Có thể dùng tế bào gốc điều trị hơn 100 bệnh
Ngày 2-11, TP.HCM sẽ thành lập hội tế bào gốc đầu tiên trên cả nước. Tình hình điều trị bằng tế bào gốc tại TP.HCM ra sao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tế bào gốc thế nào?
Có thể dùng tế bào gốc điều trị hơn 100 bệnh
Ngày 2-11, TP.HCM sẽ thành lập hội tế bào gốc đầu tiên trên cả nước. Tình hình điều trị bằng tế bào gốc tại TP.HCM ra sao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tế bào gốc thế nào?
Kỹ thuật viên của Bệnh viện Vạn Hạnh chuẩn bị tách huyết tương giàu tiểu cầu (tự thân) trước khi chích vào khớp gối của bệnh nhân. Đây là một công đoạn trong điều trị tế bào gốc – Ảnh: D.Y. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, phụ trách nhóm biên soạn chiến lược phát triển khoa học công nghệ tế bào gốc TP.HCM giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2025 – cho biết:
GS Trương Đình Kiệt Ảnh: M.Dung |
– Tại VN, TP.HCM là địa phương điều trị tế bào gốc sớm nhất trong cả nước. Bệnh viện Huyết học và truyền máu từ năm 1995 đã điều trị bệnh bằng tế bào gốc, đến nay bệnh viện này đã có 138 ca được điều trị bằng tế bào gốc.
Bệnh viện ĐH Y dược, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Da liễu cũng đang có những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về tế bào gốc trị liệu.
Tại Hà Nội, Huế cũng có một số bệnh viện thử nghiệm điều trị một số ca bằng tế bào gốc trên bệnh nhân suy tim, liệt do chấn thương cột sống, đột quỵ não, các bệnh về máu…
* Thưa ông, hiện nay có những bệnh nào có thể điều trị bằng tế bào gốc?
– Thế giới ghi nhận có hơn 100 bệnh hiện đã điều trị được bằng phương pháp gọi là trị liệu dựa vào tế bào gốc. Cần phải nói ngay là mặc dù có nhiều bệnh và rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng tế bào gốc nhưng số bệnh được cấp phép còn ít. Nhiều nước đang chạy đua trên xa lộ cao tốc của y học tái tạo, một nền y học với trị liệu dựa vào tế bào gốc.
Khác với y học đương đại, một nền y học điều trị cưỡng bức, y học tái tạo giúp cơ thể bổ sung, huy động, kích thích tế bào gốc nội sinh để tự sửa chữa, thay thế, khôi phục và tái tạo.
Y học tái tạo được coi là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Với trị liệu tế bào gốc, y khoa có thể điều trị các bệnh di truyền, miễn dịch, thoái hóa, các bệnh mãn tính, tổn thương, ung thư…
Từ các bệnh thường gặp như đái tháo đường, suy tim sau nhồi máu, thoái hóa khớp, tổn thương cột sống, đột quỵ não, xơ gan, COPD, Parkinson, Alzheimer đến các bệnh hiếm gặp như tự kỷ, ly thượng bì bẩm sinh…
Danh sách bệnh được điều trị bằng tế bào gốc đang được nối dài.
* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả dựa trên chi phí phải bỏ ra khi điều trị bằng tế bào gốc? Hiện nay những ca được điều trị bằng tế bào gốc tại VN thường lấy nguồn tế bào gốc từ đâu?
Khoa học công nghệ tế bào gốc không chỉ ứng dụng vào việc chăm sóc sức khỏe mà còn được ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, thú y, sản xuất thực phẩm… Thế giới đã hình thành ngành kinh tế tế bào gốc, xuất hiện sự cạnh tranh thị trường kinh doanh các sản phẩm đa dạng từ tế bào gốc hoặc cho tế bào gốc |
– Hiện nay điều trị bằng tế bào gốc còn khá đắt, nhưng về nguyên tắc thì điều trị bằng tế bào gốc có tổng chi phí điều trị thấp hơn các phương pháp hiện nay. Điều trị bằng tế bào gốc giúp bệnh nhân khỏi bệnh tốt hơn, bền vững hơn, chất lượng cuộc sống và sức lao động khôi phục tốt hơn, ít hoặc không phụ thuộc vào thuốc trong thời gian dài.
Ở VN hiện nay chủ yếu sử dụng tế bào gốc tự thân lấy từ mô mỡ, tủy xương của chính bệnh nhân để điều trị. Cũng có thể sử dụng tế bào gốc đồng loài từ người thân hoặc tế bào gốc máu dây rốn, mô dây rốn. Một số nước bắt đầu sử dụng tế bào gốc phôi, tế bào gốc vạn tiềm năng cảm ứng (iPSC), nhưng ở nước ta thì chưa.
* Vậy chúng ta gặp phải những thách thức nào trong điều trị bằng tế bào gốc, thưa ông?
– Trước hết, điều trị tế bào gốc là điều trị cá thể, đòi hỏi phải lựa chọn kịch bản tối ưu cho từng bệnh nhân: sử dụng loại tế bào gốc nào, nguồn gốc từ đâu, đưa tế bào gốc vào cơ thể bằng đường nào, liều lượng bao nhiêu…
Nói tóm lại, chúng ta chưa có phác đồ điều trị chuẩn. Tế bào gốc khi vào cơ thể người nhận sẽ di cư như thế nào, về đâu, sẽ biệt hóa thành tế bào chức năng ra sao… Đó là những vấn đề hóc búa đòi hỏi các nhà y sinh học phải trả lời.
Sử dụng tế bào gốc đòi hỏi các nhà lâm sàng không chỉ làm chủ bệnh mà còn phải làm chủ công nghệ tế bào gốc. Quan trọng là phải chinh phục được các yếu tố nguy cơ, xuất phát từ sinh học tế bào gốc và kỹ thuật xử lý tế bào gốc.
Các nhà khoa học khẳng định không bao giờ điều trị bệnh chỉ bằng tế bào gốc đơn thuần mà phải bổ sung một số yếu tố khác.
Đó là kiến thức, nhưng cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Điều trị bằng tế bào gốc còn gặp phải rất nhiều thách thức về đạo đức, chính sách, luật pháp. Bảo hiểm y tế cho một bệnh nhân điều trị bằng tế bào gốc cũng là vấn đề cần sớm xem xét.
* Trong các loại tế bào gốc: tự thân, đồng loài, tế bào gốc dây rốn, loại nào là an toàn nhất và chữa được nhiều bệnh nhất?
– Hiện nay người bệnh thích nhất là dùng tế bào gốc tự thân (từ mô mỡ, tủy xương của chính bệnh nhân). Tế bào gốc đồng loài thì phải tính đến lấy của người có miễn dịch phù hợp. Tế bào gốc máu dây rốn, mô dây rốn có nhiều ưu điểm, đã được nhiều nước sử dụng trong điều trị nhưng ở nước ta vẫn còn rất ít ca điều trị bằng loại tế bào gốc này. Hiện nay, ở VN có năm ngân hàng tế bào gốc dây rốn nhưng số mẫu còn ít.
Canada muốn dẫn đầu thế giới về điều trị bằng tế bào gốc Điều trị bằng tế bào gốc đang được coi là phương pháp giúp thay đổi cách thức điều trị những căn bệnh nan y và chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia trên thế giới cho rằng nhân loại đang tiến dần đến những bước đột phá, trong đó thay đổi cơ bản cách thức điều trị những căn bệnh như đái tháo đường, ung thư, các bệnh tim mạch và thần kinh. Tầm nhìn dài hạn về tế bào gốc ở Canada, nơi cấy ghép tế bào gốc được bác sĩ James Till và Ernest McCulloch phát hiện năm 1961, là một mô hình đáng chú ý. Theo báo Vancouver Sun, Canada đang hướng đến việc dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng các liệu pháp điều trị tế bào gốc. Theo đó, các nhà nghiên cứu và các tổ chức từ thiện hồi tháng 10 đã phát động chương trình hành động tế bào gốc trong vòng 10 năm để đạt được mục tiêu kể trên. Kế hoạch này kêu gọi khối nhà nước và tư nhân đầu tư 1,5 tỉ CAD (khoảng 1,3 tỉ USD) trong vòng một thập niên. Vancouver Sun dẫn lời chủ tịch và tổng giám đốc Quỹ Tế bào gốc Canada James Price nói: “Canada luôn là nước dẫn đầu trong nghiên cứu tế bào gốc. Với chương trình hành động này và với cơ sở hạ tầng sẵn có, chúng tôi có đầy đủ khả năng để thay đổi ngành y tế ở Canada bằng cách giúp hàng triệu người Canada thông qua các liệu pháp điều trị mới và tăng trưởng kinh tế dài lâu”. Tiến sĩ Alan Bernstein thuộc Quỹ Tế bào gốc Canada tuyên bố nước này là nơi lý tưởng để đóng vai trò dẫn đầu lĩnh vực y khoa mới này. |
GS.TS TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT:
Phát triển khoa học công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam Để khoa học công nghệ tế bào gốc phát triển nhanh, mang lại lợi ích thiết thực nhất, chúng ta cần xây dựng chiến lược dựa trên các chứng cứ khoa học, khả thi trong thực hiện. Cần tăng nhanh đội ngũ các nhà tế bào gốc vững về kiến thức và kỹ thuật. Hiện ở nước ta, mật độ nhà khoa học tế bào gốc trên vạn dân chỉ vào khoảng 0,02 người, trong lúc ở Mỹ là 6,5 người, ở Phần Lan là 17 người/vạn dân. Cần tăng nhanh số cơ sở nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, tăng số bệnh viện ứng dụng tế bào gốc trong điều trị. Trong thời gian tới cần xem xét xây dựng một viện nghiên cứu cơ bản về tế bào gốc, một viện nghiên cứu chuyển giao y học tái tạo, một trung tâm nghiên cứu dược tế bào gốc để làm chỗ dựa cho sự phát triển khoa học công nghệ tế bào gốc nói chung. Việc xây dựng một bệnh viện kỹ thuật cao, ứng dụng tế bào gốc trị liệu để thu hút du lịch tế bào gốc (stem cell tourism) cũng là vấn đề cần được sớm xem xét. Hội tế bào gốc TP.HCM sẽ tập hợp lực lượng các nhà khoa học có liên quan đến tế bào gốc, phấn đấu góp phần xây dựng TP.HCM thành trung tâm về khoa học, công nghệ, dịch vụ và đào tạo tiên tiến về tế bào gốc cho cả nước, tiến kịp trình độ khu vực và thế giới. |