Điều tốt luôn có trong mỗi con người
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhiều bạn đọc trích dẫn lời dạy của người xưa để nói rằng tính tốt luôn có sẵn, chỉ tùy vào sự tác động của hoàn cảnh mà được phát huy hay thui chột đi.
Điều tốt luôn có trong mỗi con người
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhiều bạn đọc trích dẫn lời dạy của người xưa để nói rằng tính tốt luôn có sẵn, chỉ tùy vào sự tác động của hoàn cảnh mà được phát huy hay thui chột đi.
Quang cảnh buổi tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam” sáng 16-11 – Ảnh: Quang Định |
Nóng lòng, cương quyết loại bỏ những thói hư tật xấu khỏi tính cách người Việt hiện nay, tựa như rửa sạch vết bẩn trên gương mặt lọ lem là thái độ chung của hơn 200 bạn trẻ cùng các khách mời tại buổi tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam” (báo Tuổi Trẻ và công ty Samsung Vina tổ chức) diễn ra sáng 16-11.
Trao đổi ý kiến tích cực tại tọa đàm là các khách mời: ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội), bà Phạm Phương Thảo (nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM), ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Công ty Samsung Vina) và anh Nguyễn Chí Hiếu (tiến sĩ ĐH Stanford).
Đề ra luật pháp là việc của Nhà nước, nhưng thực thi nghiêm chỉnh luật pháp là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Những cá nhân khát vọng làm điều đúng, dám làm điều mình cho là đúng chính là những hạt nhân xây dựng một VN tốt đẹp hơn |
Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội) |
Bản chất tốt, hiện tượng xấu
Không khó để người tham dự liệt kê những đức tính đáng tự hào của người Việt: cần cù, sáng tạo, yêu nước, tương thân tương ái… khi đề cập những “điểm cộng” trong tính cách dân tộc.
Hơn 1.000 bạn trẻ được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây của báo Tuổi Trẻ cũng đưa ra những đức tính tương tự. Nhưng số liệu về tỉ lệ cụ thể lại là điều đáng bàn.
Đơn cử như con số cao nhất: 60% người trẻ Việt cho rằng tính tốt của người Việt là chăm chỉ, cần cù.
Đây là tin mừng nhưng dưới góc nhìn của anh Nguyễn Chí Hiếu, ở đó cũng có điều băn khoăn: học sinh, sinh viên VN được các bậc cha mẹ, thầy cô lẫn bạn bè quốc tế công nhận là siêng học. Với du học sinh thì phần lớn thời gian các bạn nghiền ngẫm tài liệu trong thư viện, số giờ học thường cao gấp nhiều lần sinh viên nước ngoài. “Nhưng sự cần cù trong trường hợp này có triệt tiêu sự sáng tạo không?” – anh đặt câu hỏi.
“Cần cù có thật sự hoàn toàn tốt không khi hiện nay những phương thức hiệu quả, tiết kiệm thời gian, đi kèm với đòi hỏi tính sáng tạo và bứt phá cao đang được xem là giải pháp mà nhiều nước hướng đến?”.
Ngược lại, chỉ 6% cho rằng người VN trung thực, dựa theo bảng khảo sát.
Thực tế ngay tại tọa đàm, không ai nêu ý kiến người Việt hiện nay trung thực. Nhiều lời kêu gọi chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, thiếu liêm chính trong hành vi ứng xử hằng ngày được bạn đọc nêu lên mạnh mẽ trong cuộc trò chuyện.
“Rất nhiều trong số chúng ta đã đau khổ từ bỏ sự trung thực của mình vì hoàn cảnh” – ông Nguyễn Văn Đạo nhận định.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhiều bạn đọc trích dẫn lời dạy của người xưa để nói rằng tính tốt luôn có sẵn, chỉ tùy vào sự tác động của hoàn cảnh mà được phát huy hay thui chột đi.
Như ông Dương Trung Quốc chiêm nghiệm: “Chúng ta đang thiếu điều kiện, cơ hội để tính tốt phát lộ, phát triển”.
Theo ông, môi trường sống hiện tại – vốn đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa cái mới và cái cũ, thời kỳ đụng độ của nhiều luồng quan điểm khiến trắng đen lắm khi đảo lộn – không phải là môi trường thuận lợi cho những tính tốt như trung thực, dũng cảm lên ngôi.
Mỗi người tốt để có xã hội tốt Tôi nghĩ để khắc phục những chưa tốt cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân nên làm tốt vai trò của mình thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Chính quyền phải có chính sách đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của người dân. Truyền thông nên đưa thông tin một cách đúng đắn, chính xác, khách quan. Giáo dục phải khắc phục được những bất cập hiện tại của mình, phục vụ tốt nhất cho người học. Văn hóa văn nghệ cũng phải góp phần định hướng nhân cách, tâm hồn cho khán thính giả… Có như vậy xã hội mới có thể phát triển đúng đắn”. |
Tuy nhiên, vào những thời điểm đúng, như sự kiện quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả xã hội bồi hồi nhìn thấy diện mạo đẹp đẽ của người Việt hồi sinh: dòng người trật tự đến viếng Đại tướng, sự đoàn kết một lòng, tinh thần yêu nước…
Ông khẳng định: “Không có niềm tự hào, dân tộc, đất nước đã không thể tồn tại đến ngày nay. Rõ ràng sự tự hào cũng như những điều tốt đẹp vẫn còn đó”.
Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo điểm lại các giai đoạn lịch sử và chỉ ra trong giai đoạn hiện tại, khi những nhu cầu cá nhân có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, những cơ hội làm giàu cùng cám dỗ, sức ép cơm áo gạo tiền hiển hiện trước mắt, người ta, đặc biệt là người trẻ, chịu áp lực lớn trong việc giữ gìn những tính tốt.
Tuy nhiên, bà nói vẫn thấy ở người trẻ bản chất tốt đẹp chờ cơ hội bộc lộ.
Và theo các khách mời, có chăng sự giảm đi tính tốt và gia tăng cảm giác người Việt xấu đi một phần do tác động từ mạng xã hội – nơi những thông tin tiêu cực luôn hút nhiều lượt xem và được lan truyền nhanh, nhiều vượt trội.
Anh Nguyễn Chí Hiếu kể một câu chuyện minh họa: anh cho học trò mình – những bạn trẻ thường chỉ quan tâm các vụ lùm xùm trong giới nghệ sĩ – xem một đoạn phim về việc làm mẹ.
Phim hết, đèn bật lên, anh nhìn thấy nước mắt chảy dài trên những gương mặt mới vài phút trước đó còn… chửi thề trên mạng xã hội. “Rõ ràng bản chất của người trẻ là tốt, dù hiện tượng bên ngoài có vẻ xấu hơn” – anh nhận định.
Gạn đục khơi trong - việc không của riêng ai
“Tính xấu nhất của người Việt là rất sợ nói xấu mình” – ông Dương Trung Quốc dẫn lại lời nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Tuy nhiên tại buổi tọa đàm, tính xấu đó dường như không tồn tại, bởi từ khách mời đến bạn đọc tham dự đều thẳng thắn, thậm chí kịch liệt nêu ra và lên án hàng loạt tính xấu. Nói giỏi hơn làm, bàng quan, ích kỷ, hay chỉ trích chê bai, tự ti… là một số trong rất nhiều tính xấu được “chỉ điểm”.
Nhiều bạn đọc trẻ đã chỉ ra những tính xấu như một bản tự kiểm bản thân. Như bạn Trúc Lâm, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận có nhiều việc người trẻ biết sai vẫn làm, như vi phạm Luật giao thông, hành động gây hại môi trường… chỉ vì không thích thay đổi bản thân.
Hoặc như bạn Huy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận xét từ bạn bè quanh mình: nhiều bạn manh động theo cách cộng đồng mạng vẫn gọi là “trẻ trâu”: sẵn sàng gây tổn thương người khác, bất chấp hậu quả.
Các bạn trẻ cũng mạnh dạn nêu ra những tính xấu của người lớn như bao che, ô dù, tạo môi trường kém công bằng để người trẻ cạnh tranh…
Trong khi đó, nặng lòng với việc giáo dục lớp trẻ, bác Võ Ái Dân (70 tuổi) hùng hồn góp những lời tâm huyết: “Thượng bất chính, hạ tắt loạn. Người lớn không ra người lớn, không làm gương, sao đám nhỏ noi theo?”.
Về phía người trẻ, các bạn tin rằng nhiều thay đổi nhỏ đến từ chính bản thân mỗi người có thể sẽ tạo thành một sự thay đổi lớn để phát huy những tính tốt của người Việt.
Anh thợ hồ tên Hùng ở Đồng Nai đã đứng lên dõng dạc khẳng định năng lực và quyết tâm của bản thân mới là yếu tố quyết định mọi sự đổi thay: dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm, khéo léo gạn đục khơi trong, tìm kiếm phát huy các giá trị tốt đẹp cốt lõi để có thể thốt lên hai chữ “tự hào” khi nói về nước Việt.