang ung thư.
Nội soi đại tràng tầm soát polyp tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – Ảnh: Đặng Lê |
Ông N.V.Q. (50 tuổi, ngụ Long An) thường đau bụng, rối loạn tiêu hóa gần một năm nay. Ông đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) khám và được bác sĩ nội soi chẩn đoán bệnh “đa polyp gia đình” với gần 100 polyp nằm rải rác trong ruột già.
Bệnh “đa polyp gia đình” có nguy cơ chuyển thành ung thư ruột già với tỉ lệ lên đến 95%, do vậy khi phát hiện phải cắt bỏ triệt để toàn bộ các polyp này |
BS Trần Ngọc Lưu Phương |
Nhiều người trong gia đình mắc bệnh
Với phương pháp nội soi ruột già từ đường hậu môn, bác sĩ đã cắt 37 polyp ở ruột già của ông N.V.Q. và ông được xuất viện ngay trong ngày. Những polyp còn lại được bác sĩ hẹn cắt trong những lần tới. Bệnh này có tính chất di truyền nên bác sĩ khuyên các con ông Q. nên nội soi kiểm tra xem có polyp không.
Dù chưa có triệu chứng gì nhưng ba người con ông Q. đều đến bệnh viện nội soi ruột già kiểm tra. Qua nội soi, bác sĩ đã phát hiện một người con trai (22 tuổi) của bệnh nhân có 20 polyp ở ruột già và đã được cắt bỏ.
TS.BS Lê Quang Nhân, Trung tâm huấn luyện nội soi Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh viện này từng tiếp nhận nhiều người trong một gia đình cùng bị bệnh đa polyp gia đình.
Đặc điểm của bệnh này là bệnh nhân có sắc tố nâu ở niêm mạc má, có polyp ở một hoặc nhiều vị trí như dạ dày, ruột non, đại trực tràng.
Trường hợp bệnh nhân có polyp ở cả ba vị trí trên, bác sĩ sẽ cắt polyp ở đại tràng trước vì nơi này thường có tỉ lệ ung thư cao, sau đó mới cắt ở những vị trí còn lại.
BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị nội soi tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết người mắc bệnh này sẽ xuất hiện hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn polyp to nhỏ khác nhau trong ruột già, và có thể kèm theo hàng chục polyp khác ở dạ dày, ruột non.
Thông thường bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các khối polyp to nhỏ khác nhau trong ruột già từ tuổi dậy thì nhưng hiếm khi triệu chứng xuất hiện trước tuổi 33.
Những trường hợp nên nội soi ruột già kiểm tra Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, những trường hợp sau đây nên đi nội soi ruột già kiểm tra: người bị thiếu máu mãn tính, người thường đau bụng vùng rốn, đau bụng dưới tái đi tái lại, người bị thay đổi thói quen đi cầu hằng ngày, người bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng. Ngoài ra, người từ 50 tuổi trở lên dù không có triệu chứng gì và người từ 40 tuổi nhưng có người thân trong gia đình bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng cũng nên đi nội soi ruột già kiểm tra. |
Hơn 2/3 bệnh nhân không có triệu chứng, còn lại thường có biểu hiện dễ bị tiêu chảy, có người bị tiêu chảy xen kẽ táo bón, hoặc đi cầu phân có lẫn máu, một số ít trường hợp đi cầu bình thường nhưng lại biểu hiện đau quặn bụng dọc theo khung ruột già.
Một số trường hợp có biểu hiện giống viêm dạ dày mãn tính với triệu chứng đầy hơi khó tiêu. Khi số lượng polyp trong ruột già quá nhiều, cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột già có các polyp này để tránh nguy cơ chuyển thành ung thư.
Còn nếu số lượng polyp không quá nhiều, khoảng 50 – 60 polyp có thể cắt bỏ triệt để các polyp này qua nội soi ruột già.
90% người bệnh không có triệu chứng
Bệnh polyp dạ dày là các khối u lành tính có kích thước từ 3-4mm cho đến 2-3 cm xuất phát trên bề mặt dạ dày. Polyp dạ dày có thể chỉ 1-2 cái nhưng có trường hợp có đến 5-10 cái hoặc hàng chục cái. Khoảng 1% dân số mắc căn bệnh này.
Qua thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Lưu Phương ghi nhận 95% số bệnh nhân đi khám bệnh và nội soi phát hiện có polyp dạ dày vì các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc đau tức vùng bụng trên rốn. Khi các polyp có kích cỡ lớn sẽ gây chảy máu rỉ rả, gây ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.
Nếu không được phát hiện và cắt bỏ polyp, người bệnh sẽ bị thiếu máu mãn tính với các biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, hoa mắt, xanh xao, sụt cân. Nội soi dạ dày qua miệng là phương pháp duy nhất để chẩn đoán những trường hợp này.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng sinh thiết dạ dày để xem polyp có chuyển sang ung thư hay không. Nguyên nhân gây ra các loại polyp dạ dày là do bệnh nhân bị nhiễm vi trùng Hp, hút thuốc lá, rượu bia, dùng thuốc ức chế tiết acid dạ dày liều cao kéo dài nhiều năm…
Theo BS Phương, bệnh polyp đại tràng phổ biến hơn bệnh polyp dạ dày với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 5-6% dân số. Những yếu tố làm khởi phát bệnh như cơ địa, có thể do di truyền, tuổi cao trên 60, người béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu chất xơ, thiếu calcium, thiếu selenium.
90% người bệnh không có triệu chứng và chỉ 10% có triệu chứng như đau vùng bụng dưới, rối loạn thói quen đi cầu hằng ngày (lúc bón, lúc tiêu chảy) hoặc một số bệnh nhân có triệu chứng như kiết lỵ (cảm giác mót rặn, phân có đàm nhầy, cảm giác đi cầu không hết). Khả năng polyp đại tràng chuyển sang ung thư đại tràng tùy thuộc kích thước polyp và số lượng polyp.
Thống kê cho thấy một người mắc bệnh có ba polyp trở lên thì khả năng chuyển sang ung thư có thể lên đến 15 – 20% và những polyp có kích thước to từ 1cm trở lên, khả năng chuyển sang ung thư cũng đến 10-15%.
Nội soi ruột già qua hậu môn là phương pháp duy nhất để chẩn đoán, đồng thời cũng cần sinh thiết lấy một mẫu nhỏ polyp để nhìn dưới kính hiển vi nhằm chẩn đoán chính xác polyp có chuyển sang ung thư hay không.
Với kỹ thuật cắt niêm mạc qua nội soi, bác sĩ đã cắt được những polyp to ở ruột già đã chuyển sang ung thư giai đoạn sớm với điều kiện polyp không quá to và chưa dính sâu vào thành ruột già. Sau khi cắt thành công qua nội soi, bác sĩ sẽ nội soi ruột già kiểm tra lại trong vòng 3-6 tháng sau đó.
Nếu ổn định, bệnh nhân sẽ được nội soi kiểm tra lại ruột già trong vòng 1-3 năm sau đó. Khi phát hiện có polyp tái phát, bác sĩ sẽ cắt bỏ các polyp tái phát này qua nội soi.
Để phòng tránh polyp ở ruột già, bác sĩ Lưu Phương khuyên không nên hút thuốc lá, rượu bia, tăng cường tập thể dục, tránh béo phì, ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn chất béo và thịt có màu đỏ, bổ sung thêm calcium từ thức ăn và sữa.