27/11/2024

Thật khó để bắt trẻ đứng ngoài… công nghệ

Đó là tâm sự cũng như nhận định của các bậc phụ huynh, chuyên gia khi cùng trao đổi với Tuổi Trẻ quanh câu chuyện trẻ dùng thiết bị số.

 

Thật khó để bắt trẻ đứng ngoài… công nghệ

 

Đó là tâm sự cũng như nhận định của các bậc phụ huynh, chuyên gia khi cùng trao đổi với Tuổi Trẻ quanh câu chuyện trẻ dùng thiết bị số. 

 


 

 

“Quẹt quẹt, bấm bấm” trên máy tính bảng là chuyện thường ngày với trẻ con ở những đô thị lớn ngày nay – Ảnh: Q.Định

* Chị Phan Thị Thanh (Q.9, TP.HCM):

Biết tác hại nhưng vẫn phải dúi vào tay trẻ

Con gái đầu của tôi học lớp 2, mỗi ngày có khi xem tivi đến 4-5 giờ. Tivi để ở phòng khách, bà nội rất hay mở xem và thế là cháu sà vào xem cùng. Cứ xem hết chương trình của cháu lại đến bà, rồi bà lại đến cháu. Hết xem tivi, con gái lại mở điện thoại ra xem và bé “rành” điện thoại hơn cả mẹ.

Còn với con trai 4 tuổi, ngày trước “chàng ta” cũng “sờ” điện thoại cả ngày nhưng nay tôi đã hạn chế được phần nào, giờ chỉ cho xem những chương trình như trò chơi ô chữ, xem Xuân Mai hát hoặc nghe nhạc thiếu nhi và một vài trò khác.

Nhiều khi tôi tắt điện thoại, tivi hoặc các loại thiết bị điện tử ngay lúc con đang dùng, thậm chí dùng roi, phạt… nhưng rồi lại đâu vào đó.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có thời gian để ý đến từng đứa trẻ. Thậm chí, có khi tôi còn chủ động “quăng” cho con các thiết bị này.

Như lúc để dỗ đứa nhỏ ngủ, đành phải cho đứa lớn chơi điện thoại; có việc phải ra ngoài mà muốn đứa trẻ không đòi theo, không phá phách… vì không còn trò nào khác có thể “dụ” trẻ đỡ mè nheo nhanh hơn các loại thiết bị điện tử.

* Bà Phan Nữ Ánh Linh (Q.1, TP.HCM):

iPad là bà vú chăm trẻ

Con gái học lớp 1, tôi chỉ cho cháu sử dụng iPad để chơi các trò chơi rèn tai mắt đúng 30 phút/ tuần, vào một ngày nhất định. Con trai lớn của tôi năm nay lên bậc THCS, cháu cũng chỉ được sử dụng 60 phút/tuần.

Vợ chồng tôi ngắt kết nối Internet khi chúng tôi không có ở nhà, và mọi thông tin các cháu chơi gì, tìm kiếm gì, chúng tôi có thể kiểm soát qua một phần mềm. Vào quán cà phê, tôi thấy nhiều cha mẹ quẳng cho con cái iPad. iPad trở thành bà vú chăm trẻ để ba mẹ thoải mái làm việc riêng. 

Tôi thật sự phải làm những động tác của một bà mẹ khó tính như vậy, bởi tôi hiểu rằng cực kỳ nguy hiểm nếu để con ngồi một mình với thế giới của Internet và các thiết bị công nghệ.

Một cú click chuột sẽ mang đến biết bao nhiêu thứ, cả xấu lẫn tốt. Tôi biết nhiều bậc cha mẹ cho con tiếp xúc sớm với các thiết bị thông minh vì muốn con giỏi.

Ai đảm bảo chúng sẽ giỏi hơn nếu chúng chưa được trang bị trước đó khả năng làm chủ công nghệ và sàng lọc thông tin. 

* Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương (giám đốc đào tạo Trường ngoại khóa Tomato, TP.HCM):

Không phải cha mẹ nào cũng hiểu hết con mình!

Khi thế hệ chúng ta lớn lên, chiếc tivi đã hiện diện ở đó. Cũng tương tự, khi những đứa trẻ ngày nay ra đời, iPad, smartphone… đã hiện diện mặc nhiên trong thế giới của trẻ.

Bố mẹ, anh chị sử dụng, mọi người xung quanh sử dụng. Thật khó để bắt đứa trẻ đứng ngoài sự hiện diện đầy thuyết phục đó của công nghệ.

Sự khôn ngoan của phụ huynh trong việc cho con sử dụng thiết bị công nghệ làm nên sự khác nhau giữa những đứa trẻ. Trong quá trình giảng dạy, tôi cảm nhận được việc sử dụng thiết bị không có sự kiểm soát của phụ huynh khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng khả năng tập trung, trí tưởng tượng và đôi khi cả khó khăn trong diễn đạt một vấn đề.

Với những khảo sát nhỏ mà tôi từng thực hiện với các bé và cha mẹ của các em, không hiếm trường hợp câu trả lời của phụ huynh và trẻ về cùng một việc là hoàn toàn khác nhau.

Mặt khác, sự thay đổi của đứa trẻ không phải dễ đo lường. Bạn có thể quan sát thấy sự thay đổi bên ngoài, nhưng những đổi thay bên trong đứa trẻ lại cần có thời gian mới nhìn thấy một cách rõ ràng.

* TS Nguyễn Thị Hảo (phó trưởng khoa giáo dục Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM):

Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực

Một trong những khó khăn của gia đình trẻ Việt Nam hiện nay là làm thế nào để cha mẹ cân bằng thời gian giữa công việc, các mối quan hệ gia đình – xã hội và việc nuôi dạy con cái.

Họ thường có rất ít con (1-2 con) nên đặt hết những kỳ vọng cũng như dành những điều kiện tốt nhất cho con cái của mình. Việc cho con tiếp cận các thiết bị thông minh ngay từ nhỏ cũng là một cách thể hiện điều đó.

Tuy nhiên, làm thế nào để các thiết bị thông minh phát huy ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển tinh thần và trí tuệ của trẻ thì không phải cha mẹ nào cũng quan tâm và hiểu biết đầy đủ.

Do vậy, hầu hết trường hợp trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của nhiều cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi phải tuyên bố con của mình cần cai nghiện việc sử dụng các thiết bị thông minh.

* ThS.BS Phạm Minh Triết (trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):

Nhiều trẻ rối loạn ngôn ngữ

Hiện tại, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 chưa tiếp nhận bệnh nhân đến khám vì lý do nghiện thiết bị thông minh. Tuy vậy, khoa có tiếp nhận rất nhiều trẻ đến khám vì chậm nói, trong đó có nhiều trường hợp trẻ rối loạn ngôn ngữ (chậm nói đơn thuần) có liên quan đến việc xem tivi và sử dụng thiết bị thông minh nhiều giờ trong ngày.

Khi được hướng dẫn thay đổi môi trường xung quanh trẻ, trong đó có việc giảm thời gian xem tivi và sử dụng thiết bị thông minh, những trẻ này có sự tiến bộ rõ rệt về ngôn ngữ. Nhưng những trẻ được chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ có tiến bộ rõ chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi.

Những trẻ trên 3 tuổi bị chậm nói thường là bị tự kỷ hoặc chậm phát triển. Đối với nhóm này thì việc giảm các thiết bị thông minh không mang đến sự thay đổi rõ rệt nào vì nguyên nhân không phải do môi trường mà là do trẻ có vấn đề thật sự.

Hiện tại thông tin về thời gian sử dụng thiết bị thông minh được nhiều chuyên gia khuyến cáo chủ yếu dựa trên khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ dành cho thời gian xem tivi.

Cụ thể thời gian xem tivi (và tiếp xúc các loại màn hình khác) ở trẻ dưới 2 tuổi = 0 giờ/ngày, từ 2-6 tuổi là 1 giờ và từ 6-12 tuổi là 2 giờ/ngày. Cần chú ý là khuyến cáo chung dựa trên những nguy cơ khác mà màn hình có thể gây ảnh hưởng đến trẻ, chứ không chỉ liên quan đơn thuần đến việc phát triển.

Giải trí chủ yếu dựa trên những thiết bị thông minh, tivi có khả năng làm trẻ không phát triển toàn diện. Điều dễ thấy là trẻ dễ bị chậm chạp vì ít hoạt động, một số trẻ có khả năng béo phì. Vì ít tương tác và giao tiếp thực tế có thể làm trẻ không có những kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và những kỹ năng sống khác. 

* TS.BS Trần Thị Phương Thu (giám đốc Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Phương Nam):

Cứ 10 trẻ cận thị thì có 9,5 trẻ dùng nhiều thiết bị điện tử

Trong 10 năm trở lại đây, bệnh về mắt (cận thị) ở lứa tuổi học đường gia tăng đến báo động.

Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng trong 10 trường hợp trẻ lứa tuổi này bị cận tôi đã thăm khám, có đến 9,5 trường hợp liên quan đến việc dùng nhiều thiết bị điện tử, phải kể đến là xem tivi, dùng máy vi tính, mấy năm trở lại đây là dùng điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử thông minh khác.

Với trẻ từ 6-12 tuổi, cứ mỗi ngày trên 2 giờ đồng hồ tiếp cận với thiết bị điện tử các loại được cho là quá mức, là nhiều. Còn với trẻ từ 6 tuổi trở xuống, đặc biệt từ 0-3 tuổi, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử càng nên hạn chế tối đa vì lúc này các cơ quan trong cơ thể đang ở giai đoạn phát triển nóng.

Tôi thật sự không đồng tình với việc cho trẻ (nhất là trẻ dưới 12 tuổi) học tập bằng bảng điện tử thông minh. Bởi dù ở nước ta chưa có nghiên cứu và thống kê nào về mặt khoa học của việc này, nhưng là một bác sĩ lâm sàng, rõ ràng tôi thấy hiện thực là càng ham mê nhìn vào các loại thiết bị điện tử thì trẻ càng cận sớm.

Với trẻ nhỏ vẫn cần ưu tiên hơn hết là hoạt động thể chất, hoạt động ngoài trời, càng để trong môi trường tự nhiên càng tốt.

Để hạn chế tật về mắt khi trẻ dùng các loại thiết bị điện tử, nên cho mắt trẻ được nghỉ ngơi, dùng nhiều nhất 40 phút cũng phải thư giãn mắt một lần, càng cách quãng thời gian cho trẻ dùng thiết bị thì càng bảo vệ được mắt trẻ.

M.DUNG – L.TRANG – M.GIẢNG ghi