27/11/2024

Tìm lại giọng nói, tiếng cười

Tập nói, tô màu, phân biệt màu sắc, xé giấy dán tranh… là chuyện của những đứa trẻ lên 2, lên 3 khi bắt đầu tiếp xúc với thế giới rộng lớn.

 

Tìm lại giọng nói, tiếng cười

 

Tập nói, tô màu, phân biệt màu sắc, xé giấy dán tranh… là chuyện của những đứa trẻ lên 2, lên 3 khi bắt đầu tiếp xúc với thế giới rộng lớn. 

 


 

 

Quang cảnh lớp học vẽ tại bệnh viện 

Những chuyện tưởng chừng như đơn giản này là niềm vui, bài học tìm lại giọng nói sau thời gian dài nằm trên giường bệnh vì tai nạn giao thông, đột quỵ, tai biến của bệnh nhân đã 50, 60 tuổi.

Chị Vũ Thị Thanh Thúy hát những ca khúc về Trường Sơn cho mọi người trong lớp học vẽ nghe để tạo không khí vui vẻ trong lớp 

8g30 sáng thứ 6 hằng tuần, khoa âm ngữ trị liệu Bệnh viện An Bình (Q.5, TP.HCM) luôn tràn ngập tiếng cười, tấp nập người ra vào. Các sinh viên khoa mỹ thuật ĐH Sài Gòn – tình nguyện viên chương trình “Nhóm trị liệu bằng mỹ thuật cho bệnh nhân bị rối loạn giao tiếp sau tổn thương não” – thường đến sớm 15 phút để kiểm tra giá vẽ, giấy, màu vẽ và sắp xếp bàn ghế.

Nguyễn Vũ Nam (17 tuổi), quê ở Biên Hòa, Đồng Nai, chăm chú tô màu bức tranh của mình trong lớp vẽ tại bệnh viện  

Chào hỏi, mời bệnh nhân vào chỗ ngồi, hỏi thăm chuyện trò. Khi thấy bệnh nhân lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, các bạn chủ động hướng dẫn cách lên chì, phác thảo, tô màu vì mọi người ở đây thường ngại giao tiếp. Dần quen, ai cũng chủ động và vui vẻ hơn.

Thỉnh thoảng chị Vũ Thị Thanh Thúy (49 tuổi, từng bị sốt bại liệt gần 30 năm), anh Phan Minh Đức (49 tuổi, đã bị tai biến bốn năm nay) – những bệnh nhân đầu tiên – còn cất cao bài hát Tự nguyện khiến không khí lớp học ấm áp, thân tình.

Chú Nguyễn Ngọc Điền, bệnh nhân mới tham gia lớp vẽ, tập tô màu dưới sự hỗ trợ của tình nguyện viên 

Đến nay lớp học hoạt động đã tròn một năm. Niềm vui cũng nối dài trên môi bác sĩ, tình nguyện viên, bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân trong suốt chừng ấy thời gian.

Ngoài cô chú đã lớn tuổi, lớp học đã kết nạp thêm những thành viên trẻ có hoàn cảnh tương tự.

Họ không ngại đường xa, vẫn đi từ Biên Hòa, Vũng Tàu, khắp ngõ ngách của Sài Gòn đến với Bệnh viện An Bình vào mỗi sáng thứ 6 để vẽ tranh, tập nói và tìm thấy niềm vui tưởng chừng đã mất sau cơn thập tử nhất sinh.

Chú Phan Minh Đức tập vật lý trị liệu tại bệnh viện 

“Từ tháng 9-2009, anh Trung đột ngột bị tai biến, liệt nửa thân người và mất khả năng nói, gia đình tôi chạy chữa khắp nơi. Tháng 10-2013, tôi may mắn gặp được bác sĩ Lê Khánh Điền tại khoa vật lý trị liệu Bệnh viện An Bình trong một lần đưa anh đi tập. Bác sĩ thông báo sắp tới có lớp học vẽ, học nói dành cho bệnh nhân và khuyến khích chồng tôi theo học. Tôi năn nỉ mãi anh Trung mới chịu đi vì anh bảo rằng 60 tuổi, bệnh tật vậy còn học vẽ làm gì. Từ đó đến nay tôi thấy anh vui vẻ hơn hẳn” – cô Nguyễn Thị Huệ, vợ bệnh nhân Phạm Văn Trung, tâm sự.

Tin ảnh: MỸ DUYÊN – QUANG ĐỊNH