27/11/2024

Thay đổi hướng dạy môn văn

Từ thực tế sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn mắc lỗi chính tả căn bản, nhiều cử nhân không tự viết nổi đơn xin việc đúng cách, ấp úng trong giao tiếp…, nhiều chuyên gia đề xuất chương trình phổ thông cần tập trung dạy ngữ văn theo hướng rèn kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh.

 

Thay đổi hướng dạy môn văn

 

 

Từ thực tế sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn mắc lỗi chính tả căn bản, nhiều cử nhân không tự viết nổi đơn xin việc đúng cách, ấp úng trong giao tiếp…, nhiều chuyên gia đề xuất chương trình phổ thông cần tập trung dạy ngữ văn theo hướng rèn kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh.

 

 

Thay đổi hướng dạy môn văn
Chương trình học văn từ cuộc sống của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) là một hình thức giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tiếng Việt – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Chương trình chưa phù hợp với giáo dục phổ thông

Ông Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN, chia sẻ với Thanh Niên nhận định của ông về môn văn trong trường phổ thông hiện nay: Mục đích của môn văn là giúp học sinh (HS) cảm nhận được cái hay cái đẹp mang đậm tính nhân văn thông qua tác phẩm cụ thể, biết cách trình bày lại ý kiến của mình đúng ngữ pháp, dùng từ đúng ngữ nghĩa, viết đúng chính tả. “Cái ngược đời hiện nay là chúng ta học hành thì có vẻ cao siêu nhưng khi viết lại không thành câu, không chỉ HS mà kể cả một số thầy cô giáo, thậm chí cả vài ba vị đã thành danh. Cứ mở ti vi là nghe những câu cụt câu què. Trong các văn bản đầy dẫy câu sai, kiểu “với tinh thần trách nhiệm cao, đã làm tăng vị thế của…” hoặc “quá trình” gì đó “đã thành” thế nọ thế kia…”, ông Giang nói.

Từ thực tế đó, ông Giang đề xuất: “Nên xem tiếng Việt là môn công cụ, mọi HS đều phải học dù sau này thi ĐH ngành nào vì làm nghề gì cũng phải biết diễn đạt ý tứ mạch lạc, đúng ngữ pháp, không mắc lỗi viết nói câu què cụt, câu vô chủ. Giáo dục phổ thông rất cần đề cao vai trò tiếng Việt dưới góc độ viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa”.

 

 
 

Nếu không giúp học sinh phát triển được kỹ năng giao tiếp thì việc dạy học ngữ văn không có tác dụng gì đáng kể

 

PGS Bùi Mạnh Hùng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

 

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định việc đồng nhất môn ngữ văn với các ngành khoa học hoặc sáng tạo nghệ thuật đã làm cho chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông thiên về trang bị kiến thức khoa học, ngả sang hướng dạy sáng tác văn chương, không phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông. Theo GS Thuyết, trong khi chương trình tiểu học phát triển theo trục kỹ năng sử dụng tiếng Việt thì THCS và THPT được xây dựng theo trục kiến thức tiếng Việt, làm văn và văn học. Đây là nguyên nhân làm cho bộ SGK ngữ văn trung học mang dáng dấp của các bộ giáo trình ĐH về tiếng Việt, làm văn và văn học, không phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông.

PGS Bùi Mạnh Hùng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì chỉ ra thực tế chương trình hiện hành của môn học này chủ yếu nặng về giảng giải nội dung tác phẩm, lịch sử văn học và tác giả. Tác giả và tác phẩm đã được quy định, hệ thống các câu hỏi và những điều cần ghi nhớ đã được in sẵn trong sách. “Miếng ăn đã được nhai sẵn, HS chỉ việc đưa vào miệng nên các em  ăn mà không cảm nhận được vị ngon của món ăn”, ông Hùng ví von.

PGS Đỗ Ngọc Thống – Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 (Bộ GD-ĐT) cho rằng không phải chỉ vì có một số ít HS trở thành nhà văn, nhà thơ mà nhà trường phải dạy tất cả mọi HS phải biết viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút hay làm thơ… Trong khi đó một số văn bản thông thường, gần gũi và thường xuyên phải sử dụng trong cuộc sống lại bị coi nhẹ.

Sẽ phân thành môn tiếng Việt và văn học ?

Theo GS Thuyết, trong lần đổi mới chương trình – SGK tới đây, môn ngữ văn nên được xác định là môn học công cụ có mục tiêu hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt, trong đó có năng lực đọc hiểu các tác phẩm văn học, cho HS.

Tại cuộc hội thảo quốc gia tìm hướng đi cho đổi mới chương trình, SGK và phương pháp dạy môn ngữ văn được tổ chức vào năm 2013, không ít ý kiến đề xuất chỉ dạy môn văn với nội dung văn bản và tác giả theo lịch sử văn học và lý luận văn học cho những HS theo học chuyên sâu về lĩnh vực khoa học xã hội ở bậc THPT. Còn ở tiểu học và THCS và với những HS không theo ngành này thì cần đặt trọng tâm dạy tiếng Việt với tên môn học là tiếng Việt (có sự tích hợp với dạy văn bản văn học). Phần làm văn như hiện nay nên gộp chung vào phần tiếng Việt vì thực chất dạy làm văn chính là dạy kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

PGS Bùi Mạnh Hùng nêu quan điểm: “Nếu không giúp HS phát triển được kỹ năng giao tiếp thì việc dạy học ngữ văn không có tác dụng gì đáng kể”. Còn GS Lê A (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy làm văn là làm sao HS trau dồi được năng lực tạo lập các văn bản cần thiết cho cuộc sống một cách hiệu quả. GS Lê A thống kê, bậc THPT chỉ có 5/94 tiết văn trong chương trình chuẩn dành cho kỹ năng dạy học nói. “Xem ra ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho HS năng lực nói trong hoạt động giao tiếp”, GS A nhận định.

Cùng chung nhận định này, bà Phạm Thị Thu Hiền (Hà Nội) cho hay HS làm văn chủ yếu ở hình thức viết. Số giờ luyện nói vô cùng ít ỏi. “Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS nước ta rất kém tự tin khi trình bày vấn đề bằng miệng, khả năng nói và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói rất hạn chế”, bà Hiền kết luận.

 

Lấy các kỹ năng giao tiếp làm các trục chính

PGS Bùi Mạnh Hùng đề xuất chương trình và SGK phải lấy các kỹ năng giao tiếp làm các trục chính và nội dung chương trình những lớp học và cấp học được triển khai theo mức độ yêu cầu về kỹ năng giao tiếp từ thấp lên cao, đơn giản đến phức tạp chứ không theo trình tự lịch sử văn học và các mảng kiến thức như hiện nay.

PGS Đỗ Ngọc Thống cũng cho rằng chương trình môn ngữ văn sau 2015 sẽ lấy trục kỹ năng xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Các kiến thức về tiếng Việt và văn học được hình thành và phát triển thông qua thực hành kỹ năng, tích hợp qua đọc, nghe, nói, viết và phần tự chọn phân hóa ở cuối THCS, đặc biệt là cấp THPT. Cũng theo ông Thống, ngữ liệu cho việc học các kỹ năng sẽ bao gồm cả văn bản văn học và các loại văn bản khác như: báo chí, từ điển, bài hát, câu đố… Ngoài ra, cần coi trọng thực hành giao tiếp như tăng cường giờ thực hành nói trước tập thể, chú trọng rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản, nhất là văn bản thông dụng, thường nhật.

 

Tuệ Nguyễn