Nhập viện vì mỹ phẩm giả
Hàng giả, hàng dỏm đang làm doanh nghiệp đau đầu nhưng thiệt hại lớn nhất là người tiêu dùng, không chỉ vật chất mà cả sức khỏe.
Nhập viện vì mỹ phẩm giả
Hàng giả, hàng dỏm đang làm doanh nghiệp đau đầu nhưng thiệt hại lớn nhất là người tiêu dùng, không chỉ vật chất mà cả sức khỏe.
Một nạn nhân của mỹ phẩm giả – Ảnh: T.D. |
Số vụ hàng giả, hàng dỏm trong hai năm 2013 và 2014 do Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện. Đồ họa: Vĩ Cường, số liệu: Lê Sơn |
Mong muốn được đẹp hơn trong mắt mọi người bỗng chốc trở thành cơn ác mộng đối với nhiều phụ nữ khi mua phải mỹ phẩm giả.
Mỹ phẩm là mặt hàng đòi hỏi quy trình sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các đối tượng làm giả chỉ cần những thao tác, công cụ đơn giản để sản xuất hàng loạt và bày bán như mớ rau, con cá.
Từ sưng mặt sang thâm đen
Ngày 18-11, tìm đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ trong bộ dạng tiều tụy, chị Trương Ngọc Yến (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chua xót khi trở thành nạn nhân của mỹ phẩm giả, từng bị buộc thu hồi do Công ty TNHH EBC VN kinh doanh.
Sau gần một tuần điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ da liễu kết hợp kiêng cữ khổ sở nhưng hai bên gò má, phần môi trên của chị vẫn sưng tấy. Đặc biệt, vết sưng đỏ đang có dấu hiệu chuyển dần sang thâm đen.
“Suốt thời gian này tôi chỉ ra đường khi gặp bác sĩ. Ngay cả lúc ở trong nhà, tôi cũng phải mang khẩu trang vì người nhà nhìn thấy cũng… phát gớm!” – chị Yến than thở.
Theo chị Yến, ngày 13-11 chị bắt đầu sử dụng sản phẩm kem trị nám White Doctors Melasma Pro do người quen giới thiệu với giá 780.000 đồng/hộp.
Ngay lần đầu sử dụng, chị đã cảm thấy da có phản ứng ngứa ngáy, tuy nhiên theo hướng dẫn sử dụng thì đây chỉ là phản ứng thông thường nên tiếp tục dùng. Đến lần sử dụng sau, da mặt chị bỏng rát, vùng da trở nên ửng đỏ, sưng tấy. Ngay lập tức chị rửa mặt nhưng gương mặt chỉ sau 15 phút sử dụng sản phẩm đã biến dạng, da mặt căng cứng, sưng phù.
Kết quả khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM ngày 17-11 cho thấy chị Yến bị viêm da dị ứng tiếp xúc khá nặng. Ngoài việc uống thuốc theo đơn, chị Yến phải thường xuyên đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi tình hình.
Chỉ tính từ ngày 17 đến 25-11, chị Yến phải ba lần đến bệnh viện để theo dõi điều trị, tái khám, tình trạng dị ứng mới thuyên giảm, bớt đau nhức.
Bức xúc vì dùng phải hàng kém chất lượng, chị Yến liên lạc với đại diện công ty thì đơn vị này liên tục đùn đẩy trách nhiệm cho người bán hàng. Đến ngày 19-11, cuộc gặp giữa chị Yến với đại diện công ty tại trụ sở trên đường Sư Vạn Hạnh (P.12, Q.10), phía công ty hứa hẹn sẽ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo chị Yến, buổi làm việc không có hiệu lực khi đại diện công ty chỉ hứa suông, nhất quyết không ghi biên bản làm việc. Bà Yến tiếp tục khiếu nại đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM nhờ giải quyết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Công ty TNHH EBC VN từng bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu thu hồi, tiêu hủy 17 dòng sản phẩm do mỹ phẩm có công thức không đúng hồ sơ công bố đã được phê duyệt… Trong đó, sản phẩm chị Yến sử dụng là một trong 17 dòng sản phẩm trên.Hàng giả… giá khủng
Cũng “gặp nạn” nhưng không được hứa hẹn bồi thường là trường hợp bà Lan Anh ngụ đường Phạm Văn Bạch (P.15, Q.Tân Bình) khi sử dụng mỹ phẩm trắng da, trị nám giả mạo.
Cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm da của trung tâm y tế, bà Lan Anh bàng hoàng khi biết da mình bị tổn thương nặng. Sau khoảng một năm sử dụng do mua nhầm kem Sắc Ngọc Khang (hàng giả mạo), vùng da mặt bà Lan Anh trở nên nhão, chảy xệ và ngày càng đen sạm.
“Lúc mới sử dụng những vết nám da mờ thấy rõ, da trắng đẹp. Bạn bè gặp tôi, ai cũng ngạc nhiên. Nhưng giờ gặp lại, họ tiếp tục ngạc nhiên vì da mặt tôi biến đổi quá nhiều. Theo các bác sĩ da liễu, da mặt tôi không thể phục hồi” – bà Lan Anh buồn rầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lan Anh cho hay chỉ biết mình sử dụng phải hàng giả khi liên lạc với trung tâm tư vấn khách hàng của Công ty CP Hoa Thiên Phú (chủ thương hiệu Sắc Ngọc Khang).
“Sản phẩm được đóng hộp khá bắt mắt, sử dụng hình ảnh, logo của công ty được in ấn sắc nét với tem nhãn chống hàng giả. Đặc biệt, sản phẩm được bày bán ở cửa hàng mỹ phẩm khá cao cấp và dù là hàng giả nhưng giá bán ra không hề rẻ (190.000 đồng/lọ loại 15 gram và 330.000 đồng/lọ loại 25 gram – PV)” – bà Lan Anh nói.
Trong trường hợp này, đại diện Công ty CP Hoa Thiên Phú khẳng định khách hàng đã sử dụng sản phẩm “kem trị nám Sắc Ngọc Khang” giả. Bởi thời điểm cuối năm 2013 khi khách hàng mua và sử dụng sản phẩm trị nám (dạng kem) phía công ty chưa sản xuất mặt hàng này (chỉ ra sản phẩm dạng viên).
Cũng theo đại diện công ty, hiện nay đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng xử lý hơn chục công ty, cơ sở sản xuất hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hàng, sản phẩm của công ty.
Bà Lan Anh (P.15, Q.Tân Bình) cầm giấy khám sức khỏe cho thấy da mặt bị tổn thương nặng do sử dụng kem trị nám Sắc Ngọc Khang giả – Ảnh: Lê Sơn |
Bán mỹ phẩm như rau, cá
Theo thống kê của cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả để lại nhiều tác hại. Không chỉ làm giả các nhãn hiệu mỹ phẩm nước ngoài, thời gian gần đây hàng loạt nhãn hiệu mỹ phẩm trong nước trở thành đối tượng chính của những kẻ chuyên làm hàng giả.
Điều đáng nói mỹ phẩm là mặt hàng đòi hỏi quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt nhưng hiện được kinh doanh như mớ rau, con cá.
Tại Hội chợ mua sắm tiêu dùng 2014 do Liên hiệp khoa học doanh nhân VN tổ chức (ngày 28-11 đến 3-12) ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), nhiều người đã chú ý đến những gian hàng bán sữa tắm giá rẻ như bèo với mức “mua một tặng hai”, “100.000 đồng ba chai”…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá niêm yết các nhãn sữa tắm ở đây đang là 85.000 đồng/chai (1,2 lít) nhưng muốn giá nào cũng có.
Trong vai thương nhân cần lượng hàng sữa tắm lớn phân phối thị trường Campuchia, chúng tôi được ông Phan Hưng tự xưng là người của Công ty TNHH SX-TM DV Hoa Lan – một trong số các công ty đang sản xuất các nhãn hiệu sữa tắm “giá bèo” tại hội chợ này – bật mí: “Ở hội chợ này công ty tôi đang bán các nhãn sữa tắm như White Care, Rose, Queen Love… nhưng nếu anh muốn lấy số lượng lớn để phân phối lại các thị trường khác thì anh thích để tên gì, nhãn hiệu nào và thậm chí trên nhãn sản phẩm thích để tên của công ty nào sản xuất cũng làm được. Chỉ cần anh lấy một lượng hàng lớn trên 400 thùng, chúng tôi sẽ ra khuôn mới để sản xuất nhãn hiệu, tên tuổi theo yêu cầu”.
Quan sát trên các sản phẩm của Công ty Hoa Lan phần lớn đều ghi sản xuất bằng công nghệ của Malaysia, nhưng ông Hưng cho hay muốn ghi công nghệ sản xuất ở đâu chẳng được, thích để Malaysia hay Thái Lan… cũng có thể in lên sản phẩm.
Khi chúng tôi tỏ ý muốn đặt hàng sữa tắm của các nhãn trên với số lượng lớn, ông Hưng cho biết sẽ lấy mức giá còn 19.000 đồng/chai (loại 1,2 lít).
“Giá thấp hơn chúng tôi cũng làm được nhưng làm vậy mất uy tín lắm! Nói thật, giá càng rẻ thì càng phải độn và bớt chỗ này chỗ kia. Càng độn vào thì sữa tắm sẽ đặc và dễ bị vón hơn nên khó bán…” – ông Hưng bộc bạch.
Chúng tôi lần theo địa chỉ in trên sản phẩm tìm đến Công ty Hoa Lan tại đường D5, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM nhưng thực chất đây chỉ là một căn nhà tuềnh toàng có để biển công ty và không hề có hoạt động sản xuất ở đây.
Khi hỏi về nơi sản xuất thì ông Hưng lập lờ: “Trên bao bì ghi là vậy nhưng thực chất địa điểm sản xuất là một nơi khác”.
Theo đại diện Công ty CP Hoa Thiên Phú, để đầu tư phát triển một dòng sản phẩm họ phải tốn hàng tỉ, thậm chí chục tỉ đồng cho các công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm…
“Hoạt động đầu tư đòi hỏi thu hồi vốn lâu dài, lợi nhuận hình thành từ niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm. Tuy nhiên, lúc này chúng tôi hiện là “người đổ vỏ” cho kẻ gian” – đại diện công ty này bức xúc.
Đại diện công ty khẳng định các sản phẩm mang tên na ná như Sắc Nét Ngọc Khang, Sắc Mỹ Ngọc Khang, Sắc Thể Ngọc Hoàng Khang… với các sản phẩm chính là kem, sữa rửa mặt, tắm trắng đều là xâm phạm thương hiệu công ty.
Khó phân biệt thật – giả Mới đây, gặp lại phóng viên Tuổi Trẻ, gương mặt chị Mỹ Hạnh vẫn chưa thể phục hồi sau lần “gặp nạn” vì sử dụng mỹ phẩm giả. Khoảng đầu tháng 9-2014, chị Mỹ Hạnh tới một cửa hàng bán mỹ phẩm tại thị trấn Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương) tìm mua kem dưỡng da. Do loại kem dưỡng da chị Hạnh thường dùng đã hết, chủ tiệm tư vấn cho chị mua kem dưỡng da nhãn hiệu Vĩnh Tân, là loại kem được chiết xuất từ tinh chất mủ trôm, được quảng cáo là “xua tan tất cả mụn, nám, tàn nhang”… Ngờ đâu, khi mới bôi kem dưỡng da lần hai thì da mặt chị Hạnh bắt đầu có dấu hiệu sưng tấy, mẩn đỏ và ngứa. Hai bên mắt chị Hạnh cũng bị sưng và thâm quầng. Dù rất lo lắng nhưng chị vẫn phải lén lút giấu gia đình đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết loại kem dưỡng da chị Hạnh sử dụng có quá nhiều tạp chất dẫn tới phù nề da, viêm da. Chị Hạnh liền cầm sản phẩm tới trụ sở ghi trên bao bì của Công ty Vĩnh Tân tại Q.10 để khiếu nại mới tá hỏa khi biết hai hộp kem chị mua chỉ là sản phẩm làm giả nhãn hiệu của Vĩnh Tân. Bà Võ Thị Liễu – giám đốc Công ty TNHH công nghệ Vĩnh Tân – cho biết hàng giả có thể rẻ hơn hàng chính hãng vài chục ngàn đồng (khoảng 60.000 đồng/hộp) nhưng hệ quả mà khách hàng phải chịu nặng nề hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt, sản phẩm giả giống thật đến 90% nên khách hàng rất khó phân biệt. Đối với trường hợp làm giả này, mới đây cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và TP.HCM đã phối hợp tìm ra điểm sản xuất mỹ phẩm giả Công ty Vĩnh Tân tại một con hẻm thuộc P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM. Cơ sở do Lâm Văn Quốc Khanh (20 tuổi, quê Đồng Tháp) làm chủ. Tại đây cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm vỏ hộp nhựa để làm giả mỹ phẩm, khuôn đúc… Khanh khai nhận hỗn hợp kem để làm giả mỹ phẩm mua trôi nổi tại TP.HCM, được đựng trong các can nhựa lớn sau đó Khanh mang về cơ sở của mình chiết xuất ra các hộp nhỏ.Bá Sơn |
“Mặt hàng nào cũng bị làm giả” Xung quanh việc chống hàng giả, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thế Bảo (chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN) cho biết: – Bây giờ đúng là khó tìm thấy mặt hàng nào mà không có hàng giả, hàng nhái. Từ đồ điện tử, phân bón, thuốc trừ sâu đến thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, tôn thép… Họ làm giả, làm nhái ở nhiều dạng, nhiều kiểu khác nhau. Có loại từ nước ngoài đưa vào, có loại ngay chính trong nước làm giả, nhái. Có loại doanh nghiệp VN đem ra nước ngoài sản xuất rồi ghi Made in VN. Hàng giả, nhái đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, đe dọa sản xuất trong nước và nghiêm trọng nữa là làm mất uy tín hàng VN… * Nói nguy cơ rất nhiều rồi, nhưng vì sao chống mãi không được, thưa ông? – Chính phủ đã rất quan tâm đến hàng giả, hàng nhái. Giải pháp, Chính phủ đã có nhiều. Chúng tôi tính trong lĩnh vực này có 35 nghị định. Dù đã làm được nhiều việc, nhưng đúng là nhiều nội dung quy định còn có vấn đề, những bất cập thực tế còn rất nhiều. Đơn cử có quy định khi tịch thu hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì tịch thu, tiêu hủy. Nhưng có nghị định khác lại cho bán để lấy tiền. * Đã có nhiều giải pháp nhưng hàng giả, hàng gian vẫn ngày càng tăng? Giải pháp sâu xa, theo ông, nên thế nào? – Thế kỷ này có thể nói là thế kỷ của hàng giả, hàng nhái. Chúng ta lại có cái không may là sống cạnh nước làm giả vào bậc thầy thế giới. Nó là vấn nạn của thế giới rồi. Biên giới chúng ta lại rộng. Nên phải huy động toàn lực của dân. Vì có thực tế, lương ở VN thấp, muốn mua một cái túi Gucci cần 1.000-2.000 USD. Trong khi một cái túi nhái y hệt chỉ vài chục, hoặc vài trăm ngàn, người tiêu dùng vẫn mua. Nên ở đây bản thân người tiêu dùng, doanh nghiệp đều cần sửa sai. Doanh nghiệp theo tôi cũng cần nhìn lại, làm sao đáp ứng được các yêu cầu, kể cả yêu cầu hàng rẻ của khách hàng. |