Sinh viên chủ yếu học chay
Sinh viên hiện phải học rất nhiều thứ nhưng lại xa rời thực tiễn. Chính vì vậy, khi ra trường họ không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Sinh viên chủ yếu học chay
Sinh viên hiện phải học rất nhiều thứ nhưng lại xa rời thực tiễn. Chính vì vậy, khi ra trường họ không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
|
Kế toán viên không biết phân tích số liệu
N.D, cựu sinh viên (SV) ngành kế toán của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, cho biết: “Trong suốt gần 3 năm học đầu tiên, tụi em hằng ngày cứ đến lớp học lý thuyết rồi về. Đến cuối năm 3 mới bắt đầu làm bài tập lớn và năm 4 mới đi thực tập. Những bài thực hành để trải nghiệm về nghề hầu như không có”.
Sau tốt nghiệp, cô xin việc tại một công ty nhỏ, khi được giao việc làm báo cáo tài chính, phân tích số liệu trong năm của doanh nghiệp, cô không biết phải bắt đầu như thế nào. Đến khi nộp cho giám đốc, cô bị la một trận tơi bời vì làm thiếu và sai hết.
Sau 2 năm ra trường đi làm, N.D kết luận: “Những gì em được học ở trường chỉ là kiến thức rất hàn lâm, còn thực tế phức tạp hơn nhiều. Với cách đào tạo mà SV ít được thực hành, ít được trải nghiệm như vậy thì chỉ đến khi tụi em đi làm mới thực sự là đi học”.
Rất nhiều năm nay tồn tại cách đào tạo lý thuyết không gắn với thực tiễn. SV học xong mà không nắm bắt được yêu cầu của công việc do chủ yếu chỉ học lý thuyết mà không được thực hành |
||
Ông Mai Văn Thiên |
||
Trần Văn Đông, SV năm cuối ngành tiếng Anh thương mại – du lịch Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết: “Ngành của em mỗi thứ học một ít: thương mại, du lịch, biên phiên dịch… mà không có cái gì chuyên sâu, vì lượng thực hành quá ít ỏi. Chỉ được trải nghiệm kỹ năng thuyết trình. Tuy nhiên, mỗi học kỳ em học khoảng 6 môn thì chỉ 2 – 3 môn là có thuyết trình, nhưng cũng chỉ thực hành mỗi học kỳ một lần”. Đông cho rằng với kiến thức đã học, đa số SV không đủ tự tin khi đi xin việc.
Thời lượng thực hành đã ít, một số trường còn cắt luôn hoặc chỉ làm cho có. Nhóm học sinh ngành dược Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM bức xúc: “Tụi em học lý thuyết qua loa, giờ thực hành mà thầy cô chỉ cho học chay… Phòng thí nghiệm ngành dược thường xuyên đóng đóng cửa im ỉm, thiết bị thì sơ sài, chỉ có vài lọ hóa chất bày ra cho có hình thức. Phòng ốc thì ẩm mốc, cũ kỹ”. Nhiều SV nhận định, đi học chủ yếu thuộc bài để thi lấy điểm, chứ không phải học để tư duy về nghề, hiểu nghề.
Tốn kém nên ngại đầu tư
TS Lê Quang Đức, giảng viên Khoa Điện – Điện tử viễn thông Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lý giải: “Kiến thức hàn lâm thì dễ dạy hơn, không cần tốn nhiều thời gian, một thầy giảng cho cả trăm trò, còn thực hành thì khó có thể đủ thầy để hướng dẫn cho hàng trăm SV. Một số trường không có điều kiện hoặc không chịu đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho việc thực hành nên chuyện học chay, ra trường chỉ ôm lý thuyết đi xin việc là chuyện thường thấy”.
Với những ngành học có yếu tố nghề nghiệp cụ thể như: y tế, khoa học, kỹ thuật việc thực hành càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả những trường ĐH lớn dù cố gắng giúp SV được cọ xát với nghề, nhưng vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thừa nhận: “Một ngành học lý thuyết đơn thuần thì một thầy có thể giảng dạy, hướng dẫn cho rất đông SV. Tuy nhiên, những ngành đặc thù cần phải thực hành nhiều trong phòng thí nghiệm, nhà xưởng… thì một thầy không thể hướng dẫn cho từng đó em. Bên cạnh việc đầu tư kinh phí lớn cho phòng thí nghiệm, trang thiết bị, còn phải đầu tư giảng viên, rất tốn kém”.
TS Quang lấy ví dụ, giảng bài cho SV ngành sinh học, giảng viên vẫn có máy chiếu trình sinh động về thực vật, cây cối… Tuy nhiên, như vậy vẫn là học chay. Nhà trường phải tổ chức các chuyến đi thực tế đi vào tận rừng ở những nơi xa xôi như Tây nguyên để SV có thực tiễn, thì chi phí không hề nhỏ. “Tôi nghĩ các trường đều nghĩ được điều này, nhưng lại vướng mắc bởi kinh phí hạn hẹp. Cho nên vẫn mãi loay hoay với bài toán chất lượng. Việc quan hệ với doanh nghiệp để được hỗ trợ thì chỉ đáp ứng được phần nào”, tiến sĩ Quang chia sẻ.
Những ngành học lý thuyết cũng cần có phần thực hành để phát triển tư duy nhưng hầu như bị bỏ quên. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận: “Lâu nay, việc thực hành vẫn được hiểu theo nghĩa phải xuống xưởng, phải vào phòng thí nghiệm, phải đến doanh nghiệp, do đó các môn học lý thuyết chỉ đơn thuần là học thuộc lòng là xong. Cho dù học lý thuyết thì vẫn phải được làm những bài tập lớn để thực hành tư duy liên môn, thực hành ứng xử trong công việc, có những giờ học mô phỏng, có những buổi ngoại khóa, hoạt động xã hội… Nhưng hầu như điều này không có hoặc có rất ít”.
Ông Mai Văn Thiên, Phó ban Quản lý nguồn nhân lực, Tập đoàn dệt may VN, thừa nhận thực trạng này. “Rất nhiều năm nay tồn tại cách đào tạo lý thuyết không gắn với thực tiễn. SV học xong mà không nắm bắt được yêu cầu của công việc do chủ yếu chỉ học lý thuyết mà không được thực hành. Nếu các trường xây dựng được chương trình đào tạo thực hiện được đúng 60% lý thuyết, 40% thực hành và chủ động quan hệ tốt với doanh nghiệp, cho giảng viên về tận nơi để nắm bắt nhu cầu thì SV tốt nghiệp sẽ làm việc được ngay chứ không mơ hồ về công việc như hiện nay”, ông Thiên nhận định.
Tăng cường kỹ năng thực hành, xã hội trước khi tốt nghiệp Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có văn bản chỉ đạo các trường ĐH, CĐ và TCCN và học viện về một số hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ SV để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Cụ thể, trường học phải chủ động nghiên cứu các loại hình dịch vụ hỗ trợ SV nhằm tăng cường kỹ năng thực hành, xã hội thiết yếu cho SV trước khi tốt nghiệp. Đặc biệt, các trường phải đẩy mạnh các hoạt động về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong cơ sở giáo dục ĐH và TCCN. Hà Ánh
|
Mỹ Quyên