26/11/2024

Luận văn cao học cũng đầy lỗi chính tả

Câu hỏi này không mới nhưng bắt buộc phải đặt ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người trẻ kém trong diễn đạt và sử dụng đúng tiếng Việt, không thích thú gì với môn ngữ văn trong nhà trường và nhất là khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị cho lần đổi mới toàn diện chương trình – sách giáo khoa phổ thông.

 

Luận văn cao học cũng đầy lỗi chính tả

 

 

Câu hỏi này không mới nhưng bắt buộc phải đặt ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người trẻ kém trong diễn đạt và sử dụng đúng tiếng Việt, không thích thú gì với môn ngữ văn trong nhà trường và nhất là khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị cho lần đổi mới toàn diện chương trình – sách giáo khoa phổ thông.

 

 

Luận văn cao học cũng đầy lỗi chính tả
Tiếng Việt gắn với học sinh ngay từ những năm học đầu tiên ở bậc tiểu học rồi trở thành môn ngữ văn ở cấp học cao hơn thế nhưng hiện nay rất ít học sinh thích thú với môn học này – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Học càng cao, lỗi chính tả càng nhiều !

Hiện nay không chỉ học sinh (HS) phổ thông, sinh viên ĐH mà cả học viên sau ĐH cũng viết sai chính tả.

Tiến sĩ Nguyễn Quý Thành, Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non Trường ĐH Quy Nhơn, nhận định hiện tượng viết sai chính tả rất phổ biến trong HS và sinh viên ngày nay. Tiến sĩ Thành và các giáo viên tiểu học đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 40.000 bài chính tả của HS tiểu học khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Không tính lỗi viết hoa, trong số 2.276 chữ được luyện, có 2.048 chữ bị HS từ lớp 1 đến lớp 5 ở 119 lớp viết sai chính tả. Số chữ bị lỗi chiếm 90% số chữ được luyện và chiếm gần 60% số chữ thống kê trong 10 quyển Tiếng Việt  chương trình tiểu học.

Từ kết quả khảo sát này, tiến sĩ Thành phân tích, số bài phạm lỗi chính tả chiếm tỷ lệ thấp nhất ở các khối lớp 1, những lớp trên do hình thức chính tả tập chép giảm dần trong khi độ dài văn bản tăng nên số lỗi cũng tăng theo.

Một giảng viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đưa chúng tôi xem qua một số luận văn cao học của các học viên chuyên ngành ngôn ngữ học của trường này. Có thể thấy hàng loạt lỗi sai rất đơn giản như: cánh khuỷa (viết đúng là “cánh khuỷu”), cái chỉnh (cái chĩnh), khuyết tán (khuếch tán), chẳn hạn (chẳng hạn), chỉnh sữa (chỉnh sửa)…

 

 
 

Có những luận văn cao học, riêng lỗi sai chính tả có thể thống kê thành 5 trang đánh máy

 

Giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM

 

 

 Thậm chí, các lỗi sai thông thường này xuất hiện ngay trong luận án tiến sĩ của chuyên ngành này. Theo tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lỗi chính tả trong bài thi, luận văn của sinh viên và học viên cao học xuất hiện khá thường xuyên. Giảng viên một trường ĐH khác còn khẳng định: “Có những luận văn cao học, riêng lỗi sai chính tả có thể thống kê thành 5 trang đánh máy”.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh cho rằng những lỗi sai của sinh viên ĐH và học viên sau ĐH phần nhiều là do chủ quan, cẩu thả và thiếu trách nhiệm trong viết lách. Phần nào đó lỗi sai là do năng lực ngôn ngữ của mỗi người, mà điều này đáng ra phải giải quyết rốt ráo ở bậc phổ thông. “Ở bậc ĐH, giảng viên không thể dạy và sửa chính tả cho sinh viên được”, tiến sĩ Hạnh nói thêm.

Người dạy viết chính tả cũng sai… chính tả

Năm học 2014 – 2015, Bộ GD-ĐT quy định không chấm điểm HS tiểu học, thay vào đó là phương án đánh giá, nhận xét của giáo viên. Trước quy định này, lãnh đạo một trường tiểu học tại TP.HCM tâm sự với chúng tôi rằng giáo viên của trường đang rất lo lắng. Theo vị hiệu trưởng này, nỗi lo thứ nhất của giáo viên là sợ không có đủ thời gian ghi lời nhận xét cho HS; và nỗi lo thứ hai là sợ phải… ghi lời phê sai chính tả. “Nhiều giáo viên vẫn còn viết sai chính tả. Nếu học trò đem về nhà, phụ huynh đọc và phát hiện được thì giáo viên làm sao ăn nói với HS và phụ huynh. Trong hơn 20 năm làm công tác quản lý, tôi đã chứng kiến biết bao trường hợp giáo viên ghi lời phê sai chính tả”, vị hiệu trưởng này cho biết. Bà đưa những ví dụ như thay vì viết “con cần cố gắng hơn” thì ghi là cố gắn, “con cần nỗ lực nhiều hơn” thì ghi là nổ lực… “Đó là chưa kể đến những câu cụt, câu què mà khi tôi đọc cũng không hiểu giáo viên muốn nói điều gì với HS”, bà nói thêm.

Thói quen phát âm địa phương

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều giáo viên cho biết hiện nay hầu như HS giỏi, dở gì cũng đều lên lớp cả. “Một HS tiểu học nếu viết sai chính tả, làm văn rất tệ thì cũng được ôn và kiểm tra lại đến 3 lần. Mà kiểm tra lại thì giáo viên sẽ ôn tập trung, giới hạn nội dung lại. Như vậy, chắc chắn các em đều lên lớp “non kiến thức”. Mà khi các em học yếu nhưng vẫn được lên lớp, các em sẽ cảm thấy đuối, cái sai trước sửa chưa xong thì lại phải tiếp thu cái mới, dẫn đến việc các em sai chính tả càng nhiều và khó có khả năng khắc phục được. Nguy hiểm hơn là việc viết sai chính tả đã đi vào tiềm thức thì rất khó sửa. Bởi lẽ, khi viết từ sai nhưng các em cứ đinh ninh mình viết đúng”, một giáo viên tiểu học tại Q.Tân Bình nói.

Một nguyên nhân khác mà theo chuyên viên một phòng giáo dục tại TP.HCM, một phần cũng do lỗi của giáo viên, nhất là những giáo viên chưa phát âm đúng, dùng từ sai chính tả. “Một giáo viên không vững chính tả thì sẽ cho ra hàng tá thế hệ HS viết sai”, vị chuyên viên này cho biết. Còn tiến sĩ Nguyễn Quý Thành cho rằng nhiều giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc viết đúng chính tả. Tiến sĩ Thành nhấn mạnh: “Việc phát âm không chuẩn nói chung, đọc không chuẩn trong giờ học chính tả nói riêng là nguyên nhân khiến HS phạm lỗi. Có trường hợp HS viết lẫn lộn n/l là do giáo viên phát âm không phân biệt”.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), nhìn nhận: “Trong giao tiếp thông thường có thể chấp nhận phương ngữ. Nhưng trong lớp học, đặc biệt là các giờ tập đọc, tập viết, chính tả đòi hỏi ngôn ngữ phải chuẩn xác”. Cũng theo bà Điệp, ở lớp 1, giáo viên phải phát âm chuẩn nên giáo viên lúc nào cũng phải có ý thức trong sử dụng ngôn ngữ với trẻ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng thiết kế chương trình tiếng Việt hiện nay khiến HS ít có cơ hội rèn chính tả, diễn đạt hơn. Chẳng hạn sách tiếng Việt tiểu học đã cắt bỏ luôn dạng bài chính tả so sánh các âm đầu, âm cuối, nên càng khiến cho HS khó viết đúng, nhất là những từ khó, từ dễ lẫn lộn. Sách Tiếng Việt cũng bỏ luôn phần định ngữ và bổ ngữ. Theo nhiều giáo viên, nếu dạy phần này HS có thể sẽ hành văn tốt hơn.

 

Yêu cầu của môn tiếng Việt tiểu học

Sách hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở tiểu học dành cho giáo viên của NXB Giáo dục đối với môn tiếng Việt nêu: Lớp 1, bước đầu nhận biết nghĩa một số từ ngữ thông dụng qua tranh (hình) minh họa; luyện nói 4 – 5 câu xoay quanh chủ đề học tập qua các bức tranh trong SGK; tìm được tiếng, nói được câu chứa tiếng có vần cần ôn trong bài…

Lớp 2, 3, 4, 5 đọc rõ ràng, rành mạch, trôi chảy, lưu loát (tập đọc); không mắc quá 5 lỗi trong bài (chính tả); viết chữ rõ ràng, liền mạch và tương đối đều nét, thẳng hàng (tập viết)…

 

H.Ánh – M.Luân – B.Thanh