27/11/2024

Viết sách giáo khoa: Từ những bộ sách âm thầm…

Từ nhiều năm nay ở Hà Nội và TP.HCM, không ít giáo viên và nhóm giáo viên đã tự biên soạn các bộ tài liệu dạy học để sử dụng bên cạnh hoặc thay thế kênh tài liệu chính thức là sách giáo khoa (SGK).

 

Viết sách giáo khoa: Từ những bộ sách âm thầm…

 

Từ nhiều năm nay ở Hà Nội và TP.HCM, không ít giáo viên và nhóm giáo viên đã tự biên soạn các bộ tài liệu dạy học để sử dụng bên cạnh hoặc thay thế kênh tài liệu chính thức là sách giáo khoa (SGK). 

 

 

Nhờ có tài liệu dạy học (do tổ văn biên soạn) mà giáo viên môn văn Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM có thời gian đổi mới phương pháp giảng dạy: cho học sinh chủ động trong tiết học, tự tìm hiểu về bài học rồi thuyết trình
Nhờ có tài liệu dạy học (do tổ văn biên soạn) mà giáo viên môn văn Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM có thời gian đổi mới phương pháp giảng dạy: cho học sinh chủ động trong tiết học, tự tìm hiểu về bài học rồi thuyết trình

Liệu đây có là một tiền đề thuận lợi cho chủ trương một chương trình – nhiều bộ SGK đang được triển khai?   

Câu chuyện Hà Nội: Động lực để viết sách 

Thầy Phạm Văn H. – cán bộ quản lý Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội – là một giáo viên toán giàu kinh nghiệm. Để cuốn hút được học sinh, ông đúc kết: ngoài cái duyên sư phạm thì người thầy cần có nền tảng kiến thức tốt dựa trên một thời gian dài tích lũy của một quá trình học hỏi không ngừng.

Vì thế, thầy H. mua và đọc rất nhiều sách, rồi bắt đầu viết sách. Trong số sách tham khảo môn toán cấp THPT mà thầy tham gia viết, ba bộ đã được xuất bản.  

Làm sao cạnh tranh về giá? 

Trên thực tế, TP.HCM đã và đang biên soạn một bộ tài liệu dạy học cho bậc THCS, riêng bộ tài liệu môn vật lý đã được thử nghiệm tại một số trường THCS từ năm 2011 đến nay. 

Bộ sách được đánh giá khá tốt vì tính ứng dụng, thực tiễn của nó. Tại nhiều trường, học sinh đã sử dụng tài liệu này thay cho SGK môn vật lý do Bộ GD-ĐT ban hành. 

Tuy nhiên, giá thành của cuốn tài liệu dạy học vật lý cao hơn nhiều so với giá thành SGK của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn, cuốn tài liệu dạy học vật lý 7 có giá 40.000 đồng/cuốn, trong khi SGK Vật lý 7 của Bộ GD-ĐT chỉ có 5.500 đồng/cuốn. 

Giải thích về điều này, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: SGK Vật lý 7 của bộ chỉ có 88 trang, ít hình ảnh và được in chủ yếu với ba màu: trắng, đen, đỏ. Còn tài liệu dạy học vật lý 7 của Sở GD-ĐT TP.HCM có tới 180 trang, nhiều hình ảnh hơn, in bằng nhiều màu rất bắt mắt. Do số lượng bản in thấp hơn, lại không được trợ giúp về nhiều mặt (kể cả kinh phí) như SGK do bộ thực hiện, nên loại sách gần như “tư nhân” này (Nhà xuất bản giữ quyền công bố tác phẩm, chịu trách nhiệm biên tập, in ấn, phát hành… rồi trả tiền bản quyền cho tác giả) rất khó có mức giá thấp. 

Theo các chuyên gia trong ngành xuất bản, giá thành SGK chính là sự lo lắng lớn nhất, khiến họ rất băn khoăn trong việc quyết định có tham gia làm SGK cho chương trình đổi mới sắp tới hay không. Sách “tư nhân” chắc chắn không thể cạnh tranh được với sách “nhà nước” về giá thành, chưa nói đến việc cạnh tranh trên những “kênh” phát hành, thẩm định…

H.HG.

“Khoảng 5-7 năm trước, khi tôi còn là phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân thì anh Khánh (hiện là giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) tập hợp mấy anh chị em dạy toán lại để bàn viết tài liệu chung cho nhóm, phục vụ việc dạy ôn thi ĐH.

Nhóm tập hợp các giáo viên từ nhiều trường, chúng tôi bàn bạc về sở đoản sở trường của từng người rồi phân công ai viết mảng nào. Mỗi người viết xong phần mình thì đưa cho mọi người trong nhóm góp ý, sau đó chúng tôi bổ sung, hoàn thiện thành một tài liệu dùng chung. Sau này trong quá trình sử dụng, mỗi người lại thêm bớt nội dung tài liệu phù hợp với thực tế dạy học, với đối tượng học sinh của mình” – thầy H. cho biết.

Nhóm ban đầu này của thầy H. nay đã không còn cùng nhau nhóm họp do ai cũng bận việc quản lý, thầy H. tiếp tục con đường này bằng cách tham gia các nhóm mới.

“Tôi tin rằng không ai tự giới hạn giờ dạy của mình trong SGK, bởi nếu thế chỉ việc cho học sinh tự đọc SGK là xong. Tiết học thành công là tiết học mà người thầy giúp học sinh thấy những nội dung trong SGK trở nên hấp dẫn, mang lại được điều gì đó mới mẻ, hứng thú” – thầy H. nói. 

Nhiều năm gần đây, việc giáo viên tự biên soạn tài liệu dùng để giảng dạy bên cạnh kênh tham khảo chính là SGK không còn là hiện tượng hiếm, đặc biệt với giáo viên dạy những lớp mà học sinh có học lực khá giỏi.

Cô Phạm Hà Thanh – giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông – chia sẻ: “Với những tiết dạy đại trà trên lớp thì giáo viên chỉ cần dạy theo yêu cầu của cuốn hướng dẫn giáo viên là đủ, mọi câu hỏi và câu trả lời đều có sẵn trong SGK. Nhưng với học sinh dự định thi ĐH khối C hoặc D, yêu cầu học môn văn của các em sẽ cao hơn nên giáo viên phải chuẩn bị cho mình một bộ tài liệu phù hợp. Để soạn được bộ tài liệu này, tôi phải đọc rất nhiều sách tham khảo, bài giảng của các đồng nghiệp, từ đó chọn lọc những quan điểm thú vị để giới thiệu với học sinh”. 

Nhiều giáo viên môn văn khác cũng cho biết kể từ khi Bộ GD-ĐT ra đề mở trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, đặc biệt là từ năm ngoái sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngữ liệu đề thi có thể nằm ngoài SGK, trong giới dạy văn dấy lên phong trào sưu tầm hoặc tự soạn tài liệu dạy học của giáo viên.

Cô H.H. – giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Thường Tín – kể: “Tôi tham gia một nhóm giáo viên dạy văn trên Facebook, nhiều thầy cô các trường chia sẻ tài liệu có khi là của chính họ, có khi là của đồng nghiệp cùng trường họ soạn”. 

Các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi giáo viên phải “vận động” nhiều nhất. Cách đây nhiều năm, thầy Dương Đức Thắng – tổ trưởng tổ lý Trường THPT Chu Văn An – cho chúng tôi biết nếu chỉ học trong SGK, học sinh không thể được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Vì thế, những giáo viên môn lý dạy ôn thi ĐH đều phải soạn tài liệu phù hợp trình độ từng nhóm học sinh.

Thầy Đặng Minh Tuấn, giáo viên vật lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, cũng khẳng định mỗi giáo viên trường chuyên đều phải biên soạn tài liệu riêng thì mới đáp ứng được yêu cầu của học sinh trường chuyên, hoặc học sinh dự các kỳ thi chuẩn hóa để du học. 

Giáo viên giỏi, có cần SGK? 

Trong một hội thảo mới đây do Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết ông tham khảo một số nơi thì thấy họ không có SGK. Để lên lớp, giáo viên tự soạn tài liệu rồi photo phát cho học sinh. “Nhưng giáo viên họ giỏi, nhiều thông tin thì mới làm được như vậy. Ở ta, tôi e rằng giáo viên sẽ không dạy được nếu không có SGK” – ông Hiển nói. 

Nhiều giáo viên đồng tình với nhận định này, nói rằng họ chỉ cố gắng mang đến cho học sinh cách tiếp cận khác SGK chứ kiến thức không vượt ra ngoài phạm vi chương trình mà SGK đã cụ thể hóa.

“Với riêng môn toán, tôi cho rằng chúng tôi đã có một bộ SGK khá chất lượng. Những ý đồ của các tác giả cho từng phần, cái gì trước cái gì sau, tính sư phạm ở đâu… SGK làm rất tốt. Tôi sưu tầm tài liệu của các thầy cô phổ thông viết rất thú vị thì thấy tất cả các tài liệu đó đều rất bám SGK” – thầy Phạm Văn H. nhận xét. 

Nhiều giáo viên vẫn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi trình độ giáo viên chưa đồng đều thì nên có tối thiểu một bộ SGK. Ngay cả với giáo viên giỏi thì việc có tối thiểu một bộ SGK là rất hữu ích với việc dạy học bởi nó giúp họ không đi quá xa trong việc giúp học sinh tiếp nhận kiến thức.

“Có nhiều bộ SGK thì không sao, thậm chí rất tốt vì nói chung giáo viên đủ năng lực lựa chọn SGK phù hợp. Nhưng không có SGK thì không ổn” – thầy Bùi Hữu Thước, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, nói. 

Câu chuyện TP.HCM: Nhu cầu của cả thầy và trò

“Khoảng 7, 8 năm trở lại đây, chúng tôi đã tự biên soạn những tài liệu dạy học phù hợp với học sinh trường mình. Tài liệu này tuân thủ triệt để nội dung chương trình, SGK bậc THPT do Bộ GD-ĐT ban hành, nhưng có những bài chúng tôi diễn giải kỹ hơn, tăng cường những bài tập rèn luyện, bài tập nâng cao, có bài lại rút ngắn cho súc tích hơn, giảm bớt số bài tập (so với SGK) vì thấy không cần thiết” – một giáo viên dạy hóa ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết. 

Theo ghi nhận của TTCT, đến thời điểm này hầu hết trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều biên soạn tài liệu giảng dạy cho học sinh trường mình, kể cả các trường THPT tư thục. Tùy sự thống nhất giữa các giáo viên, có bộ môn tài liệu giảng dạy này được tất cả giáo viên trong tổ cùng biên soạn, thống nhất và sử dụng chung; có bộ môn từng giáo viên tự soạn tài liệu riêng.

“SGK môn vật lý lớp 10, 11, 12 quá nặng, kiến thức quá hàn lâm, xa rời thực tế. Chúng tôi phân công mỗi giáo viên viết lại một chương hoặc vài chương trong chương trình THPT. Tài liệu giảng dạy của chúng tôi dựa theo kiến thức SGK hiện hành, những chỗ khó hiểu, tối nghĩa thì giáo viên diễn đạt lại cho dễ hiểu. Chúng tôi phản biện lẫn nhau, đi đến thống nhất rồi đem in và lưu hành nội bộ trong trường” – cô Phạm Thị Sinh, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT tư thục Hồng Đức, TP.HCM, nói.

Sau mỗi năm, tài liệu này lại được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế thi cử cũng như năng lực học sinh. Cô Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình, cũng cho biết đa số giáo viên khối 12 của trường đều biên soạn tài liệu dạy học. Nhưng “nhìn chung, chỉ những giáo viên nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn mới có thể viết tài liệu dạy học”. 

Thực tế là dù có trường gọi là tài liệu dạy học, có trường gọi là đề cương, nhưng ở nhiều trường, học sinh gần như quên sự có mặt của SGK. Như Hoa, học sinh lớp 12 ở quận Tân Bình, nêu lý do: “SGK của Bộ GD-ĐT có những bài giảm tải, chỉ các thầy cô biết điều này và truyền đạt lại thì tụi em mới không học nữa. Còn tài liệu do các thầy cô biên soạn không bao giờ xuất hiện các bài giảm tải, tụi em đỡ phải đánh dấu bỏ phần này, phần kia, lại dễ học, dễ hiểu hơn nên tụi em không cần xem SGK nữa”. 

Hai mục tiêu 

Vậy các giáo viên biên soạn tài liệu dạy học nhằm mục tiêu gì? Câu trả lời là khá giống nhau: học sinh có thể thi đậu ĐH và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây là nhu cầu thực tế của cả học sinh và giáo viên.

“Với những bài lý thuyết quá dài, tổ văn trường tôi tích hợp thành một chuyên đề cho học sinh đỡ ngán. Ví dụ, với các bài về cổ tích, truyền thuyết, sử thi…, chúng tôi gom thành chuyên đề “truyện cổ”, giảm bớt những kiến thức rườm rà, nặng nề về lý thuyết, giáo viên có thời gian thay đổi phương pháp giảng dạy bằng cách cho học sinh soạn bài trước theo nhóm rồi thuyết trình trước lớp, thể hiện sự chủ động trong tiết học, giáo viên là người dự khán định hướng bài học, dành thời gian để học sinh đọc sách…” – cô Nguyễn Thị Thanh Bình, giáo viên môn văn Trường THPT Giồng Ông Tố, một trường vùng ven ở TP.HCM, phân tích. 

Ở Trường THPT Giồng Ông Tố, cả tổ văn đã thống nhất tài liệu giảng dạy từ khối 10 đến khối 12. “Bài học nhẹ nhàng hơn hẳn, học sinh cũng thích môn văn hơn, thấy môn văn hữu ích với cuộc sống hơn” – một giáo viên văn của trường cho biết. 

Điều đáng chú ý là, như ở TP.HCM, đích nhắm cuối cùng của học sinh là vào ĐH chứ không phải để tốt nghiệp THPT. Vì thế, các giáo viên THPT không thể chỉ dạy như SGK với mục tiêu đạt được theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định.

“Kiến thức SGK ở cái tầm rất thấp trong khi nội dung thi tuyển sinh ĐH lại ở cái tầm rất cao, rất xa, cứ dạy theo SGK thì làm sao học sinh thi ĐH được? – cô Phạm Thị Sinh nói về động lực khiến các giáo viên làm công việc của người viết sách – Biên soạn tài liệu để học sinh thấy hứng thú với môn học của mình nhưng vẫn phải thi đậu ĐH. Đó là khó khăn lớn nhất của người giáo viên hiện nay”. 

Những “đặt hàng” 

Nhiều giáo viên ở TP.HCM tin rằng số người đủ năng lực viết sách ở TP.HCM khá nhiều. Đó là những giáo viên có thâm niên đứng lớp, cọ xát thực tế với việc dạy và học, đúc rút rất nhiều kinh nghiệm từ những đợt thi cử của học sinh trường mình và biết rõ học sinh cần học cái gì, học như thế nào… Vì vậy, nhiều người cho rằng đội ngũ viết SGK tốt nhất là những giáo viên này chứ không phải lực lượng khác.

“Lần đổi mới nội dung, chương trình, SGK này cần tin dùng lực lượng giáo viên trẻ, có tài. Họ phải là lực lượng đóng vai trò nòng cốt viết SGK. Những giáo sư nổi tiếng có thể đóng vai trò giám sát và phản biện. Lực lượng viết SGK mà không phải những người đã và đang đứng lớp thì nội dung SGK rất dễ sa đà vào những kiến thức quá cao xa, hàn lâm, nặng tính lý thuyết như bộ SGK chúng ta đang dùng” – cô Phạm Thị Sinh đề nghị.

Một chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng viết SGK là “khả năng tiềm ẩn của nhiều giáo viên ở TP.HCM. Vấn đề là có ai khơi gợi và tạo điều kiện để khả năng ấy được thể hiện hay không”.

 

HOÀNG HƯƠNG – THƯ HIÊN