26/11/2024

Đưa người lang thang vào cơ sở xã hội

Bắt đầu từ ngày 28-12, TP.HCM sẽ đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.

 

Đưa người lang thang vào cơ sở xã hội

Bắt đầu từ ngày 28-12, TP.HCM sẽ đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.

Một phụ nữ ôm con ngồi ăn xin trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Tiến Long

Ông Võ Thanh Quang – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM – cho biết hằng năm TP đều mở các đợt tập trung người ăn xin lang thang, người không có nơi cư trú ổn định.

Cùng với chiến dịch tập trung người nghiện ma tuý lang thang thì một số người không nơi cư trú nhất định cũng được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội.

Xử lý người đàn hát, giả tu sĩ để xin ăn

Theo ông Quang, người đi ăn xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc người đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo… đều bị xem xét để đưa vào cơ sở xã hội. Nếu là tu sĩ khất thực thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan Giáo hội Phật giáo VN có thẩm quyền.

Người sinh sống nơi công cộng được xét theo tiêu chí mọi sinh hoạt hằng ngày (tắm, giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra nơi công cộng như vỉa hè, gầm cầu, quảng trường, công viên, bến xe, trạm xe buýt… Riêng người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc bệnh được đưa về Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần.

Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh Tâm thần, Trung tâm Hỗ trợ Xã hội là đơn vị tiếp nhận ban đầu và quản lý đối tượng, lập hồ sơ phân loại và chuyển hồ sơ tiếp nhận ban đầu cho giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền.

Những trường hợp đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội từ lần thứ hai trở lên thì tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Trung tâm sẽ nuôi dưỡng người ăn xin lang thang, người không có nơi cư trú trong thời gian không quá ba tháng.

“Nếu kết quả xác minh không có nơi cư trú nhất định hoặc hết thời hạn xác minh mà không có trả lời của chính quyền địa phương nơi xác minh thì trung tâm sẽ chuyển vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội của TP. Trường hợp có nơi cư trú sẽ được hoàn gia” – ông Quang nêu rõ.

Chăm lo mỗi người 30.000 đồng/ngày

Theo thông tin từ một số quận  huyện, công tác tập trung người ăn xin lang thang và người không có nơi cư trú được duy trì thường xuyên tại địa bàn.

Bà Lou Hàn Cánh, trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 5, cho biết quận 5 có một số công viên đối tượng này tụ tập nhưng trong đợt tập trung người nghiện vào cơ sở xã hội ngày 5-12 thì một số người ăn xin lang thang, người không có nơi cư trú cũng được chuyển vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội. Đến nay tình hình tương đối ổn.

Ông Phạm Đức Trung, phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Thủ Đức, cũng cho biết trong tuần trước quận đưa một trường hợp bốn mẹ con được cho là người Campuchia không có nơi cư trú vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội.

Trên địa bàn quận Thủ Đức có thực trạng người bán vé số ăn xin, khi kiểm tra họ vẫn có vé số nhưng thực chất là vừa ăn xin, vừa bán vé số và cũng nằm trong đối tượng phải đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội.

Theo ông Trung, việc xử lý người ăn xin, lang thang đòi hỏi địa phương phải “đọc” được hoàn cảnh của từng người. Khi có người mới xuất hiện tại địa bàn, địa phương phải nắm được người đó ở đâu. Nếu phát hiện có gia đình thì vận động gia đình quản lý họ, những trường hợp thật sự lang thang thì đưa vào cơ sở.

Ông Võ Thanh Quang cho biết hằng năm Trung tâm Hỗ trợ Xã hội tiếp nhận trên 2.000 người ăn xin lang thang và người không có nơi cư trú nhất định. Hiện trung tâm đang lưu giữ trên 200 người với mức chăm lo 30.000 đồng/người/ngày. Ông đánh giá từ trước đến nay đa số quận huyện đều tập trung đúng đối tượng.

 

Trước đây trung tâm cũng có kế hoạch mở rộng khu vực nhà lưu trú để hỗ trợ người từ các tỉnh, thành phố khác đến TP.HCM khi gặp khó khăn, cơ nhỡ nhưng chưa được triển khai thực hiện. Theo quyết định của UBND TP, tới đây trung tâm này sẽ mở rộng khu vực lưu trú cho nhóm người này.