27/11/2024

Hiểm hoạ từ smartphone

Điện thoại thông minh (smartphone) đang ngày càng mạnh hơn, xử lý được nhiều công việc hơn nhưng cũng mang đến nhiều hiểm hoạ về mặt thông tin, thậm chí cả tiền bạc và tính mạng.

 Hiểm hoạ từ smartphone

 

Điện thoại thông minh (smartphone) đang ngày càng mạnh hơn, xử lý được nhiều công việc hơn nhưng cũng mang đến nhiều hiểm hoạ về mặt thông tin, thậm chí cả tiền bạc và tính mạng. 

 

 

Hình ảnh thường gặp ở TP.HCM (ảnh chụp tại một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1) - Ảnh: Thuận Thắng
Hình ảnh thường gặp ở TP.HCM (ảnh chụp tại một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1) – Ảnh: Thuận Thắng

Thế nhưng người dùng hiện nay mới chỉ chú trọng vào sức mạnh và sự đa năng của smartphone.

Theo số liệu công bố tại hội thảo Ngày Internet Việt Nam (5-12), cả nước có hơn 26 triệu thuê bao 3G, bao gồm cả smartphone, tablet và USB 3G. Còn thống kê thị trường của Công ty nghiên cứu GFK cho thấy Việt Nam hiện có hơn 22 triệu người dùng smartphone. Gần như tất cả người dùng smartphone đều kết nối mạng Internet.

“Lụy” smartphone

Dễ bị tấn công khi dùng WiFi miễn phí

Công ty an ninh mạng Bkav Security vừa công bố nghiên cứu về tình trạng an ninh WiFi miễn phí tại Việt Nam. Kết quả cho thấy WiFi miễn phí tại tất cả các thành phố không an toàn.

Nghiên cứu được Bkav thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11-2014 tại tất cả các thành phố có phủ sóng WiFi miễn phí ở Việt Nam như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hội An, Hạ Long…

Theo đó, người dùng có thể bị đánh cắp các thông tin nhạy cảm như tài khoản, mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng… khi sử dụng WiFi tại các thành phố này.

Các chuyên gia của Bkav cũng chỉ ra người dùng sẽ phải đối mặt với ba hình thức tấn công chính: tấn công nghe lén (Man-in-the-Middle), tấn công lừa đảo (Phishing) và tấn công giả mạo WiFi (SSID Spoofing).

Vài năm gần đây, thị trường di động chứng kiến sự phát triển khủng khiếp của smartphone. Năm 2013, những chiếc smartphone dùng vi xử lý lõi đôi, bộ nhớ RAM chỉ 1GB có thể được xem là cấu hình mạnh, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu giải trí, công việc của người dùng.

Chỉ một năm sau, sức mạnh bộ vi xử lý phổ thông đã lên đến lõi bốn, thậm chí lõi tám, bộ nhớ RAM cũng tăng gấp hai, ba lần. Những tính năng hỗ trợ như khả năng hiển thị, chất lượng âm thanh, chụp ảnh cũng được cải tiến vượt trội.

Các chuyên gia công nghệ tính toán một chiếc smartphone hiện nay đã có thể thay thế nhiều thiết bị điện tử phổ dụng trước đây như: máy nghe nhạc, máy ảnh, radio, máy chơi game cầm tay, máy tính, tivi. Thậm chí, smartphone đã có sức mạnh hơn hẳn một chiếc máy tính cá nhân thông thường.

Nó cũng hoàn toàn có thể đảm nhận vài trò xử lý trung tâm trong công việc, giải trí cá nhân (xem phim, nghe nhạc, chụp ảnh) lẫn gia đình (trình chiếu phim ảnh, karaoke, chơi game ra màn hình tivi…).

Bên cạnh đó, giá bán ngày càng giảm, chỉ với 500.000-1.000.000 đồng người ta đã có thể sở hữu một chiếc smartphone.

Không quan tâm bảo mật

Khi công nghệ càng khoét sâu vào đời sống con người, ảnh hưởng đến từng khoảnh khắc của chúng ta, thì nó cũng đồng thời nảy sinh những mối nguy hại luôn rình rập. Với người dùng smartphone, đó là sự an toàn của những dữ liệu riêng tư lưu trên điện thoại, các loại tài khoản Internet, tài khoản ngân hàng…

Thực tế, năm 2014 ghi nhận rất nhiều hiểm họa đã thành hiện thực với người dùng di động Việt Nam. Chẳng hạn vụ việc phát tán tin nhắn với nội dung lừa đảo liên quan đến các đầu số 7×68 và 7×77 chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng gây xôn xao dư luận hồi tháng 7-2014.

Trước đó, người dùng cũng bị chấn động trước thông tin gần 800.000 thuê bao bị trộm hơn 9 tỉ đồng vì dính “bẫy sex” tại “chợ nội dung số mmoney.vn”. Hay vụ việc công an phát hiện hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị cài phần mềm nghe lén Ptracker của Công ty Việt Hồng khiến không ít người dùng sống dở chết dở.

Đó là chưa kể những trường hợp người dùng bị tống tình, tống tiền vì để lộ (hoặc bị đánh cắp) hình ảnh, video riêng tư. Hoặc bị kẻ xấu tung ảnh nóng lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống nạn nhân…

Các hãng bảo mật cũng liên tục đưa ra những con số báo động nguy cơ đang đe dọa người dùng.

Chẳng hạn nghiên cứu của Công ty an ninh mạng Bkav công bố hồi tháng 6-2014 cho thấy mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đó là các đầu số thu phí 15.000 đồng/tin nhắn, tính ra mỗi ngày người sử dụng Việt Nam bị “móc túi” số tiền khổng lồ lên tới 3,9 tỉ đồng, tức 1.400 tỉ đồng mỗi năm.

“Tội phạm mạng đã chuyển mục tiêu tấn công sang những người dùng smartphone thông qua những ứng dụng và game tải miễn phí. Chúng tôi quan sát thấy 2 triệu đe dọa nhắm vào các smartphone Android từ đầu năm 2014” – ông Terrence Tang, giám đốc cao cấp phụ trách sản phẩm bảo mật cá nhân của Trend Micro vùng châu Á – Thái Bình Dương, cảnh báo.

Hiểm họa đã hiện hữu trước mặt nhưng hầu hết người dùng Việt Nam vẫn đang rất thờ ơ với việc bảo vệ sự an toàn của chính mình. Một chuyên gia an ninh mạng (đề nghị không nêu tên) nhận định:

“Thực tế đa số người dùng smartphone Việt Nam vốn nâng cấp từ điện thoại phổ thông, ít chú trọng đến khía cạnh bảo mật thông tin, hoặc không đủ thông tin và công cụ để tự bảo đảm an toàn cho dữ liệu cá nhân trên smartphone của mình”.

Theo ông Ngô Trần Vũ – chi hội an toàn thông tin phía Nam Vnisa, hiện nay có tới 85% người dùng smartphone dùng hệ điều hành Android. Với số lượng thiết bị dùng Android cực lớn phát hành ra thị trường hằng năm, vấn đề bảo mật cho Android đang được đặt ra cho các chuyên gia bảo mật trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, “đa số người dùng chưa dùng phần mềm bảo mật chuyên nghiệp. Họ đang dùng những ứng dụng miễn phí và để cho những người làm ra ứng dụng đó khai thác thông tin của họ mỗi ngày” – ông Vũ nói.

 

ĐỨC THIỆN