28/11/2024

Bộ trưởng đã trình được chính sách gì?

“Từ ngày được giao làm bộ trưởng Bộ Công thương đến nay, bộ trưởng đã trình chính sách gì để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, hiệu quả của các chính sách đó như thế nào?”.

 

Bộ trưởng đã trình được chính  sách gì?

“Từ ngày được giao làm bộ trưởng Bộ Công thương đến nay, bộ trưởng đã trình chính sách gì để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, hiệu quả của các chính sách đó như thế nào?”.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Hoàng Nam
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – Ảnh: Hoàng Nam

Đó là câu hỏi của đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 17-11.

Trước hiện trạng ngành công nghiệp hỗ trợ “phát triển lẹt đẹt” như nhận xét của đại biểu Khanh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn liên quan đến vấn đề này.

Trước đó buổi sáng, Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm

Nêu thực tế đến con ốc vít cũng phải nhập từ nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi về tỉ lệ nội địa hóa các ngành sản xuất ôtô, điện tử, may mặc, da giày… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sản xuất ôtô chở khách đến 80 chỗ thì chúng ta có tỉ lệ nội địa hóa đến 40%, xe tải chuyên dùng nội địa hóa đến 70%, riêng với ôtô con thì tỉ lệ nội địa hóa mới 10%, chúng ta chưa thành công.

Xe máy nội địa hóa đến 90%, xuất khẩu mỗi năm khoảng 150.000 chiếc ra nước ngoài. Điện tử gia dụng (điều hòa, tủ lạnh, máy giặt) thì mức độ nội địa hóa 30-35%; điện tử, tin học mức độ nội địa hóa còn thấp, mới khoảng 15%. Riêng các ngành dệt may, da giày thì tỉ lệ nội địa hóa đạt 50-60%.

Đã gửi câu hỏi và nhận được giải đáp bằng văn bản, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) vẫn phải tiếp tục chất vấn tại hội trường.

Ông nói: “Trong tổng số 24 nhà máy ximăng thì có đến 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu, trong đó các nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỉ lệ nội địa hóa bằng 0% hoặc không lớn hơn 3%, trong khi đó các nhà máy do nhà thầu từ các nước G7 thì tỉ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 25%.

Điều đáng quan tâm là về mặt kỹ thuật VN hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được 40% thiết bị cho các nhà máy này.

Trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì 15 dự án có tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0% tại các nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu, trong khi đó các dự án do VN làm tổng thầu thì tỉ lệ nội địa hóa đạt 20%. Tại sao như vậy, có phải là do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của bộ hay không và giải pháp khắc phục là gì?”.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Hoàng nói: “Lĩnh vực ximăng thì chúng tôi không phụ trách. Còn đối với các nhà máy nhiệt điện, tỉ lệ nội địa hóa không đáng kể thì đúng là một thực tế.

Các nhà máy nhiệt điện công suất lớn hiện nay phần lớn đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC, tức là thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công rồi bàn giao để chúng ta vận hành. Chính vì vậy phần lớn máy móc và thiết bị là do tổng thầu đảm nhận, mặc dù nhiều máy móc thiết bị chúng ta có thể làm được”.

Theo bộ trưởng, để doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án này, trong không ít văn bản Chính phủ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ dự án mời thầu phải tách bạch các gói thầu mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.

“Yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng là vậy nhưng rất tiếc trong nhiều trường hợp do nhiều lý do, các chủ đầu tư không tách bạch được các gói thầu này ra, nó vẫn nằm trong tổng thầu EPC do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện” – ông Hoàng cho hay.

Không hài lòng với phần trả lời của bộ trưởng, các đại biểu đều chất vấn lại. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) cho rằng ông Vũ Huy Hoàng đã làm bộ trưởng đến hai nhiệm kỳ nên phải chịu trách nhiệm về sự chậm tiến của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

“Tôi đã đánh dấu vào ô “tín nhiệm” với bộ trưởng chứ không đánh ô “tín nhiệm cao” vì tôi thấy có nhiều vấn đề chưa ưng ý lắm. Nên tôi mong bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc kiến nghị chính sách với Quốc hội và Chính phủ” – ông Mạo nói.

Còn nhiều hạn chế trong chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái

Đề cập công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm.

“Các lực lượng chức năng đã cố gắng nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường của chúng tôi. Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ lấy phiếu tín nhiệm thì cá nhân tôi đã nhận trách nhiệm về hạn chế này” – bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực tế trong các chỉ đạo chống buôn lậu thì Thủ tướng, phó thủ tướng đều nhấn mạnh nơi nào để xảy ra buôn lậu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Nhưng câu “phải chịu trách nhiệm” là rất chung chung, nên đại biểu Cường đề nghị bộ trưởng cho biết đến nay đã khởi tố bao nhiêu vụ, xử lý trách nhiệm bao nhiêu người?

Bộ trưởng trả lời: “Báo cáo với đại biểu là lát nữa Phó thủ tướng sẽ cung cấp thông tin đã xét xử bao nhiêu trường hợp, đã xử lý thế nào. Chúng tôi chỉ là cơ quan phối hợp trong quản lý thị trường nên con số này tôi không nắm được cụ thể.

Riêng với lực lượng cán bộ quản lý thị trường, tính từ đầu năm 2012 đến tháng 8-2014 thì quản lý thị trường cả nước đã kỷ luật khiển trách 25 trường hợp sai phạm, cảnh cáo 16 trường hợp và cách chức, buộc thôi việc bốn trường hợp”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):

Không dàn trải như các lần trước

So với các lần trả lời chất vấn trước đây thì tôi thấy phần trả lời lần này của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có nhiều tiến bộ hơn, ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề hơn, không dàn trải như các lần trước. Và bộ trưởng đã có một phần nhận trách nhiệm của bộ.

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ thì rất đáng lo. Nhìn ra xung quanh, ta thấy Campuchia đã làm được ôtô giá rẻ thân thiện với môi trường.

Ta cần phải có quyết tâm hơn nữa và Bộ Công thương với vai trò là bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần chủ động tham mưu, đề xuất chính sách trình Chính phủ, trình Quốc hội đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Với câu hỏi của tôi về mô hình chợ trở thành trung tâm thương mại tràn lan thời gian qua, đây là một vấn đề rất dân sinh và xảy ra khá nhiều trên toàn quốc, bà con tiểu thương và gia đình họ rất quan tâm.

Chính vì vậy Bộ Công thương cần nghiên cứu thực tế này để có giải pháp phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):

Chất vấn lại để truy đến cùng

Tôi nghĩ bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời đáp ứng được một phần mong mỏi của cử tri, nhưng nếu nói đã trả lời hết vấn đề chưa thì chưa thật đầy đủ. Với câu hỏi của tôi thì qua trả lời của bộ trưởng, tôi chưa thật sự hài lòng.

Tôi chất vấn lại (trong đó có đoạn “nếu bộ trưởng nói cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón, vậy với thuốc trừ sâu thì phải làm thế nào?”) bởi vì muốn cử tri nghe trực tiếp bộ trưởng nói về các cách kiểm định như thế.

Nếu mình không chất vấn lại thì cử tri sẽ nói bộ trưởng trả lời như vậy chẳng lẽ đại biểu ngồi im? Chất vấn lại là để cử tri được nghe rõ ràng, đầy đủ, qua đó để cử tri thấy đại biểu cũng truy đến cùng chứ không phải thấy bộ trưởng trả lời vậy rồi thôi.

V.V.THÀNH ghi