26/11/2024

Chúa Nhật II MV B – 2014: Thăng tiến cộng đồng giáo xứ

Chúng ta được mời gọi dành ít phút để xác định hướng đi của mình trong năm mới này khi tìm hiểu tại sao cần phải Phúc Âm hoá giáo xứ hay cộng đồng mình sống và phải làm gì để công việc Phúc Âm hoá có hiệu quả thiết thực.

 

Chúa Nhật II MV B – 2014

 

Thăng tiến cộng đồng giáo xứ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Người tín hữu Công giáo Việt Nam đã bắt đầu năm Phụng vụ mới từ Chúa Nhật vừa qua, 30/11/2014, và kéo dài tới ngày 28/11/2015. Chủ đề và đường hướng của năm này là Tân Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn. Sau một năm Phúc Âm hoá những người thân yêu sống gần gũi với mình trong gia đình, Giáo Hội mời gọi chúng ta mở rộng tầm hoạt động ra cho những người sống trong giáo xứ cũng như trong cộng đồng dòng tu, xí nghiệp, công ty. Vì thế chúng ta được mời gọi dành ít phút để xác định hướng đi của mình trong năm mới này khi tìm hiểu tại sao cần phải Phúc Âm hoá giáo xứ hay cộng đồng mình sống và phải làm gì để công việc Phúc Âm hoá có hiệu quả thiết thực.

1. Phúc Âm hoá giáo xứ hay cộng đồng là gì?

Chúng ta vừa qua năm Phúc Âm hoá gia đình. Khi hỏi Phúc Âm hoá gia đình là gì, có nhiều anh chị em trả lời đó là làm cho các thành viên trong gia đình yêu mến Phúc Âm, đọc Phúc Âm trong gia đình vào mỗi tối hay những lúc rảnh rỗi, giúp cho các thành viên sống theo lời Chúa dạy ghi trong Phúc Âm. Nhiều tín hữu cũng hiểu như thế khi áp dụng cho Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đồng: họ nghĩ rằng công việc năm nay là làm thế nào cho những người sống trong giáo xứ hay cộng đồng học hỏi Phúc Âm, sống theo những lời khuyên của Phúc Âm để làm cho giáo xứ / cộng đồng được bình an, hoà thuận, thương yêu nhau.

Suy nghĩ như thế là đúng nhưng chưa đạt được yêu cầu mà Thương Hội đồng Giám mục thế giới 2012 đề ra về việc “tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin”, cũng không đúng với đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam khi thiết lập 3 năm tân Phúc Âm hoá. Tại sao không đạt? Vì khi nói đến Phúc Âm là chúng ta nghĩ ngay đến những lời của Chúa Giêsu dạy được ghi trong 4 cuốn Phúc Âm chứ không hiểu từ Phúc Âm ở đây là chính Chúa Giêsu. Và Phúc Âm hoá ở đây là làm cho giáo xứ hay cộng đoàn hoá thành Phúc Âm, hay đúng hơn là hoá thành chính Chúa Giêsu. Các số 18, 19, 20, 21, 26, 33 và 169 trong Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng đã luôn luôn nhấn mạnh điểm này.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc nhở ta rằng: “Khi nói đến Phúc Âm, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Phúc Âm là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Phúc Âm không phải là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị (chẳng hạn như đảng Thiên Chúa giáo ở Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp hay một số nước Tây phương lấy Phúc Âm như một đề cương chính trị). Phúc Âm là một con người, là chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” (Bản Đề Cương của THĐGM 2012, số 11).

Vì thế mà tân Phúc Âm hoá giáo xứ không đồng nghĩa với việc tái rao giảng Phúc Âm cho những ai đang sống trong giáo xứ mà đã bỏ Chúa Giêsu. Nếu Phúc Âm là chính Chúa Giêsu thì Phúc Âm hoá có nghĩa là Giêsu hoá, hoá thành Chúa Giêsu, thành Ngôi Lời Thiên Chúa sống động để mỗi thành viên trong cộng đồng /giáo xứ trở thành người mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

2.Xác định đường hướng hoạt động trong năm mới 2015

Chính trong chiều hướng Giêsu hoá đó mà mỗi người chúng ta xác định được hướng đi trong năm tân Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn này.

Vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người, là nguồn của sự thật và sự sống, của tình yêu và ân sủng, của ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh hằng, nên Phúc Âm hoá giáo xứ cũng có nghĩa là làm cho giáo xứ, và từng thành viên sống trong giáo xứ, cảm nhận được tất cả những giá trị tốt đẹp ấy trong cuộc đời của mình, cảm nhận được Đức Giêsu đang sống trong mình, trong cộng đoàn của mình như thánh Gioan Tẩy Giả nói với người Do Thái: “Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Chính  Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1,7-8).

Thật ra, tất cả tín hữu chúng ta đã được rửa nhân danh Chúa Giêsu, bằng Thánh Thần của Người, nên chúng ta không phải chỉ đóng vai người “tiền hô” nói về Chúa Giêsu, hô hào người khác sống theo lời dạy của Chúa Giêsu. Chúng ta còn phải trở thành hiện thân của chính Chúa Giêsu, hiện thân của “sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, bình an, tình yêu” (x. Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ Gaudiun et Spes, số 39) và tất cả những giá trị tốt đẹp nhất mà con người đang vươn tới. Bởi vì chúng ta là chi thể trong thân thể sống động của Người, nên khi chúng ta gắn bó mật thiết với Người,  chúng ta cũng được chuyển thông tất cả sự sống, sự thật, tình yêu và quyền năng ấy để trở thành lời cứu độ cho mọi người. Đó là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của chúng ta trong năm tân Phúc Âm hoá giáo xứ/cộng đồng.

3. Tại sao phải tân Phúc Âm hoá giáo xứ/cộng đồng?

Nhìn vào cộng đồng/giáo xứ của mỗi người, chúng ta có thể thấy những thành viên sống đạo tương đối tốt, thường xuyên dự lễ, rước lễ, đi hành hương, làm việc bác ái, tích cực tham gia các hội đoàn Công giáo Tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Giới trẻ Con Đức Mẹ, Phạt tạ Thánh Tâm…. Nhưng ta đạt kết quả nào về mặt truyền giáo?

Theo dõi các số liệu thống kê của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta thấy số người lớn mới theo đạo Công giáo ở Việt Nam rất ít. Trong vài năm gần đây,  mỗi năm chỉ có từ 30-40 ngàn người theo đạo và số người bỏ đạo cũng tương đương, nên tỉ lệ người Công giáo Việt Nam trong suốt 130 năm nay không tăng thêm được 1% dân số, tức là vẫn giữ nguyên gần 7% từ năm 1883. Trong khi đó chúng ta hiện đang có 6.200.000 tín hữu, 4.600 linh mục, 4.500 đại chủng sinh, hơn 20.000 tu sĩ nam nữ, 57.000 giáo lý viên và nửa triệu đoàn viên Công giáo Tiến hành!

Đấy là dấu hiệu không tốt mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình để đổi mới về “lòng nhiệt thành truyền giáo, về phương pháp truyền giáo và về cách diễn tả Phúc  Âm” trong một bối cảnh văn hoá, xã hội thay đổi sâu xa và quyết liệt như Thượng Hội Đồng Giám mục 2012 đã phân tích kỹ lưỡng và đề nghị giải pháp Tân Phúc Âm hoá.

4. Con đường thăng tiến cộng đồng

Trong hai năm vừa qua, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tiến trình Phúc Âm hoá và thấy rằng: để có thể Phúc Âm hoá “gia đình, giáo xứ, cộng đồng và xã hội” như Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra, ta không thể bỏ qua việc Phúc Âm hoá từng con người như là nền tảng và là thành viên của các cộng đồng. Cha ông chúng ta cũng thường xuyên nói lên tiến trình đó qua câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Nếu đi sâu hơn vào giáo xứ và các cộng đồng, chúng ta thấy không ít người đang rơi vào tình trạng khốn khổ, thậm chí không định hướng được cuộc đời của mình. Có những người không biết mỗi ngày, mỗi tuần mình nên làm những công việc nào và ý nghĩa của những công việc ấy ra sao theo đức tin Kitô giáo. Có những bạn trẻ bây giờ không biết những lời kinh đầy ý nghĩa hướng dẫn họ mà chỉ chú ý đến hành động vì không muốn “lải nhải như mấy bà già”. Một số người bỏ đi lễ ngày Chúa nhật mà cha mẹ khuyên không được, có những người luôn luôn đi lễ trễ không phải vì một lý do chính đáng, có những người hay chia trí trong thánh lễ, không kết hợp được với Chúa Giêsu nhưng không được ai giải đáp cần phải làm gì để thoát khỏi tình trạng đó.

Rất nhiều người ở trong tình trạng tội lỗi, không thảo kính cha mẹ, không hoà hợp với chồng/vợ con cái. Hàng triệu người nghiện ma tuý, nghiện phim đồi truỵ, nghiện những trò chơi trực tuyến, nghiện rượu bia, thuốc lá, bài bạc, số đề… mà chắc chắn một số thành viên trong giáo xứ hay cộng đồng mắc phải nhưng không được hướng dẫn để thoát cơn nghiện ngập. Rất nhiều những bà mẹ có những đứa con rơi vào tình trạng tự kỷ không biết phải dạy dỗ làm sao…

Hơn nữa, nếu nhìn vào cộng đồng giáo xứ cũng như tu viện, chúng ta thấy rằng việc giữ đạo và sống đạo cần được nâng lên một mức độ cao hơn: đó là giúp tín hữu gặp gỡ và sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và ân phúc của Người. Mỗi lời nói, hành động của ta, khi gắn bó được với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người, đều trở thành lời cứu độ để mang lại niềm vui, ân phúc và sự chữa lành cho những anh chị em đang khốn khổ quanh mình.

Trước những tình trạng đó, chúng tôi biên soạn 2 cuốn sách Lời Chúa Hằng Ngày năm 2015 Bạn là Lời Cứu độ để giúp cho tín hữu những chỉ dẫn cần thiết trong việc biến đổi mình và thăng tiến cộng đồng. Các sách này gồm 4 phần chính:

– 10 điều tâm niệm trình bày những đường hướng cơ bản của người tín hữu

– Các công việc nên làm mỗi ngày, mỗi tuần, trong tháng, trong năm

– 33 lời kinh được tuyển chọn để cầu nguyện chung và riêng

– 26 lời khuyên mục vụ để thăng tiến cộng đồng.

Tiên tri Isaia đã nhắc nhở chúng ta điều đó: “Hỡi người loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh! Cất tiếng lên, đừng sợ!” (Is 40,9). Bởi vì chúng ta thở được Thần Khí của Chúa, chúng ta phải nói lên lời cứu độ, nói lên lời quyền năng của Chúa Giêsu, Người đang ở trong ta và muốn ta chia sẻ Lời Người cho cộng đồng.

Đó cũng là công việc sửa lại “con đường của Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1,3), không phải chỉ sửa cho chính mình mà sửa cho người khác nữa. Những núi đồi đam mê cần phải bạt xuống, những thung lũng khuyết điểm tội lỗi cần phải lấp đầy, những chỗ quanh co, lồi lõm cần phải nắn thẳng, san bằng nơi mỗi con người. Lý do  là vì con người là con đường của Giáo Hội, Giáo Hội chỉ tồn tại là để mang ơn cứu độ đến cho con người (x. Hội Đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa vì Thiên Chúa muốn làm người để cứu độ họ.

Lời kết

Đó là nhiệm vụ tân Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đồng trong năm Phụng vụ mới này mà chúng ta vừa tìm hiểu  đôi nét để cùng nhau làm việc, cùng nhau sống và giúp đỡ nhau hoàn thành ước nguyện của Chúa Giêsu là cứu độ thế trần.