Cùng xây tủ sách thông minh: Cuộc phiêu lưu của tâm hồn
Nói về chủ đề “Cùng xây tủ sách thông minh”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ về “một cuộc phiêu lưu bất tận của mỗi con người”.
Cùng xây tủ sách thông minh: Cuộc phiêu lưu của tâm hồn
Nói về chủ đề “Cùng xây tủ sách thông minh”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ về “một cuộc phiêu lưu bất tận của mỗi con người”.
Cha mẹ có thể giúp con tìm “một cuộc phiêu lưu bất tận của mỗi con người” từ sách – Ảnh: Q.Định |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – Ảnh: Cao Xuân Sơn |
1. Trong một cuộc thi viết về sách do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, em Lâm Hạ ở Ðắk Lắk kể rằng có một lần chạy qua nhà rủ bạn đi chơi như thường lệ, em sửng sốt thấy bạn từ chối chỉ vì mải chăm chú đọc một cuốn sách. Tò mò quá, em năn nỉ hỏi mượn cuốn sách để đọc thử xem sách có gì hay mà một đứa bạn vốn mê chơi bỗng nhiên không buồn chạy nhảy. Hôm đó em mất hai bắp ngô luộc để được bạn đồng ý cho mượn sách.
Dự án “Thư viện thông minh Samsung” gửi thông điệp “Cùng xây tủ sách thông minh” đến với cộng đồng. Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em.
Cùng với cha mẹ, “Tủ sách thông minh” sẽ là người thầy, người định hướng tương lai cho các em ngay từ khi còn nhỏ.
|
Lúc đó dĩ nhiên em Lâm Hạ tiếc hùi hụi hai bắp ngô, nhưng nhiều năm về sau em nhận ra đó là một cái giá quá rẻ vì sự đổi chác trẻ con kia đã mở ra trước mắt em một thế giới kỳ diệu em chưa từng biết tới trước đó – cái thế giới mà em sẽ sống hạnh phúc với nó dài lâu: thế giới sách!
Qua câu chuyện có thật này, ta thấy trẻ em bị ảnh hưởng từ bạn bè rất lớn. Các bậc làm cha làm mẹ ở nông thôn suốt ngày tối mặt với công việc đồng áng, ít có thời gian chăm chút việc học huống chi là việc đọc của con cái. “Trăm sự cũng nhờ các thầy cô” là câu nói ta thường bắt gặp nơi cửa miệng của họ.
Bên cạnh sự tin tưởng dành cho thầy cô giáo, các bậc phụ huynh thôn quê cũng rất coi trọng việc kết bạn của con cái. Họ khuyến khích con chơi với những bạn học giỏi, ngăn cấm con kết bạn với những đứa lêu lổng. Kinh nghiệm dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức họ: “chọn bạn mà chơi”, “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.
Từ đó suy ra vì sao các bậc làm cha làm mẹ ở thôn quê có khuynh hướng chọn bạn cho con hơn là chọn sách cho con. Thay vì đặt sách vào tay con, họ đã đặt con mình vào tay những đứa bạn hiếu học. Bởi vì đứa hiếu học thường là đứa ham đọc sách: “Mẹ thấy bạn A tay không lúc nào rời cuốn sách, sao con không bắt chước bạn?”.
Phương pháp gián tiếp đó có hiệu quả khá cao. Trong một điều tra xã hội học cách đây vài năm, người ta đưa ra câu hỏi: “Bạn chọn đọc một cuốn sách vì lý do gì?”.
Trong các đáp án “vì tác động của truyền thông”, “vì tên tác giả”, “vì tên nhà xuất bản”, “vì bạn bè giới thiệu”, “vì theo phong trào: đọc vì thấy xung quanh ai cũng đọc” thì yếu tố “vì bạn bè giới thiệu” là một kênh quan trọng. Trẻ em nông thôn thường đến với sách theo kênh này.
2. Các bậc phụ huynh ở thành phố có điều kiện chăm sóc cho việc đọc của con mình hơn nhưng không phải ai cũng sử dụng tốt điều kiện đó. Những người có ý thức hướng dẫn con cái đọc sách thì không ít người lại gí vào tay con những cuốn sách mình thích hoặc mình cho là tốt.
Nhưng trẻ em đến với sách là vì nó hấp dẫn, nó làm các em thích thú, say mê chứ không phải vì nó tốt. Một cuốn sách tốt nhưng không thu hút trẻ em chỉ là cuốn sách đạo đức khô khan.
Với trẻ em, yêu cầu trước tiên đó phải là cuốn sách hay, tức là cuốn sách đó phải chinh phục được trái tim các em. Khi đã say mê một cuốn sách, những điều hay lẽ phải chứa đựng kín đáo trong những trang văn sẽ ngấm vào tâm hồn các em bằng cách vô hình nhất nhưng cũng vững chắc nhất. Lúc đó tình cảm sẽ chuyển hoá thành nhận thức một cách tự nhiên.
Vậy các bậc cha mẹ nên chăng chỉ ngăn ngừa con cái tiếp xúc với những cuốn sách kém lành mạnh, còn chọn đọc cuốn sách nào để tùy các em chọn theo sở thích. Lớn lên, thay đổi nhận thức qua từng cấp độ, các em sẽ tự điều chỉnh cách đọc của mình.
Chưa kể cuốn sách cha mẹ cho là hay chưa chắc con cái đã thấy hay, vì trình độ hiểu biết, sự trải nghiệm và “gu” thưởng thức giữa người lớn và trẻ em có rất nhiều khác biệt. Ép các em đọc một cuốn sách mà các em không thích, vô tình khiến các em thấy đọc sách là một cực hình.
Bổn phận cha mẹ là giúp con cái hứng thú với sách, từ đó tạo nên một tinh thần tự nguyện chứ không phải tước bỏ hứng thú đó bằng cách chất lên vai các em một gánh nặng.
Vả lại làm sao người lớn có thể chắc chắn rằng trẻ em sẽ thích đọc cuốn sách này mà không phải cuốn sách kia, trong khi chính các nhà văn viết truyện cho trẻ em không phải lúc nào cũng biết được cuốn sách mình sắp viết ra có được các em đón nhận hay không.
Giúp trẻ em làm quen với thế giới sách, xem việc đọc sách là thú vui, là thói quen thường nhật xét ra vẫn là mục tiêu căn bản. Ðể con tự chọn sách phù hợp với lứa tuổi và với khả năng cảm thụ của mình là một yếu tố.
Yếu tố khác, cũng quan trọng không kém, là thay vì cho tiền để con tự mua sách như tự mua một ổ bánh mì hay một đôi giày, các bậc cha mẹ nên cùng đi với con đến các hội sách hoặc đến nhà sách vào những ngày cuối tuần. Có cha mẹ cùng tham gia, các em sẽ thấy được thái độ trân trọng của người lớn đối với sách.
Lúc đó, tung tăng giữa các dãy kệ đầy sách, say sưa ngắm từng cái bìa, hân hoan xem từng trích đoạn, các em sẽ cảm nhận được sự mời gọi của chữ nghĩa, sẽ hít thở được bầu khí quyển văn chương trong lành. Và đi mua sách không còn là chuyện đi mua một món hàng nữa mà là tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tâm hồn.
Cuộc phiêu lưu đó, một khi đã có bước khởi đầu tốt đẹp, sẽ là một cuộc phiêu lưu bất tận của mỗi con người.