Thưởng thức và chia sẻ: Xin lỗi
Xin lỗi có vẻ là từ khó nói nhất, nên so với mọi ngôn từ, “xin lỗi” dường như ít được sử dụng nhất.
Thưởng thức và chia sẻ: Xin lỗi
Xin lỗi có vẻ là từ khó nói nhất, nên so với mọi ngôn từ, “xin lỗi” dường như ít được sử dụng nhất.
Ấy vậy nhưng có những lời xin lỗi được thốt ra dù bản thân người nói không có lỗi. Là khi người ta chấp nhận hạ mình để giữ gìn mối quan hệ mà họ trân quý. Dẫu không xuất phát từ một lỗi lầm nào đó, ấy cũng là một lời xin lỗi đáng trân trọng.
Có những hành động có giá trị hơn nhiều lời xin lỗi. Đó là khi người ta thực tâm hối lỗi và muốn chuộc lỗi bằng những hành vi thiết thực. Thế nên, không nhất thiết phải chờ đợi một lời xin lỗi, nhất là khi bạn không chắc đó là lời xin lỗi thực tâm cũng như sau khi xin lỗi, người ta có khả năng mắc lại lỗi lầm ấy không.
Cách xin lỗi thể hiện văn hoá, trách nhiệm của người nói và trong nhiều tình huống, tuỳ thuộc vào mức độ chân thành, lời xin lỗi còn mang “sứ mệnh” hoá giải xung đột, cứu vãn tình thế. Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc va chạm trên đường mà nhờ những lời xin lỗi kịp thời, các bên đã tránh được những xung đột đáng tiếc.
Xin lỗi chỉ là hành động mang tính phản xạ khi tiếp theo đó là những sai lầm lặp đi lặp lại. Lời xin lỗi chỉ thật sự ý nghĩa khi được thốt ra một cách chân thành, đầy tự trọng thay vì bị lạm dụng như một thói quen khách sáo, còn người được xin lỗi cũng không xem đó như một hành động thấp hèn.
Xin lỗi để ta tự giải thoát khỏi những mặc cảm tội lỗi, như một sự tự răn mình để trở nên toàn bích hơn, để cuộc sống tốt đẹp hơn khi những sai lầm được hóa giải bằng sự thứ tha và tinh thần trách nhiệm.
Lê Thị Ngọc Vi