Thận trọng với điều trị “ngoài luồng”
Nhiều người bệnh đã tin theo lời đồn, đổ xô tìm mua xáo tam phân để chữa ung thư, lược vàng chữa bá bệnh, cây nở ngày đất chữa bệnh gút và đái tháo đường…
Thận trọng với điều trị “ngoài luồng”
Nhiều người bệnh đã tin theo lời đồn, đổ xô tìm mua xáo tam phân để chữa ung thư, lược vàng chữa bá bệnh, cây nở ngày đất chữa bệnh gút và đái tháo đường…
Người đi đường chọn mua rễ đinh lăng để làm thuốc (ảnh chụp trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Họ cũng nghe những lời quảng cáo thổi phồng tác dụng của một số loại thực phẩm chức năng, thuốc bí truyền… mà tự mua về dùng.
Tìm kiếm một phương pháp điều trị phù hợp là nhu cầu chính đáng của người bệnh, nhưng không nên quá tin tưởng vào các phương pháp điều trị không chính thống, nhất là dựa vào tin đồn rồi tùy tiện sử dụng để lâm vào cảnh tiền mất tật mang.
Điều trị chính thống
Đối với các bệnh nan y hoặc mãn tính, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các bệnh như đái tháo đường, ung thư, tim mạch… Có nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, nhưng chung quy được xếp làm hai nhóm: điều trị chính thống và điều trị không chính thống.
Điều trị chính thống hay còn gọi là điều trị quy ước (conventional therapy), đó là những phương pháp điều trị được dạy ở các trường y khoa và áp dụng tại bệnh viện, được các bác sĩ sử dụng để điều trị một bệnh nào đó. Ví dụ đối với bệnh ung thư, điều trị chính thống bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hoặc liệu pháp hormone thay thế…
Nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa dứt hẳn bằng các phương pháp điều trị này. Thậm chí, ngay cả khi ung thư ở giai đoạn không thể chữa khỏi, các phương pháp điều trị chính thống vẫn có thể giúp người bệnh sống lâu hơn hoặc làm giảm các triệu chứng do ung thư gây ra.
Phương pháp điều trị chính thống thường được khoa học kiểm nghiệm và nghiên cứu. Có nghĩa là chúng ta biết được mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị, cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra. Chính vì thế, điều trị chính thống còn được gọi là điều trị theo y học chứng cứ (evidence-based medicine), đây cũng là xu thế của nền y học hiện đại được áp dụng trên toàn thế giới.
Và không chính thống
Điều trị không chính thống hay không theo quy ước (unconventional therapy) bao gồm điều trị bổ sung (complementary therapy) và điều trị thay thế (alternative therapy).
Điều trị bổ sung là một nhóm các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị được sử dụng song hành hoặc thêm vào với điều trị chính thống. Ví dụ, nhiều bệnh viện Trung Quốc sử dụng châm cứu để giảm đau khi đang phẫu thuật thay vì dùng thuốc mê.
Vì nhiều lý do khác nhau như văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học… điều trị bổ sung và điều trị thay thế đã không được thông qua như y học chính thống phương Tây.
Người ta thường sử dụng điều trị bổ sung để tăng cường sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, nhưng đôi khi nó được sử dụng để làm giảm triệu chứng hoặc tác dụng phụ của phương pháp điều trị chính thống gây ra.
Ngoại trừ một số ít phương pháp điều trị bổ sung được khoa học thử nghiệm và nghiên cứu tương tự cách của phương pháp điều trị chính thống để xem tính hiệu quả, độ an toàn và các tác dụng phụ của chúng. Đa số phương pháp điều trị bổ sung không được khoa học thử nghiệm và nghiên cứu…
Một khía cạnh khác của phương pháp điều trị không chính thống là điều trị thay thế, đây là cách để thay thế cho điều trị chính thống. Hầu hết phương pháp điều trị thay thế không được thông qua thử nghiệm và không có bằng chứng khoa học, chúng có thể không an toàn và gây ra nhiều tác dụng phụ có hại.
Một ví dụ về điều trị thay thế là sử dụng một chế độ ăn uống đặc biệt để điều trị ung thư thay vì trải qua phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị theo khuyến cáo của bác sĩ. Tất cả phương pháp điều trị ung thư chính thống phải trải qua thử nghiệm nghiêm ngặt và được kiểm soát bởi pháp luật để chứng minh tính hiệu quả. Việc sử dụng một liệu pháp thay thế cho điều trị ung thư theo cách chính thống có thể làm giảm cơ hội chữa bệnh ung thư và giảm khả năng sống lâu hơn của người bệnh.
Trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân áp dụng biện pháp điều trị không chính thống. Ngay cả ở nước có trình độ y học phát triển như Mỹ, tỉ lệ bệnh nhân dùng điều trị bổ sung chiếm hơn 40%.
Viết bài này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng khi quyết định sử dụng phương pháp điều trị không chính thống, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị về những lợi ích, rủi ro, tác dụng phụ và nhất là có tương tác bất lợi với phương pháp điều trị chính thống hay không.
Uống rượu thuốc chỉ chữa trị được triệu chứng * Năm nay tôi 53 tuổi, làm nghề thợ máy tàu biển, công việc nặng nhọc và vất vả. Hiện nay tôi đang điều trị bệnh thoái hóa cột sống và gai nhẹ tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM. Một người bạn chỉ cho tôi ngâm rễ mật nhân với chuối hột rừng trong rượu 450, uống trong hai tháng sẽ trị hết đau lưng. Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. – Ths.Bs Nguyễn Tấn Hưng – phó trưởng khoa nội cơ xương khớp, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM – trả lời: Để chữa đau mỏi lưng, anh có thể ngâm rễ mật nhân, chuối hột rừng với rượu có nồng độ khoảng 450 trong 60 ngày là dùng được, mỗi bữa cơm chỉ nên dùng 30-50ml rượu này. Tuy nhiên, hiện tại anh bị đau lưng do thoái hóa cột sống nên uống rượu thuốc chữa hết đau mỏi lưng là chỉ mới chữa được triệu chứng, không có nghĩa trị hết bệnh thoái hóa cột sống (để chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cần phải chụp X-quang, kết quả có hai trong ba yếu tố như gai cột sống, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn). Để biết chính xác về triệu chứng đau lưng do thoái hóa cột sống và cách chữa trị, cách phòng ngừa, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, anh có thể đến các bệnh viện có khoa nội cơ xương khớp để được chẩn đoán, điều trị đúng và đầy đủ nhất. |
Tiền mất tật mang Bốn năm trước, cô D.T.L. (32 tuổi, có cha bị bệnh đái tháo đường) đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Trưng Vương vì sợ mắc căn bệnh này. Qua thăm khám và xét nghiệm cho thấy cô L. thừa cân, mỡ máu cao, lượng đường huyết tăng cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là đái tháo đường. Cô L. được chẩn đoán bệnh: tiền đái tháo đường – rối loạn mỡ máu – thừa cân. Lời khuyên của bác sĩ là thay đổi lối sống (chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể lực), giảm cân và dùng thuốc để phòng ngừa sự tiến triển từ tiền đái tháo đường sang đái tháo đường cũng như các biến chứng của nó. Các phương pháp mà bác sĩ áp dụng cho cô L. trong tình huống này gọi là điều trị chính thống. Tuy nhiên, cô L. không đồng ý làm theo lời khuyên của bác sĩ mà tìm đến một vị lang y điều trị. Theo lời vị lang y này, toa thuốc của ông có những vị thuốc đặc biệt, có khả năng hồi phục tế bào β tụy, vì thế có thể chữa dứt bệnh tiền đái tháo đường và thậm chí có thể dứt hẳn đái tháo đường. Chi phí điều trị là 2 triệu đồng mỗi tháng, cứ ba đến sáu tháng thì làm xét nghiệm máu kiểm tra. Tổng thời gian điều trị là hai năm sẽ ngưng thuốc. Vị lang y này đã không đồng ý cung cấp các thành phần thảo dược dùng trong toa thuốc cho cô L., cũng như không đưa ra được các thử nghiệm lâm sàng nào đã được công nhận về hiệu quả bài thuốc của ông. Trong trường hợp này gọi là điều trị không chính thống. Kết quả, sau bốn năm, bệnh của cô L. đã tiến triển sang đái tháo đường type 2, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và lượng mỡ trong máu vẫn còn cao. |