Trồng cây gì, nuôi con gì cũng bị trộm
Nhiều vụ trộm cắp có tính chất phá hoại, gây thiệt hại sản xuất khiến nông dân, doanh nghiệp chán nản khi muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp. Nếu không chấm dứt được tình trạng này, chính sách “Tam nông” của Đảng và Nhà nước có nguy cơ bị… phá sản.
Trồng cây gì, nuôi con gì cũng bị trộm
Nhiều vụ trộm cắp có tính chất phá hoại, gây thiệt hại sản xuất khiến nông dân, doanh nghiệp chán nản khi muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp. Nếu không chấm dứt được tình trạng này, chính sách “Tam nông” của Đảng và Nhà nước có nguy cơ bị… phá sản.
Bà Phạm Thị Lan đau đớn nhìn vườn cà phê bị trộm, chặt phá - Ảnh:ài Tiến |
Vụ cà phê năm nay mới bước vào thu hoạch mà nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk đã phải đối mặt nạn trộm cắp. Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn 6, xã Ea Kpam, H.Cư Mgar) chuẩn bị thu bói 1,4 ha cà phê năm thứ 3. Ở nhà, ông Ngọ nhẩm tính cà phê vụ đầu sẽ cho khoảng 2 tấn nhân, với giá hiện nay ước thu khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí cũng đủ trang trải chi tiêu. Thế nhưng sáng 20.10 ra rẫy, ông muốn té xỉu khi thấy vườn cà phê bị trộm tuốt quả hơn 50 cây, nhiều cây bị bẻ ngang cành đem đi mất. “Vợ chồng tôi đã vay mượn mấy chục triệu đồng để chăm vườn cà phê này, vậy mà đến ngày thu hoạch thì bị trộm. Cà phê hiện chưa chín đều, không biết từ giờ đến cuối vụ còn giữ được bao nhiêu”, ông Ngọ ngao ngán.
Một tháng bị trộm 6 lần
|
Ông Lê Ba, ngụ thôn 5, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, có 7 sào cà phê cách nhà hơn 10 cây số nên không có điều kiện trông coi. Ngày 23.10, gia đình ông vào rẫy thì phát hiện hàng trăm cây cà phê bị kẻ gian tuốt sạch, thiệt hại hơn 300 kg cà phê quả tươi.
Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó trưởng công an xã Ea Kpam, H.Cư Mgar, trong tháng đầu vụ thu hoạch, người dân trong xã đã trình báo hàng chục vụ mất trộm. Ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Ea H’Đing, H.Cư Mgar, thì nói năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra nạn trộm cà phê, có hộ bị trộm tới 6 lần trong một tháng, nhiều vụ kẻ trộm chặt cả cành nên nhà vườn mất nhiều năm mới khắc phục được.
Tương tự, ở Kon Tum, Gia Lai, dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng thời gian gần đây, các chủ vườn cũng đang lo âu vì nạn trộm và chặt phá cà phê. Bà Phạm Thị Lan (47 tuổi, ở thôn Tân An, xã Ia Chim, TP.Kon Tum) cho biết: Năm nay cà phê vừa được giá, được mùa, đang vui thì xảy ra trộm. Các năm trước, cà phê chín mới xảy ra trộm, vậy mà năm nay cà phê chưa chín tới đã bị trộm rồi. “Nó tuốt đã đành, đằng này còn chặt cả cành mang đi, cà phê mất sức, sang năm lấy gì thu?”, bà Lan bức xúc.
Ông Vũ Đình Duông (thôn An Hiệp, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) bức xúc nói: “Tôi có 3.000 m2 cà phê. Sau một đêm chúng tuốt trộm sạch cà phê nhà tôi, khi vô thăm vườn rơi cả nước mắt nhưng không làm gì được. Sau một năm vất vả coi như đổ sông đổ biển. Trộm cắp giờ sao lộng hành quá. Mới tuần vừa qua, gia đình tôi mất thu hoạch 100 cây cà phê tơ mới trồng năm thứ 4, ước chừng 5 tạ tươi, may mà bọn trộm không cắt cành. Thật chán nản khi làm ra hạt cà phê, cứ tới mùa thu hoạch lại bị trộm ghé thăm, làm sao mà dám để chín thu hoạch như cơ quan chức năng kêu gọi khi nạn trộm cắp lộng hành như vậy?”.
Cần những biện pháp mạnh từ phía nhà nước
|
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhìn nhận nạn trộm cắp nông sản đã hoành hành nhiều năm nay mỗi khi vào vụ thu hoạch và giá bán tăng cao. “Hồ tiêu thì khó trộm hạt hơn vì phải leo trèo lên cao, nhưng bà con nông dân cũng khổ sở vì nạn trộm cắp tiêu giống, tiêu vừa mới trồng đã bị trộm mất. Còn cà phê thì tình hình trộm cắp táo tợn hơn. Ngoài hành vi hái trộm tại vườn, kẻ trộm lúc này còn vác trộm cà phê chủ đã hái và đóng vào bao sẵn. Không có cách nào ngăn chặn, nông dân và chủ trang trại buộc phải tìm nhiều cách để sống chung với nó. Tình hình bất an hiện nay cần phải được Chính phủ và cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa vì nó làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội, gây thiệt hại tiền của của nông dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư vào ngành nông nghiệp”, ông Bính nói.
Anh Trương Văn Trung, chủ trại cà phê ở Gia Lai cho biết: “Để chống nạn trộm cà phê hiện nay, vườn nào cũng nuôi vài con chó bẹc giê Đức, giá một con khoảng 4 – 5 triệu đồng, hoặc phải bắt thêm đèn, thuê thêm người bảo vệ, rất tốn chi phí. Thế nhưng gần đây bọn trộm chuyên nghiệp hơn, trộm chó trước trộm cà phê sau”.
Đại diện Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết công ty trồng sâm Ngọc Linh ở xã Tê Xăng, H.Tu Mơ Rông. Hồi tháng 7 năm nay, công ty đã bị nhổ trộm hơn 500 cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi, tổng thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng. Tình trạng mất trộm này cũng diễn ra ở Trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam) mà thủ phạm đến nay vẫn chưa bắt được.
Còn giám đốc một công ty đầu tư cá tầm ở Vĩnh Phúc kể: “Năm 2013, trại cá của chúng tôi nhiều lần bị bọn trộm đột nhập để ăn cắp cá. Dù công ty đã trang bị hệ thống an ninh gồm hai lớp hàng rào dây thép gai cùng lực lượng bảo vệ chuyên trách nhưng bọn trộm vẫn hết sức liều lĩnh trèo vào để ăn trộm. Tuy giá trị tài sản mà các đối tượng đưa ra thị trường để bán không lớn nhưng đối với chúng tôi, thiệt hại lại rất lớn. Bởi số cá bị mất cắp là những con cá bố mẹ, có con nặng trên 10 kg, chúng tôi đã nuôi chúng 8 năm nay. Để có một con cá như thế, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà đầu tư và các kỹ sư ngày đêm chăm sóc chúng. Cơ quan nhà nước cần có thêm những chính sách và biện pháp mạnh hơn để chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự, bảo vệ nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, vị này nói.
Còn ai dám đầu tư vào nông nghiệp ? TS Nguyễn Quốc Vọng – (Việt kiều Úc), Giám đốc Trung tâm giống rau hoa (Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam) chia sẻ: “Tôi trở về VN làm việc được khoảng 7 năm, trong quá trình đó cũng ghi nhận được nhiều trường hợp tương tự như việc nông dân Đà Lạt bị trộm hoa. Có lần tôi đi kiểm nghiệm quy trình sản xuất thanh long an toàn ở Ninh Thuận thì phát hiện người ta dùng điện không chỉ để thắp sáng cho thanh long mà còn dùng để ngăn trộm bằng cách thiết kế các mạch điện hở. Nhiều chủ vườn cho biết họ phải làm như vậy để ngăn trộm cắp. Đây là tình huống rất đặc thù của VN mà ở các nước như Nhật Bản và Úc, nơi tôi đã sống và làm việc nhiều năm, không hề có. Tôi nghĩ trước mắt người nông dân phải tự tìm cách bảo vệ tài sản của mình tốt hơn, về lâu dài thì nhà nước và cơ quan chức năng phải vào cuộc bằng cách thắt chặt an ninh. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề trộm cắp thông thường hay cá biệt ở một địa phương nào đó mà nó xuất hiện ngày một nhiều trên nhiều loại nông sản. VN đang kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng cứ để tình trạng trộm cắp trong lĩnh vực này hoành hành như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư”.
|
Những mô hình tự quản Để ngăn chặn nạn hái trộm cà phê, một số địa phương ở Đắk Lắk đã xây dựng mô hình tự quản bảo vệ vườn cây hiệu quả. Tại xã Hòa Đông, H.Krông Pắk, có 19 tổ dân phòng bảo vệ cà phê ở 19 thôn, buôn, mỗi tổ từ 10 – 20 thành viên. UBND xã đã hỗ trợ chi phí mua sắm trang phục, công cụ; các hộ có cà phê đóng góp từ 200.000 – 300.000 đồng/ha để trả thù lao cho tổ hoạt động. Vào vụ thu hoạch, các tổ dân phòng này thay phiên tuần tra 24/24 giờ ở các vườn cà phê. Tổ dân phòng chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất trộm cà phê, với quy định sẽ đền tiền tương đương với số lượng cà phê bị mất cắp. Nhờ vậy, xã có tổng diện tích cà phê hơn 4.000 ha nhưng 3 năm gần đây nạn mất trộm tại vườn cây rất ít xảy ra. Tại các xã Ea Yông và Ea Kênh cùng huyện cũng có hoạt động tương tự của các tổ liên kết bảo vệ, gồm người trong các nhóm hộ trồng cà phê. Trong các đợt tuần tra, các tổ này đến từng hộ nắm danh sách những người lạ đến làm thuê tại địa bàn để tiện quản lý…
|
Thanh Niên