26/11/2024

Siết cấp phép tư vấn du học: Mỗi nơi một kiểu

Quy định mới về cấp phép tư vấn du học được cho là sẽ giúp bảo vệ quyền lợi học sinh tốt hơn, nhưng khi thực hiện mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau.

 

Siết cấp phép tư vấn du học: Mỗi nơi một kiểu

 

Quy định mới về cấp phép tư vấn du học được cho là sẽ giúp bảo vệ quyền lợi học sinh tốt hơn, nhưng khi thực hiện mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau.

 

 

 

Viện Đào tạo ngôn ngữ và nhân lực Việt – Nhật (VJI) từng xảy ra nhận tiền nhưng không đưa được học viên sang Nhật. Trong ảnh: một nhân viên cũ và học viên của VJI phản ảnh cơ sở này cung cấp dịch vụ không đúng như cam kết – Ảnh: Thuận Thắng

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tư vấn du học phải được sở GD-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Có nhiều điều kiện để được cấp phép, trong đó có các tiêu chí như có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm giải quyết các trường hợp rủi ro; có tiền ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại.

Người đứng đầu tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ GD-ĐT cấp.

Khó vì tiền ký quỹ

Nộp hồ sơ xin cấp phép từ tháng 7-2014 đến nay, StudyLink International vẫn chưa được cấp phép tư vấn du học.

Theo bà Nguyễn Hồng Hà – giám đốc tổ chức này, việc chậm cấp phép liên quan đến thủ tục xác minh bằng cấp từ Úc – nơi bà học và tốt nghiệp.

“Khi nộp hồ sơ, chúng tôi được Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn qua Sở Ngoại vụ, sau đó lại được chỉ qua Tổng lãnh sự quán Úc xác minh, xong lại trở về Sở Ngoại vụ đóng dấu, mang về Sở GD-ĐT và tiếp tục được hướng dẫn phải đem bằng ĐH ra Bộ GD-ĐT để kiểm tra bằng ĐH này có được công nhận hay không. Việc xác nhận bằng cấp từ Bộ GD-ĐT khá lâu nên thời gian hoàn tất hồ sơ xin phép kéo dài” – bà Hà nói thêm.

Cũng liên quan đến quy định cấp phép, mỗi địa phương lại thực hiện khác nhau. Hiện StudyLink có trụ sở chính tại TP.HCM và các văn phòng đại diện ở Hà Nội, Đà Nẵng.

Sau khi ký quỹ cho trụ sở chính tại TP.HCM, bà Hà liên hệ với Sở GD-ĐT Hà Nội và Đà Nẵng thì nhận được hai thông báo khác nhau: Hà Nội không cần ký quỹ vì chỉ là văn phòng đại diện, trong khi Đà Nẵng bắt buộc phải ký quỹ 500 triệu đồng dù văn phòng này chỉ có hai nhân viên!

Liên quan đến vấn đề ký quỹ, bà Đoàn Thị Thùy Trang – giám đốc Công ty tư vấn ANT – cho biết việc ký quỹ “chết” như vậy sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi không được rút tiền ra khi đang hoạt động.

Hơn nữa, điều này cũng hạn chế việc mở chi nhánh bởi số tiền ký quỹ khá lớn khiến doanh nghiệp không còn vốn để kinh doanh.

“Hoạt động tư vấn du học ở TP.HCM đã bão hòa nên nhiều công ty muốn mở chi nhánh ở các địa phương để có thể tìm khách hàng mới vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi có nhu cầu tư vấn du học đỡ phải đi lại. Tuy nhiên, quy định về việc ký quỹ sẽ khiến việc mở chi nhánh ở các địa phương phải ngừng lại do số phí thu được không đủ bù cho chi phí bỏ ra” – bà Trang nói.

Trong khi đó, giám đốc một trung tâm tư vấn du học tại TP.HCM cho biết có thể sẽ phải đóng cửa văn phòng và ngừng hoạt động vì chi phí ký quỹ lớn trong khi nguồn thu lại hạn chế.

“Không thể thu phí của khách hàng quá cao bởi làm thế mình sẽ mất khách. Đúng là thời gian qua có một số trung tâm làm ăn không nghiêm túc nhưng không phải tất cả đều như vậy. Nhiều trung tâm cũng sẽ khó đảm bảo số tiền ký quỹ và có thể sẽ phải ngừng hoạt động” – ông này nói thêm.

Hạn chế làm ăn chụp giật

Một số trung tâm tư vấn du học tại TP.HCM cho biết đã nộp hồ sơ xin phép nhưng sau đó bị trả về để bổ sung giấy tờ.

Thậm chí, một số trung tâm có nhân viên tư vấn tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài còn không biết thông tin phải xác minh văn bằng ở Bộ GD-ĐT, trong khi việc xác minh này tốn nhiều thời gian nhất.

Đại diện Education First cho rằng thủ tục giấy tờ xin phép hơi phức tạp và khá mất thời gian. Hơn nữa, khi tuyển dụng công ty đã thẩm tra văn bằng của người dự tuyển, như vậy có cần thiết phải kiểm tra tại Bộ GD-ĐT hay không?

Thực tế thời gian qua, một số trung tâm tư vấn du học không thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng dẫn đến tranh chấp.

Năm 2012, hàng chục phụ huynh và học sinh kéo đến trụ sở Công ty tư vấn du học Đại Tây Dương (Bình Dương) để đòi tiền cọc và các khoản tiền đã đóng cho công ty để sang Mỹ theo diện du học. Công ty này cam kết thanh lý hợp đồng, chấp nhận hoàn tiền cho khách hàng nhưng sau nhiều lần lên xuống công ty, khách hàng vẫn chỉ nhận được những lời hứa.

Mới đây, một phụ huynh đến Trung tâm tư vấn du học B tại TP.HCM với mong muốn cho con du học THPT tại Mỹ. Tổng chi phí và học phí chỉ hơn 300 triệu đồng và trung tâm này khẳng định 100% đậu visa. Khi nhờ người quen tìm hiểu, phụ huynh mới vỡ lẽ đó là trường THPT của một tôn giáo và chương trình học phần lớn là các môn học liên quan đến tôn giáo đó.

Hơn nữa, đây là trường mới thành lập, chỉ có hơn 100 học sinh. Và thực tế không ai có thể khẳng định 100% đậu visa vào Mỹ được. Đó không phải là ngôi trường mà phụ huynh muốn đưa con mình sang Mỹ để theo học. Phụ huynh này sau đó phải chịu mất 20 triệu đồng tiền cọc đã đóng cho trung tâm tư vấn này.

“Một số trung tâm tư vấn thu phí rất cao và cung cấp thông tin không đầy đủ cho phụ huynh và học sinh. Thậm chí một số chương trình học bổng các trung tâm cũng thu phí khách hàng hoặc thu phí nhưng không thực hiện đúng cam kết, đưa học sinh vào trường có chất lượng thấp. Quy định mới sẽ có những ràng buộc tối thiểu để bảo vệ quyền lợi khách hàng, sàng lọc những trung tâm làm ăn chụp giật. Nhiều trung tâm có thể sẽ phải đóng cửa với quy định mới này. Trước đây hoạt động tư vấn du học hầu như thả nổi. Chỉ cần đăng ký giấy phép đầu tư là có thể hoạt động tư vấn, thậm chí không cần giấy phép của Sở GD-ĐT” – giám đốc một trung tâm tư vấn du học chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Khoa – trưởng Phòng quản lý cơ sở giáo dục ngoài giờ, Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng quyết định mới về tư vấn du học với các điều kiện ràng buộc như vậy, trong đó có yêu cầu ký quỹ, sẽ đảm bảo quyền lợi cho người học tốt hơn khi xảy ra tranh chấp giữa khách hàng và đơn vị tư vấn du học cũng như giúp cơ quan quản lý giáo dục địa phương có trách nhiệm hơn với hoạt động tư vấn du học – một phần của giáo dục.

23 đơn vị được cấp phép

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, TP.HCM hiện có khoảng 1.000 đơn vị tư vấn du học. Khi áp dụng quyết định mới về việc cấp phép, sở đã cấp phép cho 16 đơn vị. Mới đây có thêm bảy đơn vị hoàn tất thủ tục và được cấp phép hoạt động tư vấn.

Hiện sở đang xử lý hồ sơ của chín đơn vị khác, trong đó ba hồ sơ đã hoàn tất để cấp phép. Từ ngày 1-1-2015 sở sẽ phối hợp với các ban ngành có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt hành chính các trung tâm hoạt động không có giấy phép theo quy định.

 

MINH GIẢNG