27/11/2024

Học văn từ cuộc sống

Đó là tên gọi của một dự án đang được triển khai tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, bắt nguồn từ ý tưởng của thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh.

 

Học văn từ cuộc sống

Đó là tên gọi của một dự án đang được triển khai tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, bắt nguồn từ ý tưởng của thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh.

 

Phút xúc động của học sinh lớp 11A13 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) và thầy Đỗ Đức Anh (phải) trong buổi báo cáo dự án “Học văn từ cuộc sống” – Ảnh: Như Hùng
Học văn từ cuộc sống trải qua bốn giai đoạn: giai đoạn dạy lý thuyết về phong cách ngôn ngữ báo chí, phỏng vấn, viết quảng cáo, viết lời bình; giai đoạn dạy kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết tình huống, quản lý thời gian; giai đoạn trải nghiệm thực tế và giai đoạn hoàn thành sản phẩm
Thầy Đỗ Đức Anh

“Cách đây ba năm, một cựu học sinh Trường Bùi Thị Xuân đã gửi mail cho tôi và đặt câu hỏi: “Tại sao cuộc đời là một tác phẩm lớn, một tác phẩm tuyệt vời, bất tận nhưng chúng em lại rất ít cảm nhận được về cuộc đời?”.

Câu hỏi ấy đã nhen lên trong tôi ý tưởng “Học văn từ cuộc sống”. Ý tưởng ấy đau đáu trong tôi suốt ba năm đến bây giờ tôi mới tự tin thực hiện” – thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ trong buổi báo cáo kết quả thực hiện dự án “Học văn từ cuộc sống” với chủ đề “Sài Gòn – những góc nhìn trẻ” tổ chức sáng 26-11.

Những lát cắt cuộc đời 

12 phim ngắn là kết quả làm việc miệt mài trong ba tháng của thầy – trò Trường Bùi Thị Xuân: “Học sinh vẫn phải đi học đầy đủ, hoàn thành tất cả bài học, bài tập của các môn khác nhưng còn kiêm thêm việc đi thực tế, quay phim, phỏng vấn. Khi về đến nhà thì miệt mài dựng phim, riêng 

môn văn thì các em vẫn phải học tất cả các bài trong sách giáo khoa theo phân phối chương trình. Có bữa 3g sáng tôi nhắn tin thì 3 giây sau học sinh đã trả lời ngay: “Con vẫn đang làm”. Nghĩa là 3g sáng các em vẫn chưa ngủ.

Tôi lấy chủ đề về Sài Gòn cho học sinh tìm hiểu vì đây là nơi các em đang sinh sống và học tập. Ban đầu tôi định thực hiện tại lớp 11A13 thôi, không ngờ học sinh các lớp 10A10, 10A11, 10A14 (do cô Nguyễn Thị Thanh Tâm và cô Lê Cúc Anh giảng dạy môn văn – NV) cũng thích nên tổng cộng có bốn lớp tham gia dự án” – GV Đỗ Đức Anh cho biết.

12 phim với những đề tài khác nhau, học sinh Trường Bùi Thị Xuân đã phản ánh những lát cắt chân thực nhất về Sài Gòn: Lách cách Sài Gòn (về nghề bán hủ tiếu gõ), Đôi vai gánh cả tương lai (về những người bán hàng rong nuôi con ăn học), Sài Gòn dậy sớm không?, Sài Gòn ai còn nhớ? (về những người viết thư, viết đơn thuê, ép sách thủ công…), Có một phố cổ giữa Sài Gòn, Én nhỏ lạc bầy (về những bệnh nhi ung thư), Người đàn bà đi nhặt mặt trời (về người mẹ đơn thân ở Hóc Môn), Dấu chấm hết cho sự bắt đầu (nạn phá thai), Vào đời sớm (về những đứa trẻ phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề), Sài Gòn những mảnh đời đêm, Sài Gòn ngày về trên những ánh đèn đô thị và Hạnh phúc được mua bằng nỗi đau.

Tại buổi báo cáo, MC của chương trình đã mời các học sinh lên chia sẻ về sản phẩm của mình. Nhóm học sinh làm phim về phố cổ giữa lòng Sài Gòn đã kể: “Đó giờ cứ nhắc tới phố cổ là người ta nghĩ ngay đến phố cổ Hội An.

Khi tụi con đi rồi mới biết TP.HCM cũng có phố cổ của người Hoa ở ngay quận 5. Đó là một thế giới với những phong tục, tập quán mà tụi con chưa bao giờ được biết, một phố cổ có những món ăn, quán ăn mà tụi con chưa bao giờ được nếm thử. Phố cổ giữa Sài Gòn là để mọi người biết đến và trân quý nó”.

Và trăn trở

Nhóm làm phim về bệnh nhi ung thư trăn trở: “Ai cũng biết Sài Gòn rất xa hoa và lộng lẫy. Chúng em muốn tìm đến những góc khuất khác của Sài Gòn. Đó là những em nhỏ hằng ngày phải chống chọi với căn bệnh ung thư.

Trước khi đến, cứ tưởng các em lúc nào cũng đau buồn và tuyệt vọng. Nhưng khi chứng kiến những nụ cười hồn nhiên, vô tư của các em, nghe các em bộc bạch về nỗi khát khao được đến trường, chúng em mới thấm thía hai chữ “nghị lực”.

Làm phim này, chúng em cảm thấy xấu hổ với những bệnh nhi vì trong học tập mình cũng có những lúc vấp váp nhưng chưa gì đã vội chán nản, buông xuôi”.

Cả hội trường như lặng đi khi đại diện nhóm học sinh làm phim về nạn phá thai tâm sự: “12g trưa, nhóm mình đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Người quản trang dắt tụi mình đến phần mộ của những đứa bé bị bỏ rơi, những phần mộ không ai chăm sóc, cỏ dại mọc đầy. Nhìn phần mộ có dòng chữ “Bé bỏ” mà mình không kìm lòng được, nghĩ đến số phận của những sinh linh bé bỏng bị vùi dưới lòng đất sâu và cảm thấy bản thân mình quá may mắn vì được cha mẹ, gia đình yêu thương chăm sóc”.

Tại buổi báo cáo, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm – người đồng hành cùng các học sinh lớp 10 thực hiện dự án – thông tin: “9g tối hôm qua các em vẫn còn ngồi sửa lại những hình ảnh cho phim của mình trong khi phụ huynh đang chờ ngoài cổng trường. Các em nói không phải làm để được giải mặc dù các em rất thích được giải (nhà trường sẽ chấm và trao giải thưởng cho những nhóm làm phim xuất sắc nhất, ấn tượng nhất, sáng tạo nhất – PV). Các em nói muốn làm để xem khả năng của mình đến đâu, thấy mình lớn hơn được đến mức nào”.

“Cảm ơn nhà trường, thầy cô”

Buổi báo cáo “Học văn từ cuộc sống” thường  xuyên vang lên những tiếng cười sảng khoái, những tràng pháo tay rộn rã khi các học sinh xem những thước phim do bạn mình làm. Nhưng đặc biệt, buổi báo cáo còn có những giọt nước mắt: Khi chương trình đang diễn ra thì học sinh ở dưới giơ tay: “Thầy ơi, tụi con có điều muốn nói”.

Châu Kim Bảo, nam sinh lớp 11A13, nói trong sự xúc động: “Chúng em muốn nói chúng em cảm ơn thầy rất nhiều. Thầy không chỉ dạy chúng em bằng sách vở mà còn dạy chúng em bằng tình yêu, niềm đam mê, sáng tạo. Ba tháng qua chúng em học được rất nhiều thứ. Đây là hành trang quan trọng cho chúng em mang theo cuộc đời mình. Chúng em rất cảm ơn thầy”.

Ở các nhóm khác, học sinh cũng thay phiên nhau bày tỏ tình cảm của mình với hai giáo viên Nguyễn Thị Thanh Tâm và Lê Cúc Anh, các em gọi cô giáo là “má trẻ” vì các cô đã động viên và đồng hành cùng học sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi báo cáo, ông Trần Thanh Thủy, phụ huynh lớp 10A10, nhấn mạnh: “Tôi rất bất ngờ khi dự buổi báo cáo hôm nay. Thời gian con tôi làm dự án tôi cũng thắc mắc sao con mình tập trung vào chuyện này nhiều quá, có bữa cháu thức tới 5g30 sáng. Tôi ngủ mà cứ giật mình hoài, lo lắng không biết con mình có làm dự án thật không hay chát chít trên mạng. Tôi không ngờ việc học văn từ cuộc sống lại mang đến cho học sinh nhiều lợi ích như vậy. Cảm ơn nhà trường, cảm ơn các thầy cô”.

Bà Nguyễn Nguyệt Lệ (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM):

Hình thức dạy và học mới mẻ

“Học văn từ cuộc sống” đã mang đến một hình thức dạy và học văn mới mẻ, không chỉ thể hiện cái tâm mà còn thể hiện sự năng động, sáng tạo của giáo viên.

Ngoài việc cung cấp những kỹ năng mềm như kỹ năng viết văn (viết lời bình), dựng phim, làm việc nhóm, quản lý thời gian, thành công lớn nhất của dự án chính là chạm được vào trái tim học trò, làm sống dậy những tình cảm tốt đẹp của các em về cuộc sống, về con người.

Khi có rung động thật sự thì các em sẽ biết yêu thương hơn, quan tâm đến mọi người hơn và sống có trách nhiệm hơn. Buổi báo cáo hôm nay đã cho tôi học hỏi được nhiều điều để mang về trường mình áp dụng.

HOÀNG HƯƠNG