Lúng túng trong giáo dục đặc biệt: Cần kiên trì và đột phá
Câu chuyện về trẻ tự kỷ, trẻ có biểu hiện bất thường trong hành vi, tâm lý và phát triển trí tuệ không còn là chuyện của “một nhà ai đó” mà đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Lúng túng trong giáo dục đặc biệt: Cần kiên trì và đột phá
Câu chuyện về trẻ tự kỷ, trẻ có biểu hiện bất thường trong hành vi, tâm lý và phát triển trí tuệ không còn là chuyện của “một nhà ai đó” mà đang diễn ra xung quanh chúng ta.
PGS.TS Phạm Minh Mục |
Ngày càng có nhiều trẻ cần can thiệp, chăm sóc đúng lúc, đúng mức. Nhiều nhà giáo dục (GD), chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về việc này với Tuổi Trẻ.
* PGS.TS Phạm Minh Mục (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GD đặc biệt, Viện Khoa học GD Việt Nam):
Nhiều người không thừa nhận con bị khuyết tật
Phải nói rằng có không ít khó khăn trong GD học sinh có nhu cầu GD đặc biệt.
Đến bây giờ, Việt Nam thật sự vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng trẻ em khuyết tật (theo Bộ Lao động – thương binh và xã hội thì con số này là 1,3 triệu, nhưng theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội trước Quốc hội lại là 1,9 triệu).
Chúng ta cũng chưa thống nhất các tiêu chí đánh giá khuyết tật, dạng tật và mức độ tật, nên dù đã có điều tra dân số song số liệu giữa các cơ quan chức năng khác nhau đưa ra là rất khác nhau. Chưa kể có một thực tế là nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ, nhiều gia đình không công nhận con mình bị khuyết tật.
Ở Việt Nam hiện tồn tại hai mô hình GD trẻ khuyết tật là mô hình GD chuyên biệt và mô hình GD hòa nhập.
Theo mô hình GD chuyên biệt, hiện có hơn 100 cơ sở với gần 1.000 học sinh. Ở đó, có hơn 50% giáo viên được đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên ngành GD trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, tại các cơ sở này việc thực hiện GD không được coi trọng. Vì vậy chất lượng GD cũng không được như mong muốn.
Viện Khoa học GD Việt Nam đã xây dựng một số chương trình GD chuyên biệt, nhưng thực tế không được các cơ sở GD này sử dụng. Phần lớn học sinh chỉ được học trong phạm vi chương trình GD tiểu học.
Còn mô hình GD hòa nhập đã được Bộ GD-ĐT triển khai trên toàn quốc từ năm 2001. Từ đó, số lượng học sinh khuyết tật được đi học đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, chất lượng GD còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng học sinh khuyết tật ở các cấp THCS và THPT bỏ học rất cao (hơn 30%).
Không khó tìm ra lý do dẫn đến hiện trạng này để tìm ra giải pháp. Song thực tế việc khắc phục cần cả sự kiên trì và đột phá của ngành GD.
Thứ nhất, đó là vì giáo viên không được đào tạo về GD đặc biệt.
Thứ hai, dù Bộ GD-ĐT đã tổ chức rất nhiều khoá tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về dạy học sinh khuyết tật, nhưng do thời lượng không đủ, giáo viên được cử đi học không đúng đối tượng, hoặc sử dụng (phân công giảng dạy) không phù hợp nên không đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo cũng đang có vấn đề. Các chương trình đào tạo ở đại học không phải đào tạo chuyên gia, cũng không phải đào tạo giáo viên tiểu học hay trung học dạy hòa nhập.
Vì vậy, những giáo sinh này không được tuyển vào các trường hòa nhập vì họ không được đào tạo như những giáo viên dạy phổ thông. Trong khi đó, các trường chuyên biệt lại hạn chế về chỉ tiêu cũng như biên chế.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải |
* PGS.TS Nguyễn Xuân Hải (trưởng khoa GD đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
Nên có nội dung giáo dục đặc biệt
Hiện nay trong chương trình đào tạo giáo viên không có bộ môn nào về nội dung GD đặc biệt. Giáo viên không được đào tạo, khi ra trường không thể có hiểu biết, kỹ năng và cả tâm thế để đón nhận, hỗ trợ, GD học sinh đặc biệt.
Trong khi đó, hầu như các chương trình tập huấn giáo viên cũng không có nội dung nào về GD đặc biệt. Đáng buồn nữa là với tinh thần “đưa trẻ khuyết tật học hoà nhập”, rất nhiều nhà trường, giáo viên có quan niệm “học sinh học hoà nhập thì không cần đánh giá”.
Vô hình trung ngành GD tạo ra một sự phân biệt đối xử giữa học sinh bình thường và học sinh có biểu hiện rối loạn tâm lý, hành vi, trí tuệ, có tâm lý buông bỏ, coi trẻ học hoà nhập chỉ cần được ngồi chung với các bạn khác, thế là đủ.
Hiện nay cả nước mới chỉ có bốn trường sư phạm mở chuyên ngành GD đặc biệt với quy mô cầm chừng, vì không phải ngành thu hút người học. Lý do kém hấp dẫn cũng là vì họ không thể xin việc trong các trường công, không có định danh nào cho “giáo viên đặc biệt”, trong khi để gắn bó với công việc này cần rất nhiều tâm huyết, lòng kiên nhẫn của người thầy.
Đã đến lúc những bất cập trên cần được nghiêm túc xem xét lại. Ngoài việc tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành có cơ hội việc làm, ngành GD-ĐT cần bổ sung nội dung tập huấn giáo viên thường xuyên về vấn đề GD học sinh đặc biệt. Trong đó quan điểm “buông bỏ”, “không cần đánh giá”, “không cần dạy dỗ” cần phải loại bỏ.
Dĩ nhiên ở đây không phải “đánh giá” đối tượng học sinh này như đại trà nhưng cần áp dụng các phương pháp GD, đánh giá đặc thù.
Ở nhiều trường ngoài công lập chất lượng cao hiện nay đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc này. Nhiều nơi còn có riêng phòng với thiết kế đặc biệt để hỗ trợ, chăm sóc học sinh đặc biệt khi các em có vấn đề cần can thiệp khẩn cấp.
Tôi mong rằng tới một lúc nào đó trường công cũng nghĩ đến việc này.
* TS LÊ THỊ THÚY HẰNG (trưởng khoa GD đặc biệt Trường CĐ Sư phạm trung ương): Quan tâm can thiệp và giáo dục sớm Khó khăn nhất trong GD đặc biệt hiện nay là làm cách nào để học sinh có nhu cầu đặc biệt điển hình được tiếp cận ngay từ sớm, được hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đặc thù ngay từ sớm để có thể có đủ năng lực học lên các bậc học cao hơn. Tôi cho rằng quan trọng là gia đình, trường học và ngành GD cần quan tâm đến can thiệp sớm và GD sớm cho trẻ khuyết tật để đảm bảo trẻ được phát triển và sẵn sàng tiếp cận cơ hội GD phổ thông và bậc học cao hơn. Ngoài ra, cần có biên chế giáo viên (mã ngành) GD đặc biệt trong trường mầm non và trường phổ thông. Khi hình thành phòng hỗ trợ trong trường học, cần có biên chế giáo viên GD đặc biệt. Thực tế, những học sinh khuyết tật điển hình (ví dụ học sinh điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, học sinh tự kỷ, học sinh tăng động giảm chú ý…) chưa thật sự nhận được những hỗ trợ đặc biệt của giáo viên trong trường hoà nhập. Chỉ khi nhận được những kỹ năng hỗ trợ rất chuyên sâu, các em mới có thể tiếp cận GD và hòa nhập một cách hiệu quả. Trong khi đó, giáo viên của các cơ sở GD hòa nhập chưa đủ kỹ năng hỗ trợ đặc thù cho các đối tượng học sinh này. Vì vậy, các em còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để sẵn sàng hòa nhập và học tập. Ở Việt Nam hiện đang phát triển mô hình trung tâm hỗ trợ giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật và phòng hỗ trợ trong trường học. Đây cũng chính là một giải pháp đảm bảo chất lượng trong GD hoà nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam. |