Thiếu tử tế ở chốn văn phòng
Những tưởng chuyện không tử tế sẽ ít xảy ra trong giới văn phòng – đối tượng được cho là trí thức trong xã hội – nhưng thực chất chúng không mất đi mà tinh vi và “thấm đòn” hơn…
Thiếu tử tế ở chốn văn phòng
Những tưởng chuyện không tử tế sẽ ít xảy ra trong giới văn phòng – đối tượng được cho là trí thức trong xã hội – nhưng thực chất chúng không mất đi mà tinh vi và “thấm đòn” hơn…
Nhỏ to sau lưng người khác, online làm chuyện riêng… là những “điểm trừ” thường thấy ở giới văn phòng – Ảnh: C.Nhật |
“Giai đoạn mới tập tễnh đi làm là đáng sợ nhất, tôi gặp vô vàn chuyện thiếu tử tế từ đồng nghiệp” – N.Vi (27 tuổi, kiểm toán viên) ngậm ngùi chia sẻ.
Trẻ + có tài = dễ ra đi!
* Tôi rất hoan nghênh diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” của báo Tuổi Trẻ. Đã từ lâu lắm rồi đây là chuyện nhức nhối của rất nhiều người, bởi chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện về sự không tử tế ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ giới nào… Sự thiếu tử tế trong giới văn phòng hiện nay cũng có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. * Văn hóa ứng xử chưa/không tử tế diễn ra ở mọi tầng lớp chứ không riêng gì ở những người ít học. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng việc tạo diễn đàn nói về chuyện thiếu tử tế trong xã hội là điều cần làm để mọi người cùng nhìn lại chính mình. Riêng trong giới văn phòng, bên cạnh yếu tố chuyên môn của nhân viên thì việc đào tạo tác phong và văn hóa ứng xử xã hội ở họ cũng là điều mà các doanh nghiệp nên đặc biệt lưu ý, bởi đây là tiền đề để doanh nghiệp phát triển lâu dài. |
N.Vi không giấu được bức xúc: “Kinh nghiệm chưa có nhiều mà tôi luôn bị phân làm khối lượng việc nhiều và khó nhất bởi họ phán “em tốt nghiệp loại giỏi mà”. Để rồi khi có gì sai tôi luôn là người phải đứng ra lãnh hậu quả, trong cuộc họp thì tiếng nói của tôi chẳng bao giờ được lắng nghe”.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (Hội Luật gia TP.HCM) từng chứng kiến cảnh một vị trưởng phòng có thâm niên tìm mọi cách “hạ bệ” một nhân viên trẻ, năng lực cao.
Nghe thông tin cô nhân viên trên có khả năng thay vị trí của mình, người trưởng phòng dùng quyền lực, các mối quan hệ để cô lập, vu khống nhiều điều xấu… khiến cô nhân viên bị sốc và buộc phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.
Đem vấn đề này trò chuyện với người làm trong lĩnh vực nhân sự, ai cũng nhận định “chuyện thường ngày ở huyện!”. Và chuyện thậm chí xảy ra ở đối tượng cựu du học sinh, những người được tin tưởng rằng có đầu óc cấp tiến.
“Đó là trường hợp xảy ra ở một công ty nước ngoài. Một cô vào trước, một cô vào sau, cả hai đều từng du học và làm chung một vị trí. Cô vào trước luôn đơm đặt rằng sếp tổng (thường ở trụ sở nước ngoài) rất ghét cô nhân viên mới, điều này khiến cô nhân viên mới dù có tài nhưng luôn bị căng thẳng.
Chỉ đến khi vị sếp tổng về VN thì mọi chuyện mới vỡ lở. Mọi người sau đó bàng hoàng phát hiện cô nhân viên cũ từng làm điều tương tự và khiến một “lính mới” khác phải nghỉ việc” – tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (giám đốc nhân sự Học viện Yola) kể.
Trẻ và có tài cũng khổ, trẻ mà có ngoại hình “ngứa mắt” cũng chẳng dễ thở hơn.
Ông Nguyễn Hữu Quang (giám đốc Công ty EXE) lắc đầu kể câu chuyện một người bạn khi đi làm bị các đồng nghiệp nữ đố kỵ, tẩy chay chỉ vì có ngoại hình nổi trội:
“Cô ấy làm việc một cách khổ sở vì không ai thèm nói chuyện, hỗ trợ. Cuối cùng cô ấy đã chuyển công tác. Có ý kiến cho rằng giới văn phòng là giới trí thức nhất trong xã hội – điều này chưa hẳn đúng. Theo tôi, trí thức là những người học rộng, biết nhiều, có cách cư xử đúng mực – đây là điều mà không phải dân văn phòng nào cũng có”.
Còn D.Lan (30 tuổi, chuyên viên ngân hàng) từng bị trầm cảm vì ngoại hình đen đúa, thấp bé và chiếc miệng hô của cô luôn là đề tài bàn tán của các đồng nghiệp nam lẫn nữ.
“Đi chơi họ thường rủ tôi vào phút chót. Khi muốn đùa cợt, nói chuyện khiếm nhã, các đồng nghiệp nam thường nhớ đến tôi. Với những sự kiện “mặt tiền” cần phụ nữ trong phòng, họ thường loại tôi ra, xem tôi lúc đó như “người vô hình”” – D.Lan nhớ lại.
Ông Hoàng Minh (51 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM) thở dài khi nói về những đồng nghiệp trẻ trong cơ quan.
“Tiếng Anh tôi chỉ biết lõm bõm vài từ. Vậy mà trong các cuộc trao đổi các bạn trẻ vô tư chêm từ tiếng Anh vào. Nhiều khi thấy họ túm tụm lại nói tiếng Anh với nhau sát cạnh, tôi cứ có cảm giác họ đang nói xấu mình vậy!”.
Thời chiến, ít người được học hành tử tế, ông ráng học cũng chỉ hết phổ thông. Nhiều đồng nghiệp trẻ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” mỗi khi nghe ông góp ý, chỉ bảo bởi họ xầm xì với nhau: “Sống lâu lên lão làng, bằng cấp làng nhàng lấy gì để nghe?”.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, một trong những điều thiếu tử tế thường gặp ở đối tượng nhân viên văn phòng là không tách bạch được cuộc sống cá nhân với công việc.
“Việc sử dụng mạng Internet để shopping, lướt mạng xã hội, nghe nhạc, làm việc riêng… trong giờ làm việc là điều rất phổ biến, nhất là ở đối tượng bạn trẻ mới ra trường. Nhiều người lúc đầu chỉ lướt cho vui sau đó đâm nghiện, khi cơ quan chặn Internet thì họ lại dùng mạng 3G.
Điều này rõ ràng gây lãng phí thời gian, chi phí… cho cơ quan lẫn chính họ. Một số bạn khác “tranh thủ” dùng điện thoại của cơ quan “nấu cháo” cho những chuyện rất riêng tư để đỡ tốn tiền điện thoại cá nhân…” – ông nói.
Theo ông, “điểm trừ” này thường chỉ diễn ra ở công ty trong nước quản lý nhân viên theo kiểu “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, còn công ty ở nước ngoài quản lý công việc theo hiệu quả lao động, nhân viên không có thời gian rỗi để làm việc riêng tư.
P.Anh (31 tuổi, trưởng phòng công nghệ thông tin một công ty ở Bình Dương) cho biết anh nhiều lần phát hiện đồng nghiệp không tắt máy vi tính lẫn máy lạnh khi ra về.
“Tôi nhắc họ rất nhiều lần nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy. Một số bạn thậm chí gõ vi tính rào rào (chủ yếu là chơi game, chat chit…) trong khi những người khác đang nghỉ trưa. Nhắc từng chút một sợ bị mang tiếng khó tính, nhưng không nhắc lại không chịu nổi” – anh nói.
Một trong những điều thiếu tử tế khác thường gặp trong giới văn phòng là không biết gìn giữ môi trường chung.
“Phòng làm việc của chúng tôi là phòng máy lạnh, vậy mà có người vẫn thản nhiên đem những thức ăn nặng mùi vô, có người còn lén hút thuốc… và điều này rõ ràng gây ảnh hưởng đến những người khác.
Đó là chưa kể những việc rất tủn mủn như lấy văn phòng phẩm của công ty về nhà dùng, vô tư lục hộc bàn, mượn đồ quan trọng (như USB, máy chụp hình…) của người khác mà không xin phép…” – Phú Quang (25 tuổi, chuyên viên thiết kế) nói.
“Ở nước ngoài dĩ nhiên cũng có những chuyện thiếu tử tế trong văn phòng, nhưng tôi nghĩ không nhiều như ở VN. Có lẽ bởi họ xác định rạch ròi đến văn phòng phải có tôn ti trật tự, ranh giới sếp – lính, công – tư rất rõ, còn ở VN vẫn bị tác động bởi yếu tố tình cảm.
Dĩ nhiên cái nào cũng có mặt ưu, khuyết điểm. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải dung hòa, chỉ ra những “điểm trừ” để cùng nhau xây dựng môi trường làm việc tốt nhất” – tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nói.