28/11/2024

Dạy thêm học thêm: Trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng

Chỉ thị ngày 3-11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhắc lại nhiều “điều cấm” mà bộ đã ban hành trong nhiều văn bản trước đó.

    Dạy thêm học thêm: Trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng

    Chỉ thị ngày 3-11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhắc lại nhiều “điều cấm” mà bộ đã ban hành trong nhiều văn bản trước đó. 

    Điều đáng nói là những “điều cấm” này lại đang diễn ra phổ biến với các hình thức biến tướng khác nhau.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VINH HIỂN cho biết:

    Bộ GD-ĐT đề nghị cơ sở giáo dục các cấp tạo điều kiện cho truyền thông tác nghiệp góp phần cùng với ngành GD-ĐT chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và các tiêu cực khác nảy sinh trong các nhà trường phổ thông
    Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN

    – Không phải chờ đến khi có chỉ thị trên thì những quy định cấm mới được đặt ra mà tại nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã đề cập, quy định rõ.

    Cụ thể, tại thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học dưới mọi hình thức.

    Trong công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học của cấp tiểu học, hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều lưu ý việc không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày.

    Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định bỏ thi học sinh giỏi tiểu học, xóa lớp chọn ở tiểu học và THCS, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6… Chỉ thị của bộ trưởng vừa ban hành chỉ nhắc lại những nội dung đã quy định để các sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc.

    * Quy định đã có, vậy tại sao tình trạng vi phạm tất cả những “điều cấm” kể trên vẫn diễn ra, gián tiếp làm gia tăng tình trạng bắt ép học sinh tiểu học đi học thêm? Bộ GD-ĐT đã rà soát thực tế và phân tích mâu thuẫn này chưa?

    Khuyến khích dạy học 2 buổi/ngày

    Một vấn đề Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều năm qua là khuyến khích các địa phương, các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

    Với thiết kế chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, hằng ngày học sinh có thể hoàn thành yêu cầu của chương trình trong một buổi trên lớp và một ít thời gian tự học ở nhà để củng cố, vận dụng kiến thức thông qua các câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa.

    Vì thế những nơi tổ chức dạy 2 buổi/ngày có thể sử dụng buổi học thứ hai cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện thể chất hoặc hướng dẫn học sinh tự học, giáo viên có thời gian kèm cặp học sinh chưa đạt yêu cầu.

    Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục mở rộng thí điểm và khuyến khích các cơ sở giáo dục đủ điều kiện triển khai mô hình trường học mới. Với cách tổ chức cho học sinh tự quản, thay đổi phương pháp dạy học của mô hình này, học sinh sẽ giảm áp lực căng thẳng nhưng chất lượng giáo dục được nâng lên.

    – Việc thực hiện chưa nghiêm các quy định có nhiều nguyên nhân.

    Một phần do cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa sát sao, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Một phần do công tác tuyên truyền chưa tới được từng giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh.

    Bên cạnh một bộ phận giáo viên còn chưa thực hiện đúng quy định chuyên môn, có hiện tượng ép buộc, gợi ý học sinh học thêm, còn có nhiều phụ huynh cũng chưa thay đổi nhận thức, gây áp lực cho con em khi bắt học sinh phải học thêm, học nâng cao, tham gia quá nhiều lớp học, câu lạc bộ một cách thiếu khoa học.

    Đây là việc cần phải đồng bộ giải quyết và ngành GD-ĐT cần sự đồng lòng, hỗ trợ của các lực lượng xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh trong việc này.

    Bộ GD-ĐT cũng đưa nội dung chấn chỉnh dạy thêm, học thêm vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các sở GD-ĐT và giao ban, trao đổi về vấn đề này trong các hội nghị giao ban giáo dục giữa các vùng trên cả nước được thực hiện định kỳ.

    * Sau khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT có chỉ thị trên, nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng việc bộ cấm kiểm tra chất lượng đầu vào là không hợp lý vì sau một đợt nghỉ hè, cần có kỳ kiểm tra này để đánh giá chất lượng học sinh nhằm có biện pháp giáo dục phù hợp khi giáo viên tiếp nhận học sinh từ lớp dưới lên. Ông giải thích gì về quy định cấm này?

    – Quy định đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học tại thông tư 30 có nội dung giáo viên phải bàn giao giữa học sinh lớp dưới với lớp trên, thể hiện qua hồ sơ đánh giá học sinh và trao đổi trực tiếp giữa giáo viên với nhau, giữa cán bộ quản lý với giáo viên.

    Vì thế không cần thiết phải tổ chức một kỳ kiểm tra chất lượng. Thêm một kỳ thi không cần thiết, có thể học sinh sẽ phải học thêm, sẽ bị tăng áp lực.

    Chưa kể nhiều trường lấy kỳ kiểm tra chất lượng là căn cứ để xếp lớp, tuyển học sinh vào lớp chọn, gây nên hiện tượng chạy đua, học thêm để được vào lớp tốt như các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh.

    * Trên thực tế, ở nhiều nơi vẫn đang tìm cách lách quy định bằng các hình thức dạy thêm biến tướng như sinh hoạt câu lạc bộ, dịch vụ trông giữ học sinh. Nhiều trường vẫn tổ chức thi tuyển đầu vào, lớp chọn nhưng dưới các tên gọi khác… Nếu không kiểm tra và có biện pháp xử lý thì quy định của Bộ GD-ĐT sẽ không thể đi vào đời sống.

    – Bên cạnh các quy định chung, vừa qua Bộ GD-ĐT cũng có các văn bản chỉ đạo liên quan tới các hình thức dạy thêm biến tướng mà các cơ quan truyền thông phát hiện, yêu cầu xử lý kịp thời.

    Cụ thể như chỉ đạo chấn chỉnh việc tổ chức các câu lạc bộ trong nhà trường đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo sức khỏe, phù hợp với học sinh, không lợi dụng hình thức câu lạc bộ để dạy các môn văn hóa…

    Bộ GD-ĐT cũng chủ động tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện của các địa phương để có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời khi có bất cập.

    Tuy nhiên, với quy định phân cấp trong quản lý giáo dục hiện nay, Bộ GD-ĐT đề cao vai trò của lãnh đạo ngành GD-ĐT tại các địa phương, đặc biệt là hiệu trưởng.

    Lãnh đạo các sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chính trước Bộ GD-ĐT và UBND cấp tỉnh nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định trên địa bàn, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính trước trưởng phòng GD-ĐT và giám đốc sở GD-ĐT nếu xảy ra việc giáo viên vi phạm.

    * Ông có thể nói thêm về giải pháp lâu dài mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới không?

    – Nhiều năm nay, trong quy định kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT đã quy định việc “tăng nhận xét, hạn chế cho điểm”, không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 (năm học 2013-2014) và mới đây là đổi mới kiểm tra đánh giá với toàn bộ học sinh tiểu học theo hướng không chấm điểm trong quá trình đánh giá thường xuyên…

    Đây là những giải pháp mang tính bền vững nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định nói riêng và những tiêu cực khác trong giáo dục ở bậc tiểu học nói chung.

    VĨNH HÀ thực hiện

  •