27/11/2024

Khi người bệnh ăn uống qua loa

Nhiều người bệnh vẫn ăn uống theo thói quen hoặc phụ thuộc điều kiện kinh tế nên có nhiều trường hợp suy kiệt vì dinh dưỡng kém…

 

Khi người bệnh ăn uống qua loa

Nhiều người bệnh vẫn ăn uống theo thói quen hoặc phụ thuộc điều kiện kinh tế nên có nhiều trường hợp suy kiệt vì dinh dưỡng kém… 

 

 

Bữa cơm đạm bạc của một bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – Ảnh: Thái Lũy
Chúng tôi có xây dựng chế độ ăn uống bệnh lý cho từng loại bệnh, nhưng chủ yếu bắt buộc thực hiện trên bệnh nhân nặng ở khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân sau mổ, bệnh phải nuôi ăn qua tĩnh mạch… Còn các bệnh nhân có thể tự ăn được cũng có chế độ ăn bệnh viện, nhưng phần lớn họ không đăng ký ăn bệnh lý mà tự ăn bên ngoài do hoàn cảnh khó khăn
Bác sĩ Lê Thị Hường

Các bác sĩ khẳng định vấn đề dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh rất quan trọng, quyết định hơn 50% sự thành công trong điều trị. Nhưng thực tế nhiều người bệnh vẫn ăn uống theo thói quen hoặc phụ thuộc điều kiện kinh tế nên có nhiều trường hợp suy kiệt vì dinh dưỡng kém…

Ở khu vực phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, ngày hai buổi có khá đông người đến lĩnh cơm chay ăn, trong đó có không ít người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.

Người nghèo chỉ ăn cho khỏi đói

Một ngày cuối tháng 11 vừa qua, bà H. T. D. (ngụ Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngồi chờ lĩnh cơm kể bà đi nuôi người chị bệnh nằm ở khoa nội tiêu hóa nên lĩnh hai phần cơm chay cho bà và người chị ăn luôn. “Bác sĩ nói chị tui bị bệnh viêm gan cấp. Không phải vì nghèo ăn cơm từ thiện mà tại chị tui không thèm thứ gì, ăn sao cho qua mấy ngày ở bệnh viện thôi cô ơi” – bà D. phân trần.

Ở một ghế đá trong sân sau bệnh viện, tôi gặp một bệnh nhân ngồi ăn cơm từ thiện một cách khá khó khăn, chỉ ăn được lưng hộp cơm là bác đóng lại vì “nuốt không nổi”. Tôi hỏi sao bác không nói người nhà nấu cháo hay thức ăn gì dễ ăn hơn, ông không trả lời ngay mà kể mình tên L. N. H. (62 tuổi, ở Q.Ô Môn, Cần Thơ), bình thường đi bán vé số.

“Lúc đi bán vé số tui thường bị mệt nên nhiều lần phải vào bệnh viện khám. Bác sĩ nói tui bị bệnh tim, cần phải nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ nhưng nhà nghèo quá phải bươn chải kiếm miếng ăn nuôi thân, nuôi gia đình nên chỉ ăn cho khỏi đói chứ biết sao mà đủ dinh dưỡng” – ông H. tâm sự.

Lần này bệnh tim trở nặng, ông vào nằm khoa nội tim mạch, bác sĩ nói ông đã bị suy tim, suy kiệt. Có tấm thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, ông gom tiền đóng tạm ứng cho bệnh viện, còn tiền ăn hằng ngày không có nên ăn cơm từ thiện cho qua bữa.

Ông H. chỉ là một trong vô số bệnh nhân có chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, bữa ăn hằng ngày thiếu đủ thứ từ đạm, khoáng chất, vitamin… nên không đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể, kể cả lúc điều trị ở bệnh viện.

Bác sĩ Lê Thị Hường – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – cho biết bệnh nhân suy kiệt do chế độ dinh dưỡng không phù hợp thường gặp ở người già, người bệnh mãn tính, ăn uống kém.

Có nhiều nguyên nhân nhưng phần nhiều do người bệnh và cả người nhà không quan tâm lắm đến chế độ dinh dưỡng, ăn sao miễn no hay ăn theo thói quen “thích gì ăn nấy”, cũng có trường hợp do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.

Nhiều loại bệnh liên quan đến ăn uống

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong bữa ăn hằng ngày (nhất là bữa ăn chính) cần đảm bảo có đầy đủ bốn nhóm thực phẩm. Phải có ít nhất 15 loại thực phẩm đến từ bốn nhóm thực phẩm chính (nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất) để đảm bảo được vi chất dinh dưỡng của khẩu phần ăn.

Tuy nhiên, đa số người bệnh chỉ ăn theo kiểu “no” chứ không “đủ”, qua loa, theo thói quen nên rất nhiều trường hợp chế độ dinh dưỡng lệch lạc sinh ra bệnh tật.

Chị L.T.T., một nhân viên tư vấn bảo hiểm ở TP Cần Thơ, kể do bận rộn đi tư vấn khách hàng thường xuyên nên chị thường bỏ bữa hay chỉ ăn qua loa các loại thực phẩm ăn liền.

Mới đây, chị thường xuyên bị đau bụng và đầy hơi, đi khám bác sĩ bảo bị mỡ trong máu cao, viêm tá tràng do thường xuyên ăn uống không hợp lý, cần phải điều trị thuốc và có chế độ ăn theo bác sĩ.

Ở khoa nội tiêu hóa – huyết học Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ cho biết họ tiếp xúc hằng ngày với các loại bệnh tật liên quan đến vấn đề ăn uống, dinh dưỡng như: viêm đại tràng, viêm loét dạ dày, tá tràng, xơ gan, viêm tụy, nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Lan kể đã gặp một số trường hợp bệnh nhân nặng, suy kiệt nhưng lại ăn chay trường, trong lúc một số loại đạm, vitamin không có trong thức ăn chay, phải bổ sung từ nguồn đạm động vật. Dù ban đầu vấp phải một số phản đối của bệnh nhân và gia đình, nhưng bác sĩ vẫn phải chỉ định bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân từ các nguồn thức ăn đạm động vật.

Riêng chế độ ăn bệnh lý cho bệnh nhân ở các khoa phòng, hiện nay hầu hết các bệnh viện khu vực ĐBSCL gặp rất nhiều lúng túng. Một bệnh viện lớn cấp khu vực như Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cũng chỉ mới thử nghiệm, tư vấn để bệnh nhân đăng ký ăn theo chế độ ăn bệnh lý.

Hiện mỗi ngày khoa dinh dưỡng cung cấp khoảng 120 suất ăn bệnh lý, trong khi bệnh nhân nội trú lên đến khoảng 1.000 người.

Không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, bệnh nặng hơn

Theo bác sĩ Dương Hiền Thảo Lan, khoa nội tiêu hóa – huyết học Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, mỗi bệnh nhân vào đây các bác sĩ đều khai thác rất kỹ về chế độ dinh dưỡng, kết hợp song song giữa điều trị bằng thuốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng cho từng loại bệnh

Ví dụ bệnh viêm loét dạ dày tá tràng phải kiêng ăn các thức ăn nhiều dầu, mỡ, nhiều gia vị chua cay; bệnh nhân bị xơ gan, tiểu đường có cao huyết áp phải có chế độ ăn hạn chế chất đường, béo, muối, rượu bia…

Tuy nhiên theo bác sĩ Lan, lúc điều trị tại bệnh viện bệnh nhân và gia đình được giải thích thì tuân thủ khá tốt chế độ ăn bệnh lý, nhưng khi ra viện phần lớn bệnh nhân ít tuân thủ chế độ dinh dưỡng nên bệnh trở lại lần sau nặng hơn lần trước.

T. LŨY